Du lịch miền Tây Nghệ An khắc phục điểm nghẽn để cất cánh

QUANG ĐẠI |

Miền Tây Nghệ An có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, nhưng nhiều năm qua lượng du khách đến khu vực này chưa đạt như kỳ vọng.

Tiềm năng du lịch của miền Tây Nghệ An rất lớn cả về tự nhiên và xã hội, nhân văn. Nơi đây có rất nhiều hang động, thác nước, suối nước nóng… có thể xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù như dưỡng bệnh, du lịch thể thao, mạo hiểm, nghiên cứu khoa học…

Theo nhiều phượt thủ, phong cảnh miền Tây xứ Nghệ có vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ đầy mê hoặc, không kém cạnh bát cứ điểm du lịch nào trong nước và khu vực.

“Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) có vẻ đẹp không khác gì Sapa, bên cạnh đó miền Tây Nghệ An có rất nhiều địa điểm rất kỳ thú, tuy nhiên chưa được quảng bá rộng rãi nên nhiều người chưa biết tới” – anh Nguyễn Hồng Kỳ, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ.

Miền Tây Nghệ An bao gồm 11 huyện, thị là Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Thị xã Thái Hoà.

Đây là nơi có Vườn quốc gia Pù Mát (diện tích hơn 91.000 ha) và hai khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia là Pù Hoạt (diện tích 43.000 ha), Pù Huống (diện tích 40.000 ha). Ba điểm này vừa được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Thác Khe Kèm (huyện Con Cuông, Nghệ An) như dải lụa trắng kéo dài từ trên cao xuống. Ảnh: Hồ Sỹ Minh
Thác Khe Kèm (huyện Con Cuông, Nghệ An) như dải lụa trắng kéo dài từ trên cao xuống. Ảnh: Hồ Sỹ Minh

Miền Tây xứ Nghệ cũng là nơi lưu giữ nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm nét văn hoá đặc sắc văn hóa vùng miền có thể phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Vùng đất này có nhiều đồng bào dân tộc ít người sinh sống như: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Đan Lai, Ơ Đu, Kinh...

Rừng săng lẻ tại huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh: Tuấn Anh
Rừng săng lẻ tại huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh: Tuấn Anh

Mặc dù sở hữu những tiềm năng du lịch tuyệt vời, đến nay lượng du khách đến với Mường Lống còn thưa thớt, hạ tầng phục vụ du lịch ở đây cũng còn hết sức hạn chế, chưa có nhà hàng, khách sạn phục vụ khách lưu trú.

“Nguyên nhân còn ít du khách đến với Mường Lống vì đường sá đi lại còn khó khăn, vất vả, hạ tầng phục vụ du lịch hạn chế” – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn Nguyễn Viết Hùng chia sẻ.

Để du lịch Mường Lống phát triển xứng với tiềm năng, theo Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cần giải bài toán thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Đó cũng là thực trạng chung của du lịch Kỳ Sơn và cả miền Tây xứ Nghệ nói chung.

Theo Sở Du lịch Nghệ An, mặc dù còn nhiều khó khăn, trong những năm qua, du lịch miền Tây xứ Nghệ đã từng bước phát triển, thu hút được các nhà đầu tư xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch, lượng khách thu hút tăng lên hàng năm.

“Tổng thể, du lịch miền Tây xứ Nghệ chưa đạt được như kỳ vọng, chưa xứng với tiềm năng, trong đó có nguyên nhân về hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, sản phẩm du lịch chưa đa dạng. Hy vọng trong những năm tới, sẽ có bước phát triển mới cho du lịch miền Tây xứ Nghệ” – Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.

QUANG ĐẠI
TIN LIÊN QUAN

Nghệ An xác định 7 sản phẩm du lịch chủ đạo để hút khách năm 2024

QUANG ĐẠI |

Nghệ An đặt ra mục tiêu đến năm 2030 mỗi năm thu hút tổng lượng khách du lịch khoảng 12-13 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế khoảng 1 triệu lượt; khách nội địa khoảng 11,2-12 triệu lượt.

Nghệ An: Cửa Lò đặt mục tiêu đón hơn 4 triệu lượt khách trong năm 2024

QUANG ĐẠI |

Ngày 24.11, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 904 triển khai tổ chức các hoạt động du lịch Cửa Lò năm 2024.

Độc đáo lễ Làu Khà của người Thái họ Lô ở Nghệ An

Hà Thủy |

Tháng 9 âm lịch hằng năm, người dân tộc Thái họ Lô ở bản Đồng Kho – Đồng Thờ xã Nghĩa Dũng huyện Tân Kỳ (Nghệ An) lại làm lễ Làu Khà.