Không dành cho tất cả F
Trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế, giúp cho thị trường vốn luân chuyển thúc đẩy kinh tế phát triển.
Trong quý II vừa qua, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 164.000 tỉ đồng trái phiếu, tăng 3,7 lần so với quý 1 và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng nói trong đó, tỉ trọng trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới khoảng 90%.
Tổng cộng 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt mức 208.900 tỉ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Hai ngành chiếm tỉ trọng lớn nhất là doanh nghiệp bất động sản (92.000 tỉ đồng, 44,2%); ngân hàng (hơn 68.000 tỉ đồng, 32,7%); phần còn lại gồm doanh nghiệp năng lượng, khoáng sản, định chế tài chính phi ngân hàng, phát triển hạ tầng.
Trong tổng số 164.000 tỉ đồng trái phiếu đã phát hành, các nhà đầu tư cá nhân mua khoảng 11.000 tỉ đồng, chiếm tỉ trọng khoảng 6,7%. Theo SSI Research, tỉ trọng khiêm tốn này phản ánh quy định chỉ có những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được chào mua.
Như vậy có thể thấy, quy định trên cũng loại trừ các nhà đầu tư F0 chân ướt chân ráo hay F1, F2 còn non kinh nghiệm và thương trường đầu tư trên thị trường vốn.
Song ngay cả đối với các Fn dày dạn, mức lãi suất phát hành bình quân trái phiếu doanh nghiệp trong quý II/2021 là 9,95%/năm cũng chưa hẳn đã thực sự hấp dẫn. Bởi dòng tiền sẽ bị “ngâm” lâu (thường 18-24 tháng), rủi ro trượt giá, mất các cơ hội đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn… Nếu gặp phải trái phiếu kém chất lượng, nhà đầu tư cá nhân có thể mất cả chì lẫn chài.
Cần thiết giám sát chặt trái phiếu doanh nghiệp!
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh tạm ngừng trệ, việc huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp nóng lên cần được đặt ra khả năng rủi ro để kiểm soát. Đây cũng là cảnh báo trước đó đã được SSI Research đưa ra, cho rằng rủi ro ngày càng gia tăng.
Khi sức khỏe nhiều doanh nghiệp sa sút nhưng kênh huy động vốn trái phiếu vẫn tăng nóng, thiếu kiểm soát, dễ dẫn tới những sản phẩm trái phiếu kém chất lượng. Vấn đề đặt ra khi đó là, dòng vốn có thực sự chảy vào đầu tư sản xuất kinh doanh, hay để sử dụng bù đắp cho việc cầm cự, các chi phí cấp bách của doanh nghiệp?
Cùng với đó, con số khoảng 90% trái phiếu phát hành riêng lẻ cũng chính là tâm điểm cần được giám sát, kiểm soát chặt chẽ. Sức khỏe doanh nghiệp phát hành trái phiếu hiện nay ra sao nhà đầu tư cá nhân không có nhiều kênh thông tin để tiếp cận. Một phần có thể nắm bắt thông tin qua sàn giao dịch chứng khoán đối với các công ty niêm yết, một phần thông qua đánh giá tín nhiệm từ các tổ chức tư vấn, công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, qua theo dõi hàng loạt những thông tin rao mời nhà đầu tư chứng khoán cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp từ các công ty chứng khoán trong thời gian qua cho thấy, hầu hết phân tích về sức khỏe doanh nghiệp đều là những lời “có cánh”, vẽ lên tiềm năng tăng trưởng, mức lợi nhuận hấp dẫn, chứ không hề đề cập đến các rủi ro, nguy cơ.
Doanh nghiệp phát hành chính là khách hàng của các tổ chức tư vấn tài chính, chứng khoán. Công ty chứng khoán đóng vai trò trung gian có thể hưởng lợi cả 2 đầu bên bán và người mua, chính vì thế việc đề cập tới doanh nghiệp phát hành theo hướng “tốt khoe xấu che” là hoàn toàn có thể xảy ra.