Kết thúc phiên giao dịch 8.12, VN-Index kết thúc chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp, sụt giảm nhẹ 0,07%, đạt 1029,26 điểm.
Đóng góp tới 0,75 điểm vào đà giảm của VN-Index là VIC. Các Large Cap khác như VNM, BID và VHN đồng loạt giảm giá cũng góp phần tác động tiêu cực tới chỉ số.
Sắc đỏ bao trùm nhóm cổ phiếu dầu khí. Đứng đầu là PVC mất tới 3,1%. Các mã PVS, PVB, PLX, PVD đồng loạt sụt hơn 1%. GAS và POW giảm nhẹ dưới tham chiếu. Hai cổ phiếu OIL và PVT tạm dừng ở mốc tham chiếu.
Cổ phiếu nhóm thủy sản giảm giá ở SEA (-2,9%), AAM (-1%) sau cảnh báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc Trung Quốc siết chặt nhập khẩu thủy sản, tăng cường các biện pháp kiểm soát bao gồm cả việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 bên ngoài bao bì và cả sản phẩm.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu chứng khoán có diễn biến tích cực.
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, tháng 11 vừa qua ghi nhận số tài khoản mở mới trong nước đạt 41.203 tài khoản, mức cao nhất lịch sử hơn 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, giúp cổ phiếu ngành chứng khoán bứt phá ở HCM (+7%), SSI (+6,6%), VND (+4,17%), SHS (+4,03%), VCI (+2,05%), MBS (+5,51%).
Hiệp hội Dệt may và da giày Việt Nam kiến nghị Chính phủ bảo vệ quyền lợi trước nguy cơ bị áp thuế khi Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ khởi động điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ giúp cổ phiếu nhóm dệt may tăng giá TCM (+6,5%), M10 (+3,1%).
Mặc dù VN-Index giảm nhẹ nhưng thanh khoản thị trường vẫn duy trì tích cực.
Khối lượng khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 501 triệu đơn vị, tăng 5,85% so với phiên giao dịch trước. Giá trị khớp lệnh đạt gần 9.807 tỉ đồng, tăng 9,82%.
Trên HNX, khối lượng khớp lệnh đạt gần 73 triệu đơn vị, tăng 25,31%. Giá trị khớp lệnh đạt hơn 988 tỉ đồng, tăng 29,23%.
Khối ngoại bán ròng 67 tỉ đồng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Các cổ phiếu bị bán ròng mạnh là GEX, GMD, VIC.