Ngôi nhà mồ hoang lạnh của nhà bác học Trương Vĩnh Ký

Tường Minh |

Ngậm ngùi và khó tin, là cảm giác của tôi khi đứng trước ngôi nhà mồ hoang lạnh của nhà bác học Trương Vĩnh Ký - một trong 18 nhà bác học của cả hành tinh trong thế kỷ 19, một trong những gương mặt làm nên ký ức Sài Gòn một thuở ở xứ đạo Chợ Quán, TPHCM .

“Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi”

Không nhiều người biết, khu nhà của nhà bác học Trương Vĩnh Ký sống lúc sinh thời và cũng là nơi ông yên nghỉ nằm ở xứ đạo Chợ Quán, ngã tư Trần Hưng Đạo – Trần Bình Trọng ở quận 5, TP.HCM.

Bước vào cổng tam quan được xây dựng theo kiến trúc Pháp ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, đập vào mắt chúng tôi là một căn nhà xây dựng theo hình bát giác, với diện tích khoảng 50m2.

Nhà mồ Trương Vĩnh Ký nhìn từ mặt đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: H.V.M
Nhà mồ Trương Vĩnh Ký nhìn từ mặt đường Trần Hưng Đạo. Ảnh: H.V.M

Căn nhà xây theo kiểu Pháp, được trang trí với các họa tiết Đông Tây kết hợp rất hài hòa và mỹ thuật. Trong tám cạnh của căn nhà, ngoài ba cạnh là cửa vào, còn lại là những bức tường có trổ ô thông gió. Không phải ai cũng biết có một thân phận đặc biệt là Trương Vĩnh Ký đang yên nghỉ bên trong căn nhà hình bát giác này.

Và chính Trương Vĩnh Ký đã đích thân thiết kế và coi sóc việc xây dựng nhà mồ cho mình cho đến khi ông tạ thế. Trên nóc nhà mồ còn chạm dòng chữ: “Decembre 1898” (tháng 12 -1898) cũng là năm ông mất. Trên cửa nhà mồ quay ra đường Trần Hưng Đạo có dòng chữ Latin: “Miseremini Mei Saltem vos Amici Mei” (tạm dịch: Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi), nói lên tâm trạng và ước nguyện cuối đời của Trương Vĩnh Ký.

 
Khu nhà mộ được đích thân Trương Vĩnh Ký xây dựng vào năm 1937 

Trên cửa nhà mồ quay ra đường Trần Bình Trọng có ghi dòng chữ Latin:“Fons Vitae Eruditio Possidentis” (tạm dịch: Tri thức là nguồn sống cho ai sở hữu nó) nói lên sự đam mê khám phá tri thức lúc sinh thời của nhà bác học họ Trương.

Tìm khóa mở cửa cho tôi vào trong nhà mồ là ông Trương Minh Đạt, hậu duệ đời thứ tư của Trương Vĩnh Ký, năm nay đã ngoài 60 tuổi. “Lâu lắm rồi không có ai đến viếng”, giọng ông ngậm ngùi.

Ông Đạt tìm chổi quét những chiếc lá úa vàng năm vương vãi rồi chỉ cho chúng tôi ba phần mộ được lát bằng phẳng với nền nhà, với ba tấm đá khác màu.

Mộ Trương Vĩnh Ký. Ảnh: H.V.M
Mộ Trương Vĩnh Ký. Ảnh: H.V.M

Mộ Trương Vĩnh Ký ở chính giữa, là tấm đá trắng đã ngả sang màu vàng nhạt, được trang trí quanh viền bằng một dây lá (không có hoa) đơn giản, trong vòng dây lá đó được khắc vài dòng chữ: “Ci-git J.B Truong Vinh Ky Professeur de Langues Orientales Décédé J le 1er Septembre 1898 dans sa 62 année” (Nơi an nghỉ J.B Petrus Trương Vĩnh Ký, 2 chữ viết tắt là tên thánh Jean Baptiste. Giáo sư ngôn ngữ Đông phương. Mất ngày 1.9.1898, thọ 62 tuổi).

Trên bia mộ này không ghi ngày tháng năm sinh của ông (6-12-1837) nhưng lại ghi rõ ngày ông mất 1-9-1898. Nằm bên phải mộ Trương Vĩnh Ký là mộ phần của vợ ông, bà Vương Thị Thọ, đã có nhiều chỗ bị tróc hỏng.

 
 

Dòng đầu trên bia mộ cụ bà mang tên chồng là Maria Trương Vĩnh Ký. Dòng nhỏ dưới mới khắc tên mình là Vương Thị Thọ mất năm 1907 và không trang trí một hoa văn nào ngoài hình cây thánh giá.

Nằm bên trái cha, tình trạng bia mộ người con Trương Vĩnh Thế cũng bị nhiều vết hư hại của thời gian. Cao phía bên trên phần mộ của Trương Vĩnh Ký, trần nhà mồ được vẽ hình một con lân mã chở hà đồ đang vờn trong vòng tròn mây gió...

Một trong 18 nhà bác học của thế kỷ 19

Ông Đạt trầm ngâm: “Hồi xưa, khu nhà mồ này còn nhiều di vật ông cố Trương Vĩnh Ký để lại với các sách vở, hình ảnh được giữ gìn cẩn thận. Về sau, một số được tặng cho Viện Khảo cổ Sài Gòn, nhiều cái còn lại đem qua Pháp trong năm 1975”.

Thuở trước, nhà mồ còn có bức tượng bán thân cụ cố Trương Vĩnh Ký. Tượng được đắp bằng ximăng, sơn đen. Những năm khó khăn sau năm 1975, kẻ xấu đã lẻn vào lấy trộm vì tưởng là “đồng đen” quý hiếm. Hiện toàn bộ khuôn viên nhà mồ còn rộng hơn 2.000m2.

 
Một góc khu nhà mồ hoang lạnh, nhếch nhác của nhà bác học Trương Vĩnh Ký. Ảnh: H.V.M 

Ngoài nhà mồ Trương Vĩnh Ký, bãi đất còn khoảng 60 ngôi mộ khác của gia tộc và một nhà rường cổ được ông Trương Vĩnh Ký xây từ năm 1937 đến giờ vẫn đang là nơi ở của gia đình ông Đạt và anh trai, ông Trương Minh Tấn. Sân trước được ông Đạt tận dụng làm một quán cà phê kiếm cơm qua ngày.

Theo chân ông Đạt trở ra đường Trần Hưng Đạo, chúng tôi bất ngờ khi người đàn ông đang lặng lẽ, cặm cụi bán cà phê, bánh rán… ở trước cổng tam quan chính là ông Trương Minh Tấn. Gương mặt ông Tấn hằn nét khắc khổ, già hơn tuổi 68. Cả hai anh em ông cùng những người con, sinh kế chỉ dựa vào hai quán cà phê nằm sát hai bên tường rào cũng việc buôn bán nhỏ lẽ nên cuộc sống rất khó khăn.

Ông Trương Minh Tấn - hậu duệ của Trương Vĩnh Ký. Ảnh: H.V.M
Ông Trương Minh Tấn - hậu duệ của Trương Vĩnh Ký. Ảnh: H.V.M

Hỏi chuyện xưa, ông Tấn cười buồn: “Anh em tui cũng chẳng biết gì hơn ngoài những chuyện sách báo đã viết bởi khi anh em tui chào đời, cụ Trương Vĩnh Ký đã mất cả nửa thế kỷ nên mọi chuyện chỉ được nghe ông nội và cha kể lại…”.

Bất ngờ hơn là ngay cả những câu viết bằng chữ latin và chữ Hán chạm khắc trên nhà mồ cuar ông cố mình, chúng tôi hỏi nội dung là gì thì cả hai ông đều lắc đầu không biết…

Một vòng Chợ Quán, một vòng khu nhà mồ… Tôi không sao kìm nén đươc cảm giác bùi ngùi, xót xa khi không thấy bất cứ tấm bảng chỉ dẫn nào cho biết đây vốn là nơi yên nghỉ của Trương Vĩnh Ký- “ông tổ” của nền báo chí tiếng Việt, một người Việt Nam đã sử dụng thông thạo 26 ngoại ngữ sẵn sàng hội nhập cùng khu vực và thế giới, từng được vinh danh một trong 18 nhà bác học của cả hành tinh trong thế kỷ 19…

 
Cửa vào khu nhà mồ hai bên có hai dòng chữ Hán. Ảnh: H.V.M 
 
 

Để rồi không thể không nhớ đến những câu thơ đầy nổi niềm do chính ông viết trước khi nhắm mắt: “Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai/Xô đẩy người vô giữa cuộc đời/Học thức gửi tên con sách nát/Công danh rốt cuộc cái quan tài/Dạo hòn lũ kiến men chân bước/Bò xối, con sùng chắc lưỡi hoài/Cuốn sổ bình sanh công với tội/Tìm nơi thẩm phán để thừa khai”...

“Ông tổ” nghề… trái cây

Một chi tiết khá thú vị là ngoài việc được coi là “ông tổ” của nghề báo Việt Nam, nhà bác học Trương Vĩnh Ký còn được mệnh danh là “ông tổ” trái cây ở Cái Mơn (Bến Tre) ngày nay.

Chuyện là trong thời gian theo học tại Chủng viện Pinang (Indonesia) từ 1851-1858, mỗi lần bãi trường đáp thuyền về quê, ông thường mua nhiều loại trái cây ngon mà thời điểm đó ở Việt Nam chưa có như bòn bon, sapôchê, măng cụt, chôm chôm, sầu riêng… về biếu mẹ, người thân, lối xóm và sau đó được nhân giống.

Bia tưởng niệm nơi sinh Trương Vĩnh Ký ở Cái Mơn (Bến Tre). Ảnh: H.V.M
Bia tưởng niệm nơi sinh Trương Vĩnh Ký ở Cái Mơn (Bến Tre). Ảnh: H.V.M

Đây cũng là một trong những lý do khiến người dân Cái Mơn và Bến Tre lập nhà bia tại nơi ông sinh ra để thờ cúng, tưởng niệm vào năm 1938 ở ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre (gần rạch Cái Mơn) giữa khu vườn xum xuê cây trái.

Tường Minh
TIN LIÊN QUAN

Có một Himalayas giữa lòng Sài Gòn

Hoàng Văn Minh |

Hẹn cà phê với một nhân vật ở Sài Gòn, cô ấy nhắn cho tôi địa chỉ bắt đầu bằng cái tên Om Himalayas. Đến nơi mới thấy ngỡ ngàng bởi hóa ra đó là một không gian văn hóa Tây Tạng kỳ bí đúng nghĩa được người ta mang về thu nhỏ ngay giữa lòng thành phố sôi động nhất nước mình.

Những ruộng lúa mang cảm hứng bất tận

Thanh Hải |

Cây lúa, hạt gạo không chỉ mang lại miếng ăn, sự no ấm muôn đời cho người dân Việt, mà bây giờ, những ruộng lúa còn có sức hút mãnh liệt đối với khách du lịch thập phương. Đặc biệt là giới nhiếp ảnh nghệ thuật.

Công bố những phát hiện chấn động về khảo cổ ở Việt Nam

Tường Minh |

Trong các ngày từ ngày 23-28.9.2018 tại thành phố Huế, Đại hội lần thứ 21của Hội tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA) đã diễn ra. Đây là sự kiện lớn nhất của giới khảo cổ học 4 năm một lần. Và tại sự lần này, những phát hiện gây chấn động thế giới về khảo cổ ở Việt Nam đã được công bố.

Với 100 ngàn đồng đi đâu ở Đà Nẵng

XUÂN HẬU |

Đà Nẵng được mệnh danh là điểm đến hấp dẫn của rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là nơi với nhiều điểm du lịch tham quan tốn ít chi phí nhất. Vậy với 100 ngàn trong túi, du khách có thể ghé thăm những địa điểm nào tại Đà Nẵng?

Vietravel tổ chức “Vui hội trăng rằm 2018” cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

HOÀNG VINH |

Hơn 350 suất quà đã được Vietravel chi nhánh Đà Nẵng trao tặng đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại trường Tiểu học Hòa Phú.

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế: Chưa thấy xuất hiện ở nơi nào khác trên thế giới

Hoàng Văn Minh |

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, chưa từng có trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, và có lẽ cũng chưa từng thấy ở nơi nào khác trên phạm vi toàn thế giới.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hệ thống giếng cổ hơn 5000 năm tuổi ở Quảng Trị

PHÚC ĐẠT |

Giếng cổ Gio An nằm tại xã Gio An (huyện Gio Linh, Quảng Trị) là một hệ thống công trình dẫn thủy cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất hàng ngày; là một di tích có giá trị khảo cổ, văn hoá và nghệ thuật độc đáo do người Chăm xưa sáng tạo nên và được người Việt tiếp thu và giữ gìn cho đến ngày nay. Theo ước tính của các nhà khảo cổ, Giếng cổ Gio An đã có niên đại trên 5000 năm tuổi.

Khám phá Tết Trung thu ở Hàn Quốc cùng Vietravel

HOÀNG VINH |

Ngày 21.9, hơn 350 du khách đã khởi hành trên chuyến bay Charter bay thẳng Đà Nẵng – Hàn Quốc do Vietravel Đà Nẵng thuê bao nguyên chuyến, mở đầu hành trình khám phá xứ sở Kim chi nhân dịp Tết trung thu (Chuseok) một trong những ngày Tết lớn và rất đỗi quan trọng với người Hàn.