Động thái này cho thấy các nhà sản xuất điện tử theo hợp đồng lớn trên toàn cầu sẽ tiếp tục bổ sung năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro địa chính trị và kinh tế.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển quy mô của mình ở Trung Quốc đại lục, Châu Mỹ và Đông Nam Á. Những nỗ lực này sẽ nhận được quả ngọt vào năm 2023” - Young Liu, chủ tịch của Foxconn, thông tin.
Ở phía Pegatron, công ty sẽ phân bổ 300 triệu đến 350 triệu USD trong năm nay cho chi phí vốn để tăng công suất ở Đông Nam Á và thúc đẩy sản xuất linh kiện ôtô ở Mexico. Pegatron cũng là đối tác của hãng xe điện Tesla.
Johnson Teng, đồng giám đốc điều hành của Pegatron, cho biết: “Đa dạng hóa chuỗi cung ứng là một xu hướng đang diễn ra”.
Ngoài việc sản xuất iPhone ở Trung Quốc, cả Foxconn và Pegatron hiện đang sản xuất một số thiết bị cầm tay của Apple ở Ấn Độ. Apple cũng đang lên kế hoạch mở cơ sở sản xuất ở Việt Nam để tăng cường tung ra sản phẩm khác của hãng, bao gồm cả AirPods.
Theo Phó Chủ tịch Pegatron Jason Cheng, công ty sẽ bổ sung thêm công suất cho các nhà máy hiện có tại Việt Nam và Indonesia. Pegatron Foxconn thì chưa tiết lộ những quốc gia Đông Nam Á nào nằm trong dự định mở rộng.
Các nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn của Trung Quốc bắt đầu tăng dần sự hiện diện sản xuất bên ngoài Trung Quốc trong thời kì ông Donald J. Trump còn là Tổng thống Mỹ.
Khi đó, ông Trump đã áp đặt thuế quan cứng đối với một số hàng nhập khẩu của Trung Quốc như một phần của cuộc chiến thương mại. Một số nhà cung cấp đã đẩy nhanh việc đa dạng hóa trong bối cảnh các đợt phong tỏa kéo dài do COVID-19 gây ra ở Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Cả Foxconn và Pegatron đều gặp phải sự gián đoạn liên quan đến COVID-19 ở Trung Quốc. Pegatron phải tạm thời ngừng sản xuất, còn Foxconn có mâu thuẫn với người lao động ở khu phức hợp chi nhánh thành phố Trịnh Châu, làm gián đoạn hoạt động. Do đó, Apple đã phải thông báo các lô hàng có thể đến tay người tiêu dùng lâu hơn dự kiến.