Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, VN-Index đã có phiên hồi phục ấn tượng khi vượt qua mốc 1.300 điểm. Đáng chú ý, sau 3 tuần điều chỉnh, nhóm cổ phiếu ngân hàng với mức vốn hoá lớn và sự hồi phục tích cực đã dẫn dắt đà tăng của chỉ số. Có nhiều cổ phiếu ngân hàng ghi nhận giảm 10 - 15% so với vùng đỉnh trong 3 tuần qua đã hồi phục trở lại trong tuần qua. Trong đó, VPB tăng tới 5,72% và là “đầu tàu” khi đóng góp tới 2,25 điểm tăng. ACB, CTG, MBB, TCB, LPB cũng góp mặt trong top 10 cổ phiếu kéo chỉ số tăng điểm.
Theo đánh giá chung thì nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện vẫn là nhóm ngành mang tính dẫn dắt và ảnh hưởng mạnh nhất thị trường, vì độ lớn của ngành và mức độ giao dịch của nhóm cổ phiếu của ngành này mỗi ngày chiếm đến trên 30% tổng giá trị giao dịch thị trường. Câu hỏi các nhà đầu tư đang đặt ra là sự hồi phục này liệu có giữ đà tăng và sẽ có đợt sóng mới với nhóm cổ phiếu này trong tuần tới hay không?
Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính, trong quý 2/2021, nhiều ngân hàng sẽ đạt lợi nhuận trước thuế có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại, một số ngân hàng đã công bố ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2021 với những con số khả quan. Nhiều ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh, nhưng chia sẻ rằng, quý 2 năm nay vẫn kinh doanh tích cực và “đi theo đúng kế hoạch đã đề ra”.
Thực tế, nguồn thu chính của các ngân hàng là tín dụng tăng mạnh. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 15.6.2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 5,1% so với cuối năm 2020, cao gấp đôi so với tốc độ tăng của cùng kỳ (2,26%). Không ít ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) nên xin Ngân hàng Nhà nước nới room lên mức 15 - 20% từ mức cũ phổ biến quanh 10%.
Được biết, một số ngân hàng đã được cơ quan quản lý cho phép tăng room thêm từ 3% đến gần 6%. Trong khi tín dụng tăng tốt, các ngân hàng được nới room và có nguồn vốn đầu vào giá rẻ khi lãi suất huy động ở vùng đáy kể từ năm 2017, chưa kể nhiều ngân hàng huy động được lượng lớn trái phiếu kỳ hạn dài với lãi suất thấp, hoặc có khoản cấp tín dụng của đối tác nước ngoài, giúp cải thiện biên lợi nhuận.
Theo ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư quý DG Investment: "Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu chủ lực tác động đến xu hướng của thị trường trong giai đoạn tới. Việc giảm lãi suất cũng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng, nhưng tôi cho rằng, việc các ngân hàng được tăng mức trần tín dụng cũng là cơ sở bù đắp từ tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất vì hiện nay các ngân hàng chưa thể mở rộng hoạt động tín dụng của mình do đã hết room tín dụng. Tuy nhiên, sóng cổ phiếu ngân hàng sẽ phân hóa trong giai đoạn tới. Nếu đầu tư vào ngân hàng thì nên có cái nhìn dài hạn".
Dù đánh giá lạc quan về mặt dài hạn, nhưng nhiều chuyên gia vẫn đưa ra lời khuyên nhà đầu tư vẫn nên thận trọng khi ra quyết định giải ngân trong giai đoạn này. Theo nhận định từ một số công ty chứng khoán thì nhà đầu tư vẫn nên thận trọng ở giai đoạn hiện tại, về kỹ thuật thị trường vẫn đang trong nhịp hồi kỹ thuật trong khi các thông tin cơ bản gắn với kết quả kinh doanh quý 2 đã được thị trường phản ảnh. Nhà đầu tư có thể duy trì một tỷ trọng thấp cổ phiếu ở giai đoạn này, không nên mua đuổi trong các phiên tăng mạnh, hạn chế dùng margin và cổ phiếu vào sai nhịp hoặc về tài khoản không triển vọng cần thoát sớm.