Nhờ có phiên giao dịch bùng nổ về điểm số cũng như thanh khoản vào ngày hôm qua 12.4 đã giúp cho thị trường chứng khoán không còn quá ảm đạm. Trong đó, đóng góp lớn đến từ đà khởi sắc đầy bất ngờ, nhưng rất kịp thời của nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng.
Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 21,49 điểm (+1,71%), lên 1.276,6 điểm. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt gần 94.837,8 tỉ đồng, giảm tới 25,4% so với tuần trước. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng, nhưng mức độ bán ròng giảm so với tuần trước với giá trị 1.164 tỉ đồng trên HOSE. Đây là chuỗi bán ròng đột biến liên tiếp của khối ngoại trên HOSE.
Dù thị trường vừa trải qua một tuần “rung lắc” nhưng thanh khoản vẫn được coi là điểm mạnh khi phần lớn các phiên giao dịch đều duy trì ở mức 1 tỉ USD. Điều này cho thấy, tâm lý tích cực của nhà đầu tư. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) phân tích, trong quý I, giá trị giao dịch trên cả ba sàn bình quân phiên đạt 23.895 tỉ đồng, tăng 18,48% so với mức trung bình trong quý IV/2023 và tăng 36% so với trung bình của cả năm 2023.
Môi trường lãi suất thấp tiếp tục duy trì, thông tin tích cực về động thái của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ các nút thắt nâng hạng thị trường và sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới KRX là yếu tố thu hút dòng tiền. Trên nền tảng xu hướng ổn định, dòng tiền luân chuyển qua các lớp cổ phiếu, đẩy mặt bằng giá tăng dần. Tuy vậy, sau chu kỳ tăng điểm nhờ tâm lý và dòng tiền, bước sang tháng 4, thị trường sẽ phân hóa theo kết quả kinh doanh quý I.
Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp quý I/2024 được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực, trợ lực cho thị trường trong bối cảnh chỉ số chung có nhịp rung lắc. Nhìn tổng quan, các chuyên gia của Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) dự báo, tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2024 có thể đạt mức tăng trưởng 15%, dựa trên mức nền thấp của cùng kỳ và mặt bằng lãi suất thấp.
Trong đó, ngành ngân hàng “giữ nhịp” tăng trưởng toàn thị trường với ước tính lợi nhuận quý tăng 20%, nhưng sẽ có sự phân hóa. Ngành thép có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận nổi bật (dự kiến tăng hơn 160%) khi đang bước vào chu kỳ hồi phục, trong bối cảnh giá nguyên vật liệu giảm nhanh hơn giá thành phẩm.
Đối với nhóm bất động sản, việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý và quyết tâm của Chính phủ trong việc làm “ấm” lại thị trường sau 2 năm khó khăn giúp các doanh nghiệp bắt đầu gia tăng huy động vốn nhằm tích lũy quỹ đất, công bố mở bán dự án trở lại.
TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital nhận định, bối cảnh vĩ mô 2024 đang có nhiều điểm tương đồng với giai đoạn 2013 - 2014, khi lãi suất điều hành giảm sau giai đoạn tăng cao trước đó và được duy trì ở mức thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Các cấu phần trong tăng trưởng GDP yếu đi như hoạt động xuất nhập khẩu, bán lẻ hàng hóa dịch vụ và Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Điều kỳ vọng hiện nay đó là năm 2024 sẽ là đáy của một chu kỳ tăng trưởng kinh tế mới, từ đó tổng thể lợi nhuận của các doanh nghiệp trong chỉ số VN-Index sẽ có sự phục hồi. Kỳ vọng sự phục hồi cũng sẽ diễn ra tương tự khi thị trường chứng khoán ở đáy của chu kỳ trước.