Sắc hoa ngày Tết
Tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, mỗi miền sẽ có những thú chơi hoa khác nhau nhân dịp Tết nguyên đán. Với miền Bắc, hoa đào là loài hoa không thể thiếu trong dịp lễ trọng đại này. Tương truyền răng ở một ngọn núi cao có cây đào tiên đã mọc từ rất lâu, trên cây có hai vị thần tài giỏi luôn che chở và bảo vệ cho dân làng trong vùng. Vì vậy, ma quỷ rất sợ hai vị thần này cũng như sợ hình ảnh cây đào. Thêm vào đó, sắc đỏ của cây đào tượng trưng cho may mắn, sức sống và sự tươi trẻ. Hoa đào chính là biểu tượng cho ngày Tết của người dân miền Bắc.
Đối với miền Trung, miền Nam, sắc mai vàng kiêu hãnh nở rộ trong gió xuân là hình ảnh quen thuộc trong tâm thức người bản địa. Hình ảnh cây mai phải trải qua nhiều nắng gió mưa sa nhưng vẫn kiên cường theo năm tháng để đâm chồi nảy lộc tượng trưng cho những phẩm chất đáng quý của con người Trung – Nam nhẫn nhịn, kiên định, vững vàng. Thú chơi mai, chọn mai cũng là một truyền thống đẹp của người dân nơi đây. Cây mai đẹp ở sự gân guốc của từng cành, sự vươn lên vững chải với những khoảng gấp khúc theo hình chữ nữ. Bông mai phải có màu vàng tươi, cánh mai phân bố đều, nhụy thắm… Một cây mai đẹp phải chứa đựng một cốt cách của người ẩn sĩ nơi thâm sơn, kiêu hãnh nhưng thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng đầy mạnh mẽ.
Mâm ngũ quả ngày Tết
Người dân miền Bắc luôn chú ý đến tiểu tiết và luôn hướng về sự thanh tao, tinh tế nên mâm ngũ quả trên bàn thờ cúng tổ tiên dịp Tết của họ cũng có phần thanh mảnh, nhỏ hơn của hai miền còn lại. Họ có thể chưng tất cả các thức quả lên mâm cúng, kể cả quả ớt, miễn sao cho mâm ngũ quả thật đẹp mắt. Trên mâm cũng không thể thiếu được ba loại quả: chuối, cam (hoặc quýt), bưởi. Đặc biệt, mâm ngũ quả của người miền Bắc luôn có 1 đến 2 nải chuối được đặt ở vị trí cuối cùng để làm “bệ đỡ” cho những loại quả còn lại.
So với cỗ bàn miền Bắc và miền Nam, miền Trung có phần “lép vế” hơn khi nơi đây thường chịu nhiều thiên tai, lũ lụt. Người miền Trung không quá câu nệ về hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả mà chủ yếu là sự thành tâm dâng kính tổ tiên. Ngoài ra, vì sự giao thoa văn hóa giữa hai miền còn lại, những loại quả thường thấy trên mâm cúng của khúc ruột miền trung vẫn là chuối, mãng cầu, sung, xoài… Tuy nhiên, họ không bày biện cam quýt bởi quan niệm “cam đành quýt đoạn”.
Khác với hai miền còn lại, miền Nam rất kỵ để chuối trên mâm ngũ quả bởi phát âm “chuối” của họ gần giống với âm “chúi”, thường làm người ta nghĩ đến sự đi xuống, thất bát. Trên mâm ngũ quả, ngoài cặp dưa hấu đẹp mắt còn có 4 loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài với quan niệm “cầu vừa đủ xài”. Một số nhà thường có thêm sung để tỏ ý cầu mong một năm sung túc.
Phong tục đầu năm
Tết của người miền Bắc thường là những ngày tụ tập, hội họp của người thân gia đình. Họ sẽ cùng nhau ăn uống, sinh hoạt, vui chơi và kể chuyện ngày tết. Ngoài ra, người miền Bắc rất coi trọng tục xông đất đầu năm trong đêm giao thừa nên mồng Một rất kiêng kị để cho người khác bước vào nhà mình đầu tiên vì sợ không hợp mạng sẽ làm ăn thất bát trong năm đó.
Đối với người miền Trung, ngày mồng Một sẽ là ngày dành cho tổ tiên, người thân đã khuất. Họ sẽ cùng nhau đi tảo mộ, thắp hương, khấn vái cầu nguyện cho tổ tiên, các vị thần che chở và phù hộ cho gia đình. Mồng Hai, mồng Ba người miền Trung mới dành để đi thăm và chúc Tết họ hàng, bạn bè. Họ cũng có tục xông đất như người miền Bắc. Vào giây phút chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, những người già còn khỏe mạnh và minh mẫn hay những em nhỏ lanh lẹ, hoạt bát sẽ là những vị khách đặt biệt để xông đất đầu năm.
Người miền Nam tâm tính vốn cởi mở, rộng rãi nên ba ngày Tết ở đây đều là những ngày vui chơi, ăn uống “thả ga” với nhiều hoạt động giải trí thú vị, hấp dẫn. Họ quan niệm trong ngày đầu năm phải dành cho nhau những lời hay ý đẹp để năm nay đạt được những điều như ý, những chuyện không vui, phiền muộn hay giận hờn của năm cũ cũng sẽ được gạt bỏ cho một năm mới nhẹ nhàng, thanh thản.