Phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Thứ trưởng Lê Đình Thọ thẳng thắn chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại. Theo đó, qua quá trình kiểm tra, Bộ GTVT nhận thấy có những khu dân cư tập trung, có quy hoạch nhưng thực hiện không nghiêm túc dẫn tới tình trạng lấn chiếm chỉ giới hành lang đường sắt.
Thứ trưởng Thọ đặt câu hỏi về việc tại sao đường sắt đã có hằng trăm năm nay, trước kia không có mà nay lại nhiều đường ngang dân sinh thế. Bên cạnh đó, nếu một nhà xây dựng, chỉ đổ vật liệu buổi sáng ra vỉa hè, tới chiều đã có người xử phạt luôn thì tại sao đường phát sinh vượt qua đường sắt lại tồn tại mà không ai ý kiến gì, ông Thọ cho rằng vấn đề này thuộc cấp chính quyền địa phương và mỗi khi lên kế hoạch tổ chức thực hiện thì bao giờ cũng cho rằng phải có tiền mới làm được trong khi đó đại diện Bộ nhận định, để quản lý hành lang đường sắt “có cái không cần tiền mà cần trách nhiệm, cần sự phối hợp của các đơn vị”. Với thực trạng ngân sách hiện nay, đại diện Bộ khẳng định vẫn có cách để quản lý được hành lang đường sắt, “ít tiền vẫn làm được” nhưng phải có sự vào cuộc của nhiều bộ ngành địa phương.
Theo báo cáo của ngành đường sắt trong giai đoạn từ năm 2014 - 2017, do mới được bố trí vốn 280/560 tỉ (50%) của hạng mục 291 đường ngang, còn các hạng mục khác chưa được bố trí vốn (hạng mục đền bù giải tỏa hành lang an toàn đường sắt 0/20.700 tỉ; hạng mục cắm mốc hành lang an toàn giao thông đường sắt 0/25 tỉ; hạng mục đường gom và hàng rào cách ly 0/1.280 tỉ; hạng mục cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt 0/793 tỉ; hạng mục cầu trên Quốc lộ vượt đường sắt Quốc gia 0/3.000 tỉ) nên hầu hết các dự án, công trình an toàn giao thông chưa được triển khai, hoặc triển khai thực hiện chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Tình hình tai nạn đường sắt dù có giảm nhưng còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn do mật độ giao thông tăng mạnh, tốc độ chạy tầu được nâng lên và số đường giao cắt nhiều, hình thức phòng vệ tại nhiều vị trí không còn phù hợp. Trong khi đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn dẫn tới tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 167 vụ tai nạn đường sắt làm 79 người chết trong đó 70% số vụ tai nạn xảy ra tại các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ mà chủ yếu là tại các lối đi dân sinh tự mở trái phép cũng như ý thức chấp hành của người dân.
Tin bài liên quan