“Mất bò mới lo làm chuồng” là quá muộn
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Vũ Đại Thắng, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. Về chính sách thu hút đầu tư, Bộ Chính trị yêu cầu xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Theo các chuyên gia kinh tế, việc ra đời của Nghị quyết 50 là hết sức cần thiết khi gần đây liên tiếp xảy ra các “sự cố” tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có yếu tố nước ngoài: Tình trạng thuê trụ sở tại Việt Nam dưới danh nghĩa là sản xuất, kinh doanh nhưng thực chất là để đánh bạc, sản xuất ma túy mà cơ quan chức năng đã phát hiện; chưa kể có thể còn nhiều hoạt động bất hợp pháp mà chưa bị phát hiện, xử lý.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế - PGS-TS Ngô Trí Long, khẳng định: Để xảy ra tình trạng trên là do cả địa phương và cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý. Một số địa phương sau khi cấp phép đầu tư cho các DN FDI đã không giám sát hoạt động của họ, sau khi cấp phép để các đối tượng nước ngoài biến trụ sở, công xưởng thuê được thành nơi tổ chức đánh bạc, sản xuất ma túy hay các hoạt động bất hợp pháp khác. “Tôi cho rằng việc thẩm định, cấp phép dự án đầu tư FDI không có sai phạm, mà vấn đề là sau khi cấp phép, việc kiểm tra, giám sát đã bị buông lỏng. Về 2 vụ vi phạm lớn nhất gần đây (vụ gần 400 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc tại Our City (Hải Phòng) và vụ các đối tượng người Trung Quốc thuê địa điểm để kinh doanh nhưng thực chất là sản xuất ma túy tại Kon Tum - PV) thì trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã thiếu kiểm tra, giám sát, buông lỏng quản lý” - TS Ngô Trí Long khẳng định.
Cũng theo PGS-TS Ngô Trí Long, nếu địa phương cấp phép rồi mà không tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN FDI sẽ không thể ngăn chặn hết được mọi hoạt động gây tổn hại đến an ninh quốc phòng và trật tự xã hội. Do vậy, khi DN FDI đã vào Việt Nam, trách nhiệm của cơ quan chức năng và địa phương cấp phép vẫn chưa hết, vẫn phải tiếp tục kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện những sai phạm, tạm dừng hoặc đình chỉ các dự án sai phạm, hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích đăng ký ban đầu. “Không được quấy nhiễu làm nản lòng các nhà đầu tư, nhưng không thể cấp phép xong là coi như xong mà thiếu sự giám sát. Đặc biệt, khi thấy hiện tượng bất thường như DN FDI có quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” thì phải coi đây là “có vấn đề” và phải báo cơ quan chức năng để phối hợp kiểm tra, xử lý. Chính quyền địa phương không thể viện lý do không có thẩm quyền kiểm tra để trốn tránh trách nhiệm” - TS Ngô Trí Long nêu ý kiến và nói thêm: Việc kiểm tra, giám sát phải được làm thường xuyên, cấp phép xong bỏ mặc để đến khi xảy ra chuyện “mất bò mới lo làm chuồng” là rất đáng tiếc và đáng phê bình, bởi hiện nay phát sinh rất nhiều vấn đề do pháp luật đầu tư của chúng ta ngày càng thông thoáng nên tình trạng “núp bóng” - người nước ngoài mạo danh người Việt Nam để mua cổ phần, cổ phiếu của các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam để tránh việc thành lập các dự án mới, thậm chí vào những vùng an ninh quốc phòng của nước ta.
Địa phương và các cơ quan chức năng không “ỷ lại” nhau
Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) - thời gian qua, việc một số địa phương thiếu năng lực, thậm chí một số địa phương “hạ rào” để cạnh tranh thu hút vốn đầu tư FDI là có. Các tiêu chuẩn, quy định, mức độ phân cấp của Trung ương cũng cần hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn để làm sao vừa không buông lỏng quản lý, vừa phát huy được tính chủ động của địa phương, đồng thời không cản trở hoạt động của DN. Hiện nay việc cấp phép, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do chính quyền địa phương đảm nhận. Việc tạm dừng hay chấm dứt một dự án vì lý do an ninh quốc phòng hay về vấn đề môi trường, văn hóa… được quy định ở tất cả các bộ luật đầu tư của nước ta từ trước đến nay. Nếu một dự án gây ra thảm họa môi trường, chính quyền hoàn toàn có quyền chấm dứt, tạm dừng dự án.
GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư - cho rằng: Bộ Chính trị đã định hướng việc thu hút FDI trong giai đoạn tới là chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Trong khi đó, quyết định thu hút nhà đầu tư lại phụ thuộc vào lựa chọn của chính quyền địa phương. Một số địa phương đã đưa ra nhiều ưu đãi quá lớn, không lựa chọn kỹ lưỡng, dẫn tới thiệt hại cho Nhà nước, thậm chí ảnh hưởng đến môi trường, xã hội. Vậy nên, bên cạnh việc gia tăng quyền lựa chọn nhà đầu đầu tư cũng phải tăng trách nhiệm của ban quản lý duyệt. Còn theo PGS-TS Ngô Trí Long, cả chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không nên ỷ lại, trông chờ vào nhau, bên này coi là việc của bên kia dẫn đến buông lỏng quản lý khiến các hoạt động phạm pháp có thể xảy ra.