Doanh nghiệp Việt phải "thử sức" trong môi trường khốc liệt hơn
Ngày 1.1.2021, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường có tiềm lực kinh tế được coi là lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cũng tạo cho doanh nghiệp rất nhiều áp lực cạnh tranh. Mặc dù ngày đầu tiên RCEP có hiệu lực, nhưng rơi vào ngày Tết dương lịch, cả thế giới và Việt Nam nghỉ lễ, nên chưa có cơ sở dữ liệu để đánh giá tác động, tuy nhiên có thể dự báo RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài.
Tham gia vào hiệp định này, không riêng gì Việt Nam, mà tất cả các nước thành viên đều cam kết giảm thuế quan và được hưởng lợi từ các ưu đãi thuế quan này, trong đó có Trung Quốc - quốc gia được coi là nắm giữ thị phần cung ứng nguyên, phụ liệu sản xuất đối với nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Theo đó, tham gia vào RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc. Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.
Theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các nước tham gia RCEP là những thị trường truyền thống của Việt Nam – những thị trường có tỉ lệ nhập siêu lớn nhất. Nhập siêu này thì nó có thể có nhiều nguyên nhân, như với Hàn Quốc, do có quan hệ đầu tư rất lớn nên phần nhiều là nhập nguyên vật liệu, máy móc, vì vậy nhập siêu có khi đóng góp cho quá trình phát triển của Việt Nam. Nhưng, nếu lượng nhập siêu quá lớn và mang tính lâu dài thì cũng có thể có rủi ro nhất định. Các thị trường này đã tham gia thêm một hiệp định thương mại tự do thì cũng có những rủi ro trong việc điều hành kinh tế vĩ mô để đảm bảo nhập siêu đó không ổn định.
"Về cơ bản hiệp định RCEP tạo môi trường cạnh tranh gay gắt hơn, doanh nghiệp cũng phải chuẩn bị tâm thế, sẵn sàng trong môi trường cạnh tranh đó. Ngoài ra, với các thị trường này, trước đây, chúng ta chưa mang tính chủ động cao, thường chờ khách hàng đến, thì nay với khuôn khổ mang tính dài hạn, để tận dụng được thành công từ Hiệp định RCEP thì tính chủ động của chúng ta nó càng phải cao hơn nhiều"- ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh..
Nhanh chóng tận dụng cơ hội RCEP mang lại
Trên thương trường, chủ động và nắm bắt được thời cơ là đã nắm được cơ bản phần thắng. Mới đây, chia sẻ về vai trò của RCEP trong thúc đẩy thương mại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Dương –Trưởng Ban nghiên cứu Tổng hợp - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 như hiện nay, RCEP có tác động và mang lại cơ hội tương đối lớn cho nền kinh tế. Bởi, “ở thời điểm này, bất cứ điều gì đóng góp được dù chỉ 1 đồng vào tăng trưởng cũng là rất tích cực”.
RCEP không phải là một hiệp định thương mại tự do mới toàn bộ, mà là một hiệp định "hài hòa hóa" những hiệp định ASEAN đã có với 5 nước đối tác. Vì vậy, đối với Việt Nam cũng như các nước ASEAN, đây là cách chúng ta đa phương hóa các mối quan hệ hiện đã có.
Đặc biệt, những mối quan hệ trước đây chưa mang tính chất chính thức, thì với hiệp định này sẽ được đưa vào một khuôn khổ dựa trên những “luật chơi” được quốc tế công nhận, từ đó tạo khuôn khổ rộng mà các nước sẽ tuân thủ theo những quy tắc chung đó. Về thương mại và đầu tư, các đối tác trong khối RCEP chiếm khoảng gần 60%. Rõ ràng đây là một khu vực hết sức quan trọng, Việt Nam tham gia RCEP là một hiệp định mang tính đa phương với những quy tắc rõ ràng và có sự tham gia của nhiều nước, sẽ tạo được môi trường ổn định hơn để phát triển.
*RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.