Năm nay, thêm một mùa “bội thu vàng”. 38/38 lượt học sinh của 7 đội tuyển tham dự các kỳ Olympic quốc tế đều đoạt giải. Trong đó có những em xuất sắc như Nguyễn Phương Thảo, đoạt Huy chương vàng Sinh học và đạt số điểm chung cao nhất trong số 71 nước tham dự cuộc thi.
Tối nay - 19.10, các em sẽ được vinh danh, ghi nhận những nỗ lực trong học tập. Sau lễ vinh danh này, các em đi đâu, làm gì? Sau mỗi mùa vàng Olympic, câu hỏi này lại được đặt ra.
Những nhân tài ngày ấy - bây giờ
Từ năm 1974 (thời điểm Việt Nam bắt đầu tham dự Olympic Toán Quốc tế) đến nay, hàng trăm học sinh Việt Nam đã tham gia và đoạt được huy chương. Sau khi mang vinh quang về cho Tổ quốc, họ sẽ được vinh danh, nhận một khoản tiền thưởng và sau đó đi đâu, làm gì… đến nay chưa có thống kê.
Theo tìm hiểu của Lao Động, trong số thí sinh đoạt huy chương vàng Olympic, có TS Hoàng Lê Minh - HCV năm 1974; Lê Bá Khánh Trình, đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối và giải đặc biệt tại Olympic Toán học 1979 và một số ít khác hiện đang làm việc tại Việt Nam, còn lại phần lớn đang sống và làm việc tại nước ngoài.
Rất nhiều trong số “vàng Olympic” đã đạt được thành tựu, trở thành những GS, nhà khoa học uy tín trên thế giới.
“Tôi thấy Bộ GDĐT phải thực hiện thống kê, xem những học sinh đã đạt được thành tích cao trong các kỳ thi Olympic đã đi đâu, làm gì, thành tựu ra sao, từ đó đưa ra những chiến lược đầu tư dài hạn” - Giáo sư - Viện sĩ Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT)
Thành công nhất đến nay là GS Ngô Bảo Châu - học sinh Việt Nam đầu tiên đạt hai HCV năm 1988, 1989.
Ngoài ra, những cái tên Phùng Hồ Hải, Hà Huy Tài, Ngô Đắc Tuấn... đều là những nhà khoa học có nhiều thành tựu và đang cống hiến, giảng dạy cho những trường đại học uy tín trên thế giới
Hay Lê Hùng Việt Bảo (SN 1986), HCV hai năm liên tiếp trong các kỳ IMO 2003 và 2004 đã được bình chọn là một trong những gương mặt dưới 30 tuổi tiêu biểu nhất Châu Á trong lĩnh vực y tế và khoa học vào năm 2016. Hiện nay, Việt Bảo đang là trợ giảng tại Đại học Chicago.
GS Đàm Thanh Sơn từng đoạt huy chương vàng tại Olympic Toán quốc tế, hiện cũng là giáo sư Vật lý nổi tiếng trên thế giới và đang giảng dạy tại Đại học Chicago, Mỹ
Mục tiêu của “vàng Olympic” là... du học
Có một điểm chung, những thí sinh đoạt vàng Olympic khi được phỏng vấn đều chia sẻ ước mơ được đi du học, để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê của mình. Bộ GDĐT cũng có chính sách đưa nhân tài sang các nước tiên tiến để đào tạo, sau này về cống hiến cho đất nước. Nhưng phần lớn các em đều chọn cách tự “săn” học bổng.
Đinh Quang Hiếu - nam sinh đoạt 'cú đúp' HCV Olympic Hóa học quốc tế năm 2016, 2017; Đinh Thị Hương Thảo - “cô gái vàng” của Vật lý Việt Nam đều đã xuất sắc giành học bổng toàn phần trị giá 6,4 tỉ vào Viện công nghệ số 1 thế giới MIT trong sự thán phục của nhiều người.
Rất nhiều tài năng, sau khi đi du học thì trở về nước, nhưng chưa kịp cống hiến họ lại chọn cách ra nước ngoài vì nhiều lý do. Chúng ta “cầm vàng lại để vàng rơi”.
“Giờ là thế giới phẳng, ở đâu cũng có thể cống hiến được cho đất nước. Nhưng để nhiều người giỏi ra nước ngoài du học và làm việc đúng là sự lãng phí...
Còn để giữ chân được người tài ở trong nước hay không, thì phải tạo ra môi trường học tập, làm việc tốt, phát huy được hết tố chất và năng lực của họ”- PSG-TS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội.