Tháng 10.2023, ngành du lịch đón 1,11 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 5,2 triệu lượt khách nội địa. Tính chung 10 tháng, toàn ngành đã đón 10 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 98,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 582,6 nghìn tỉ đồng.
Ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh du lịch Việt Nam đang trên đà phục hồi sau đại dịch, công tác quản lý điểm đến đóng vai trò rất quan trọng.
“Quản lý và phát triển điểm đến nhằm tạo môi trường hoạt động du lịch lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của các bên là những vấn đề được Chính phủ quan tâm trong những năm gần đây. Đặc biệt thu hút sự tham gia của các bên, đẩy mạnh hợp tác công – tư, nâng cao nhận thức, bổ sung thêm nguồn lực cho sự phát triển bền vững của điểm đến du lịch mỗi địa phương cũng như phạm vi quốc gia”, ông Hà Văn Siêu chia sẻ tại hội nghị “Hợp tác công tư trong quản lý và phát triển các điểm đến du lịch” ngày 31.10.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định Việt Nam sở hữu tài nguyên thiên nhiên, di sản phong phú, văn hóa, ẩm thực độc đáo, thu hút du khách. Sau đại dịch, Việt Nam có bước phục hồi và phát triển nhanh, liên tiếp nhận được các giải thưởng du lịch uy tín trong khu vực và quốc tế. Chính phủ cũng quan tâm, tạo điều kiện phát triển ngành du lịch.
Ông Albert, đồng sáng lập Traveloka - nền tảng du lịch trực tuyến có trụ sở tại 6 quốc gia Đông Nam Á, đánh giá cao những tài nguyên sẵn có và tiềm năng phát triển của Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ hỗ trợ môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Albert đề cập đến những vấn đề về hợp tác công tư để thúc đẩy các điểm đến du lịch; thúc đẩy thảo luận và hợp tác chặt chẽ hơn để kích thích tăng trưởng du lịch với sự trợ giúp của công nghệ; giáo dục cho xã hội và nhiều đối tượng hơn về công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực du lịch...
Tuy nhiên, ông nhận định tại Việt Nam, việc quản lý điểm đến chưa nhận được sự quan tâm thực sự xứng đáng.
“Trong thế giới du lịch năng động ngày nay, việc quản lý hiệu quả các điểm đến là điều tối quan trọng. Nó nắm giữ chìa khoá để tăng trưởng bền vững, cân bằng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, bảo tồn di sản, thiên nhiên... Điểm đến không chỉ những điểm trên bản đồ còn là những trải nghiệm, câu chuyện ý độc đáo mà du khách tìm kiếm”, ông Albert phân tích.
Theo chuyên gia này, Việt Nam có điều kiện tự nhiên đa dạng, nhiều cảnh quan, việc quản lý điểm đến càng đóng vai trò quan trọng để thu hút khách du lịch, đồng thời vẫn bảo tồn được nét đặc sắc văn hóa khiến Việt Nam trở nên đặc biệt.
Ông Wong Soon-hwa, Chủ tịch danh dự Viện Quản lý Du lịch Singapore nhận định Việt Nam có vị thế tốt nhất Đông Nam Á cho phát triển du lịch. Cụ thể, đất nước có diện tích rộng, với lượng nhân lực dồi dào cung cấp cho ngành du lịch và dịch vụ. Đồng thời, Việt Nam còn là điểm đến an toàn với tình hình chính trị ổn định, được nhiều nhà đầu tư ưu tiên rót vốn.
Ông Wong cho rằng tính bền vững, cân bằng giữa số lượng và chất lượng là vấn đề quan trọng trong quản lý điểm đến ở Việt Nam.
“Du lịch chất lượng là một cách tiếp cận toàn diện và có trách nhiệm để phát triển, tập trung mang lại những trải nghiệm đặc biệt và bền vững cho khách du lịch đồng thời bảo vệ phúc lợi của điểm đến và cộng đồng nơi đó. Tức là phải tìm cách đạt được sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và bảo tồn môi trường, văn hóa”, ông Wong nói.
Để làm được điều đó, chính phủ phải đóng vai trò quan trọng trong việc phối hợp công - tư với người dân địa phương, du khách và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc quản lý điểm đến không chỉ phục vụ cho khách quốc tế mà còn cả khách trong nước. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của khách nội địa trong phát triển du lịch.
Đồng quan điểm với ông Wong, bà Huyền Anh – Phó giám đốc phụ trách sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng hợp tác công - tư trong quản lý và phát triển điểm đến du lịch giữ vai trò quan trọng, góp phần đa dạng các nguồn lực đầu tư và mang tính xã hội hóa cao.
“Đây là sự hợp tác nhiều chiều, tác động trên nhiều phương diện và mang lại kết quả tương đối toàn diện và là xu thế hợp tác tất yếu trong phát triển du lịch trong thời gian tới. Để điểm đến du lịch thực sự hấp dẫn thì chính quyền, doanh nghiệp và người dân cần phối hợp chặt chẽ và đồng bộ, nhằm cung cấp cho du khách các dịch vụ và hàng hóa đạt chất lượng, nâng cao hình ảnh của điểm đến”, bà Huyền Anh nhấn mạnh.
PGS. TS. Phạm Hồng Long, trưởng khoa Du lịch học, Đại học KHXH&NV, bổ sung, cần phải tìm cách để cạnh tranh giữa các điểm đến cũ và mới. Cụ thể, chính quyền địa phương phải có biện pháp nâng cao lòng tự hào của người dân địa phương với điểm đến, xây dựng sản phẩm mới lạ, độc đáo để thu hút khách.