Xây dựng trường học hạnh phúc
“Tôn sư trọng đạo” vẫn luôn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Để phát huy truyền thống này, Hiệu trưởng trên hết và trước hết phải là người thực sự có tâm, có tài, có tầm nhìn chiến lược, có những quyết sách nhanh và đúng. Hiệu trưởng phải là người lãnh đạo tốt, người quản trị tài… Có như vậy, mới có thể xây dựng trường học hạnh phúc, đảm bảo phát huy dân chủ, đem lại hạnh phúc cho thầy và trò.
Đời sống thầy cô được cải thiện
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, từ 1.7.2024, sau cuộc cải cách tiền lương, thu nhập của nhà giáo sẽ được đảm bảo.
Hàng triệu nhà giáo trên cả nước đều mong muốn từ 1.7.2024, khi thực hiện thang bảng lương mới, trả lương theo vị trí việc làm, thầy cô sẽ sống được bằng lương như mong ước bấy lâu nay. Điều này sẽ giúp thầy cô chuyên tâm giảng dạy và không còn phải bận tâm chi phối ảnh hưởng, tác động của chuyện cơm áo gạo tiền.
Chất lượng dạy - học thực chất
Năm 2024-2025, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ áp dụng đồng bộ ở các bậc học. Chương trình mới đã đem lại luồng gió mới trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, giáo viên vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc dạy học môn tích hợp bậc THCS: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên. Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) sớm có hướng dẫn, tăng cường công tác tập huấn, nâng cao chất lượng đội ngũ. Có như vậy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới đạt được hiệu quả như mong đợi.
Giảm tải áp lực cho thầy cô, học sinh
Hiện giáo viên THCS, THPT có rất nhiều loại sổ sách, giấy tờ cần thực hiện: Kế hoạch giáo dục của giáo viên; kế hoạch bài dạy; sổ theo dõi và đánh giá học sinh; sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp)...
Nhiều giáo viên đều có chung quan điểm, thầy cô đứng lớp, chỉ cần kế hoạch bài dạy; sổ theo dõi và đánh giá học sinh là đủ, còn kế hoạch giáo dục của giáo viên nên chuyển thành kế hoạch của trường thực hiện để theo dõi quản lý. Điều này sẽ giúp thầy cô có thời gian nghiên cứu đầu tư cho tiết học, đổi mới phương pháp giảng dạy có chất lượng, hiệu quả tốt hơn.
Đồng thời, Bộ GDĐT cần cắt giảm tinh gọn những phong trào cuộc thi nặng về hình thức, phong trào như giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách giỏi và vô vàn cuộc thi trực tuyến buộc giáo viên phải tham gia: Tìm hiểu Luật phòng chống ma túy; tìm hiểu Luật bảo vệ môi trường; tìm hiểu Luật an ninh mạng… Những cuộc thi, phong trào này đã lấy đi không ít thời gian của giáo viên.
Không chỉ giáo viên, học sinh cũng phải tham gia vô số cuộc thi không cần thiết, gây tốn kém kinh phí, nhất là những cuộc thi có gắn mác quốc tế như: Kì thi Olympic đánh vần tiếng Anh quốc tế mùa đông năm 2023; kì thi Olympic Anh ngữ quốc tế Teeneagle 2023; thi trải nghiệm cuộc thi tiếng Anh quốc tế TOEFL Challenge….
Những cuộc thi vô bổ, tốn kém, tốn thời gian cần được loại bỏ khỏi ngành giáo dục để thầy và trò chuyên tâm cho việc học tập.
Đổi mới thi cử
Từ năm 2025, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2025 chỉ còn 4 môn, với hai môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và hai môn tự chọn. Kì thi này được dự đoán sẽ tác động đáng kể đến xu hướng chọn môn của học sinh ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.
Đây là hướng đi đúng phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp phát huy phẩm chất, năng lực, định hướng nghề cho các em ngay từ đầu cấp THPT.
Kì thi tốt nghiệp THPT hiện nay được tổ chức với 2 mục đích: Xét công nhận tốt nghiệp THPT; căn cứ để xét tuyển đại học.
Để kì thi gọn nhẹ, đơn giản, đỡ tốn kém, nên giao về cho các địa phương tổ chức thi hoặc xét để cộng nhận tốt nghiệp. Còn việc tuyển sinh đại học nên giao về cho các trường đại học. Đây cũng là động lực để các trường đại học phát huy năng lực đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín thương hiệu ngày một tốt hơn để thu hút sinh viên.
Bộ GDĐT chỉ nên quản lí về mặt Nhà nước việc tuyển sinh của các trường đại học (quy chế, qui định, pháp luật) thay vì trực tiếp tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT chung như hiện nay.