Chuyên gia hiến kế phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam

Phạm Huyền |

Để phát triển du lịch bền vững tại các đô thị, chuyên gia cho rằng giới chức cần quan tâm đến chính sách, phát triển năng lực quản lý, khả năng đáp ứng của hạ tầng...

Thực trạng du lịch tại các đô thị

Nhận định về tình trạng đô thị hóa khá nhanh của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho rằng: “Sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị là điều kiện thuận lợi để khai thác phát triển du lịch. Hoạt động du lịch tại các đô thị Việt Nam giai đoạn vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, chiếm tỷ trọng chủ yếu về khách du lịch và tổng thu từ khách du lịch của cả nước”.

Mặt khác, lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chỉ ra một số vấn đề ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững như: gia tăng sức ép đến môi trường; giao thông tại các khu, điểm du lịch bị tắc nghẽn, đặc biệt vào mùa cao điểm. Quy hoạch cảnh quan đô thị cũng có thể bị phá vỡ bởi các dự án xây dựng hạ tầng du lịch. Bên cạnh đó, giá trị của bất động sản gần các khu du lịch cũng bị đẩy cao; và một số vấn đề về xã hội khác.

“Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch tại các đô thị mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch trên cả nước”, ông Phạm Văn Thủy phát biểu tại hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra” do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) tổ chức ngày 2.11.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng thực tế phát triển du lịch tại các đô thị ở Việt Nam như Sa Pa, Hạ Long, Hội An... cho thấy sự gia tăng lượng khách đến các đô thị, đặc biệt trong mùa du lịch, góp phần gây nên những áp lực không nhỏ đến hạ tầng đô thị. Đặc biệt là hệ thống xử lý chất thải, trong khi năng lực thu gom và xử lý chất thải ở phần lớn các đô thị ở Việt Nam còn nhiều hạn chế.

“Sự gia tăng lượng khách du lịch cũng gây áp lực đối với hệ thống giao thông đô thị vốn đã quá tải do tốc độ đô thị hoá quá nhanh, đặc biệt ở các thành phố lớn 7 . Sự phát triển hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí để đáp ứng nhu cầu khách du lịch tại các đô thị đã dẫn đến xâm lấn không gian sống với người dân địa phương, quỹ đất thu hẹp, giá bất động sản tăng cao…”, ông Trương Sỹ Vinh đánh giá.

Phố cổ Hội An là tâm điểm du lịch tại Quảng Nam trong những ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua. Ảnh: Nguyễn Linh
Phố cổ Hội An là tâm điểm du lịch tại Quảng Nam trong những ngày đầu kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 vừa qua. Ảnh: Nguyễn Linh

Trong những năm tới, du lịch Việt Nam được định hướng phát triển thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và bao trùm, tối đa hoá sự đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Phát triển du lịch tại các đô thị vẫn là một trong những hướng ưu tiên trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.

Song, bối cảnh tốc độ đô thị hoá ngày càng cao, đặc biệt tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh... đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển du lịch bền vững nói chung và phát triển du lịch tại các đô thị nói riêng ở Việt Nam.

“Chúng ta phải có những giải pháp mới, sáng tạo hơn, linh hoạt và phù hợp hơn. Đặc biệt là các giải pháp với sự trợ giúp của công nghệ trong quản trị đô thị nói chung và trong các hoạt động phục vụ cho kiểm soát và phát triển đô thị, phát triển các mô hình du lịch thông minh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội mà không gây tổn hại cho đô thị và môi trường”, ông Trương Sỹ Vinh bày tỏ.

Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy (trái), TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (giữa) điều phối hội nghị. Ảnh: TITC
Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy (trái), TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch (giữa) điều phối hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tại các đô thị Việt Nam - Những vấn đề đặt ra”. Ảnh: TITC

Định hướng phát triển bền vững

Thực tế, để phát triển du lịch bền vững tại các đô thị, giới chức cần quan tâm đến chính sách đối với phát triển đô thị, năng lực quản lý của chính quyền đô thị, khả năng đáp ứng của hạ tầng đô thị, môi trường, nguồn nhân lực và khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Đó là chia sẻ của PGS.TS. Phạm Trung Lương, Phó Chủ tịch Liên chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam.

Theo chuyên gia này, vấn đề đầu tiên cần được chú trọng để đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững là cần sớm nghiên cứu điều chỉnh Luật đô thị theo hướng công nhận đô thị dựa trên tính nổi trội của các ngành kinh tế trụ cột (đô thị công nghiệp, đô thị du lịch...), dựa trên tính chuyên biệt của đô thị (đô thị xanh, đô thị thông minh...) hay dựa trên các danh hiệu đô thị (đô thị đáng sống, đô thị hạnh phúc, đô thị hòa bình...) trong hệ thống đô thị.

Để có căn cứ công nhận, ngành du lịch cần phối hợp với ngành xây dựng sớm triển khai nghiên cứu hệ thống các tiêu chí hoặc tiêu chuẩn cụ thể về “Đô thị du lịch” nơi du lịch đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

“Việc công nhận các “đô thị du lịch” sẽ không chỉ nâng cao thương hiệu điểm đến, mà còn nâng cao được thương hiệu các sản phẩm du lịch đô thị”, ông Phạm Trung Lương khẳng định.

Bên trong Bưu điện TPHCM, điểm đến ưa thích của khách du lịch tại TPHCM. Ảnh: Anh Tú
Bên trong Bưu điện TPHCM, điểm đến ưa thích của khách du lịch tại TPHCM. Ảnh: Anh Tú

Thứ hai, để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch đô thị, cần thay đổi tư duy quy hoạch đô thị dựa trên những nguyên tắc cơ bản của hoạt động phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch bền vững nói riêng đối với các đô thị có tiềm năng và lợi thế về du lịch.

“Đây là yếu tố rất quan trọng để khai thác có hiệu quả những tiềm năng tài nguyên du lịch cũng như hạn chế được những tác động tiêu cực của hoạt động phát triển đô thị đến du lịch đô thị”, chuyên gia này đánh giá.

Thứ ba, cần đẩy nhanh kế hoạch ứng dụng công nghệ 4.0 trong thực hiện mục tiêu phát triển đô thị thông minh, đặc biệt ở những đô thị, nơi du lịch được xác định là ngành kinh tế trụ cột trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Bởi, điều này đảm bảo du khách tiếp cận một cách nhanh nhất và đầy đủ nhất thông tin về điểm đến, trải nghiệm những sản phẩm du lịch đô thị một cách hoàn hảo nhất với sự hỗ trợ của công nghệ. Đây cũng chính là xu hướng phát triển các điểm đến du lịch trên thế giới và khu vực.

Thứ tư, để đảm bảo sự phát triển bền vững của một đô thị nơi du lịch đô thị được ưu tiên phát triển, cần chú trọng thường xuyên nâng cao năng lực quản lý đô thị của các cấp chính quyền.

Ngoài kiến thức về quản lý nhà nước, quản lý đô thị, ông Phạm Trung Lương kiến nghị các cấp chính quyền cần thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ, hiểu biết về du lịch, về quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch và về ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như biến đổi khí hậu trong phát triển đô thị du lịch.

Phạm Huyền
TIN LIÊN QUAN

Nhật Bản muốn thúc đẩy thị trường khách Việt tăng cả về “lượng” lẫn “chất”

Phạm Huyền |

Ông Yoshida Kenji - Trưởng Đại diện JNTO tại Việt Nam, cho biết ngành du lịch Nhật Bản không chỉ nhắm vào lượng khách mà còn xúc tiến nhằm gia tăng tiêu dùng của khách quốc tế.

Ứng dụng công nghệ giúp TPHCM phát triển du lịch bền vững

DI PY |

Ngày Hội Chuyển đổi số du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 diễn ra sáng 11.7 tại TP Cần Thơ, với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển bền vững”.

Đà Nẵng bảo tồn di sản Ngũ Hành Sơn để phát triển du lịch bền vững

Mai Hương |

Đi đôi với việc phát triển du lịch, việc bảo tồn những giá trị cốt lõi của di sản tại quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) cũng vô cùng quan trọng.

Nhật Bản muốn thúc đẩy thị trường khách Việt tăng cả về “lượng” lẫn “chất”

Phạm Huyền |

Ông Yoshida Kenji - Trưởng Đại diện JNTO tại Việt Nam, cho biết ngành du lịch Nhật Bản không chỉ nhắm vào lượng khách mà còn xúc tiến nhằm gia tăng tiêu dùng của khách quốc tế.

Ứng dụng công nghệ giúp TPHCM phát triển du lịch bền vững

DI PY |

Ngày Hội Chuyển đổi số du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 diễn ra sáng 11.7 tại TP Cần Thơ, với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phát triển bền vững”.

Đà Nẵng bảo tồn di sản Ngũ Hành Sơn để phát triển du lịch bền vững

Mai Hương |

Đi đôi với việc phát triển du lịch, việc bảo tồn những giá trị cốt lõi của di sản tại quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) cũng vô cùng quan trọng.