Cuộc khủng hoảng “tinh binh” kỳ lạ của nước Mỹ giữa dịch COVID-19

Tường Linh (theo New York Times) |

Đại dịch COVID-19 tràn vào nước Mỹ đã đảo lộn nhiều thứ, nhưng không làm thay đổi nhu cầu có con của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên trong bối cảnh nhiều ngân hàng tinh trùng cạn kiệt nguồn cung vì dịch, các gia đình đã phải tìm đủ mọi cách để đạt được mục đích.

Ngân hàng tinh trùng cạn kiệt nguồn cung

Những ngày này, các “ông trùm” hiến tinh trùng của nước Mỹ đang phải hoạt động hết công suất. Họ bay đi khắp nơi, mang “tinh binh” và các xét nghiệm di truyền mới nhất tới cho những người phụ nữ có nhu cầu, khi họ đang ở giai đoạn thụ thai dễ nhất.

“Người ta đã chán ngấy các ngân hàng tinh trùng”, Kyle Gordy, 29 tuổi, một người đàn ông sống ở Malibu, California, chia sẻ với phóng viên New York Times. Kyle có các khoản đầu tư khác nhau trong ngành bất động sản, nhưng dành rất nhiều thời gian để hiến tặng tinh trùng, gần như hoàn toàn miễn phí (Kyle có yêu cầu người nhận phải trả chi phí đi lại) cho những người phụ nữ.

Kyle còn đang điều hành một nhóm Facebook riêng tư mang tên Sperm Donation USA (Hiến tinh trùng ở Mỹ) nhằm giúp những người phụ nữ có nhu cầu kết nối với nguồn cung đạt chuẩn. “Tinh binh” của Kyle đã tạo ra 35 đứa trẻ và thêm 5 bé khác đang thành hình hài, như lời kể của anh. “Dư luận nhận ra hiến tặng tinh trùng không còn là điều cấm kỵ nữa”, anh chia sẻ.

Nước Mỹ hiện có khoảng 141 triệu nam giới và nhìn thoáng qua, tưởng như tiềm năng “tinh binh” ở đây khá dồi dào. Thực tế chuyện đã từng như thế với các ngân hàng tinh trùng, cho tới trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Dịch bệnh tạo ra một sự khan hiếm chưa từng thấy. Đàn ông gần như ngừng hoàn toàn việc đi hiến tặng tại các ngân hàng, bất chấp việc nhu cầu sử dụng “hàng” từ các cơ sở này không hề giảm xuống mà thậm chí còn tăng lên rất mạnh tại một số nơi.

“Chúng tôi đã liên tiếp phá kỷ lục bán hàng kể từ tháng 6, trên quy mô toàn cầu chứ không chỉ riêng ở Mỹ. Chúng tôi đã phá kỷ lục của chính mình ở Anh, Australia và Canada”, Angelo Allard, một giám sát tại Ngân hàng tinh trùng Seattle - một trong những cơ sở lớn nhất nước trong lĩnh vực này, chia sẻ với phóng viên New York Times. Ông nói rằng trong năm 2020, công ty bán ra lượng tinh trùng lớn hơn 20% so với năm ngoái, dù nguồn cung sụt giảm.

“3 cơ sở hiến tặng của chúng tôi thường có 180 người hiến”, Allan nói. “Nhưng nay con số tụt còn 117 người. Có tháng chỉ còn 80 người. Tôi không thấy có dấu hiện nào thể hiện đây là xu hướng tích cực”.

Michelle Ottey, giám đốc hoạt động tại Fairfax Cryobank, một ngân hàng tinh trùng lớn khác, cũng cho biết nhu cầu mua tinh trùng online từ công ty bà đã tăng vọt vào mùa dịch. Ngoài khía cạnh tiện lợi và an toàn, bà còn cho rằng người ta muốn sinh con để tìm lấy chút hy vọng tích cực, khi mọi thứ đều đang u ám với họ. Nhưng khao khát ấy không được thỏa mãn vì tình trạng khan hàng, điều khiến không ít người bực tức.

“Liệu sẽ sớm có thêm người hiến tặng nào không?”, một người dùng với nick BabyV2021 gần đây viết trên một diễn đàn của California Cryobank - một trong những ngân hàng tinh trùng lớn nhất thế giới. “Hình như nguồn cung đang giảm đi thì phải”, người dùng khác với nick sc_cal viết.

Hơn 1.000 USD cho mỗi lọ chứa "tinh binh"

Kinh doanh ngân hàng tinh trùng là một ngành có tổng trị giá 4 tỉ USD tại Mỹ trong năm 2018. Từ thuở ban đầu, khách hàng dùng dịch vụ của ngân hàng tinh trùng có phần đông là các cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên với việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và việc ngày càng nhiều phụ nữ muốn làm mẹ đơn thân, thị trường tại Mỹ đã thực sự bùng nổ trong thập kỷ qua.

Khoảng 20% khách hàng dùng dịch vụ của các ngân hàng tinh trùng hiện là các cặp vợ chồng bình thường, 60% là phụ nữ đồng tính và 20% là các mẹ đơn thân, theo như thông tin từ nhiều ngân hàng tinh trùng mà New York Times tiếp xúc.

Để đáp ứng nhu cầu của các khách hàng này, người hiến tặng phải thường xuyên quyên tặng trong nhiều năm. Nhưng dịch COVID-19 đã đảo lộn nhiều thứ. Những người lâu nay vẫn quen hiến tặng đã sợ tới các ngân hàng vì lo ngại lây virus. Hoạt động tuyển người hiến tặng mới đã bị ngưng trệ suốt nhiều tháng khi Mỹ triển khai lệnh phong tỏa và sau đó gần như không khôi phục được trở lại tại một số ngân hàng. Vài ngân hàng cho biết họ còn nhiều tinh trùng đông lạnh cũ nằm trong kho, nhưng chúng cũng sẽ không ở trong tình trạng tồn đọng quá lâu trước nhu cầu hiện nay.

“Tuyển mộ người hiến tặng hiện là một thách thức đang lớn dần”, Scott Brown, Phó Chủ tịch phụ trách liên minh chiến lược ở California Cryobank cho biết. “Trong khi đó ngoài kia nhiều người vẫn rất mong có con”.

Và không chỉ muốn có con, khách hàng còn muốn con họ được sinh ra từ những “tinh binh” ưu tú. Đó là lý do vì sao một số ngân hàng tinh trùng lớn nằm gần các trường đại học danh tiếng. Nếu không đặt trụ sở, họ sẽ lập các trung tâm thu gom tinh trùng hiến tặng ở Palo Alto, California, nơi nằm gần Đại học Stanford hoặc ở Cambridge, Massachussett, nơi gần trường Harvard.

Nam giới là sinh viên đại học cũng là nhóm hiến tặng đáng tin cậy nhất, những người sẵn sàng bán tinh trùng của họ trong khoảng thời gian dài vài tháng để đổi lấy khoản thù lao khoảng 4.000 USD. Sau khi ký thỏa thuận, một người hiến tặng sẽ tới ngân hàng một hoặc hai lần mỗi tuần và trong suốt quá trình sẽ “sản xuất” lượng tinh trùng đủ để bán cho vài chục gia đình có nhu cầu.

Do tình trạng khan hiếm người hiến vì dịch, nhiều ngân hàng trở nên tuyệt vọng tới nỗi người tuyển mộ của họ đã phải dán quảng cáo bên ngoài các địa điểm nơi nam giới hay tìm tới để đi bộ đường dài hoặc chạy, bởi các phòng gym đều đã đóng cửa. Một đại diện bán hàng của một ngân hàng thì bày tỏ hy vọng ban quản lý sẽ thưởng tiền để thu hút người hiến tặng. Tuy nhiên ban quản lý không muốn làm điều này vì sợ tạo tiền lệ xấu.

Ngoài ra, các ngân hàng còn gặp khó khăn vì phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt của Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA). Sau khi hiến tặng, tinh trùng phải được để yên không sử dụng trong 6 tháng. Người hiến cũng phải trở lại mỗi khi lọ tinh trùng của họ được sử dụng, để thử máu.

Phần lớn các ngân hàng giới hạn không để một người hiến tặng tinh trùng cho nhiều hơn 25 hoặc 30 gia đình, để ngăn chặn các vấn đề liên quan tới cận huyết và di truyền. Người hiến tặng luôn được giấu danh, là ẩn số với các gia đình mua tinh trùng. Tên người hiến tặng chỉ là các con số, dù rằng gần như mọi ngân hàng giờ đều đã cho khách hàng xem ảnh của nhân vật này thời còn là trẻ con.

Các nước như Anh và Australia cấm ngân hàng tinh trùng không được trả cho người hiến tặng một số tiền quá lớn, bởi nó có thể khiến hoạt động hiến tặng trở thành vấn đề buôn bán bất hợp pháp. Ở Mỹ, FDA không đặt ra giới hạn tài chính, nhưng quản lý hoạt động hiến tinh trùng giống như việc hiến mô tạng. Một người hiến tặng phải thể hiện rằng anh ta đang tự nguyện chứ không bị ép buộc. Các ngân hàng tinh trùng cũng phải nói rõ với người hiến rằng tiền bồi dưỡng không được là động cơ chính để họ tiến hành hoạt động hiến tặng.

“Chúng tôi không thể trả tiền mua tinh trùng của họ, cũng giống như không thể bỏ tiền mua mô tạng người”, Allard cho biết, nói thêm rằng về mặt kỹ thuật tiền bồi dưỡng người hiến tinh trùng nhận là khoản phí hỗ trợ họ đi lại, cũng như thời gian họ đã tiêu tốn để làm công việc hiến tặng.

Hiện Ngân hàng tinh trùng Seattle, nơi Allard làm việc, đang làm tất cả để bảo đảm sự an toàn cho người hiến. Mỗi giờ chỉ có 6 người được tham gia hiến tặng cùng lúc, giảm còn một nửa so với trước dịch. Người hiến cũng phải tiến hành kiểm tra thân nhiệt và trả lời các câu hỏi liên quan tới COVID-19. Ai cũng phải đeo khẩu trang khi vào ngân hàng.

Giá của tinh trùng hiện vẫn nằm ở mức cao. Mỗi lọ chứa từ một ngân hàng tinh trùng hàng đầu có giá cao tới 1.100 USD. Ngân hàng cam kết rằng mỗi lọ sẽ chứa từ 10 tới 15 triệu tinh trùng khỏe mạnh. Mỗi tháng, trong thời kỳ dễ thụ thai nhất, một người phụ nữ muốn làm mẹ (hoặc bác sĩ của họ) sẽ dùng hết một ống này, cho hoạt động bơm tinh trùng vào buồng tử cung.

Thường khách hàng sẽ được đề nghị mua từ 4 tới 5 lọ chứa nếu họ muốn có một đứa con. Nguyên nhân do có lúc sẽ phải mất vài tháng thực hiện hoạt động thụ tinh để người phụ nữ mang thai thành công. Và trong các tình huống đặc biệt, ví dụ một phụ nữ muốn có hai đứa con bằng tinh trùng của cùng một người hiến, cô sẽ phải bỏ ra số tiền lớn tới 10.000 USD để giữ các lọ chứa cho riêng mình.

Công nghệ giúp mang tới những lựa chọn mới

Trong bối cảnh người ta phải tranh nhau tinh trùng tại các ngân hàng, nhiều phụ nữ đã quyết định không chờ đợi mà thay vì thế sẽ tìm nguồn cung khác. Trong vòng 6 tháng qua, họ đã tham gia hàng loạt các nhóm Facebook để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các “trùm hiến tặng” - những ông vua tinh trùng. Những nhân vật này không giới hạn việc cho tinh trùng tối đa bao nhiêu gia đình, và cũng không quan tâm tới quy định của FDA.

Họ còn cung cấp cho các bậc phụ huynh tương lai thứ mà nhiều ngân hàng không tiết lộ: Tên tuổi và thông tin cá nhân của mình. Thêm một điều thú vị nữa: Tinh trùng họ cung cấp miễn phí hoàn toàn, không giống các ngân hàng.

Sự thay đổi thực tế đã bắt đầu xảy ra cách đây vài năm. Công nghệ là thứ đã thay đổi, cách mạng hóa cách thức tinh trùng hiến tặng gặp trứng của khách hàng. Mạng xã hội giúp hỗ trợ kết nối bên cung với bên cầu, cắt bỏ hoàn toàn sự tham gia của bên trung gian là ngân hàng.

Các ứng dụng tìm kiếm người hiến tặng, như Modamily và Just a Baby, xuất hiện. Tương tự là những nhóm Facebook như Known Donor Registry, nơi 50.000 người hiến đã tham gia ghi danh để hiến tinh trùng thường xuyên. Nam giới tham gia các nhóm này tải lên ảnh chụp họ, cùng những đứa con, và quảng cáo chính mình với những bên quan tâm.

Không khó hiểu khi nam giới trông sáng sủa, và đặc biệt là những người điển trai, thường nhận được đề nghị từ hàng chục phụ nữ. Phóng viên New York Times chứng kiến một nam y tá “cao 1m8 với nước da rám nắng giống người Hy Lạp” đã thu hút rất đông người quan tâm chỉ trong vòng 3 tiếng kể từ khi anh đăng bài viết về việc sẽ hiến tinh trùng. “Chào Jack, chúng tôi đã gửi tin nhắn cho anh”, một phụ nữ có tên Megan nhắn. “Chào Jack, tôi muốn nói chuyện với anh”, cô gái tên Lindsay viết, tương tự là Sonia.

Những người không điển trai lắm sẽ quảng cáo rằng họ thông minh. Đơn cử như người đàn ông tên John tới từ Arizona nói mình có điểm chơi cờ là 1.400 và là chuyên gia phân tích, quảng cáo thêm rằng bản thân có suy nghĩ tích cực và tính tình hòa nhã, lại hay tập thể dục thể thao.

Phần lớn người hiến của các nhóm nêu trên đều nói họ sẽ chỉ hiến tinh trùng phục vụ hoạt động thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên một số nói họ sẽ tham gia vào quá trình thụ tinh tự nhiên - cách diễn giải khác của quan hệ tình dục. Theo phóng viên New York Times, ranh giới giữa hoạt động hiến tặng, vốn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp, và những biến tướng liên quan tới tình dục rất mong manh và có thể dễ dàng bị phá vỡ đối với các giao dịch thực hiện qua các kênh liên lạc mới nêu trên. Đồng thời điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề về an toàn.

Ngoài ra, cả hai bên cho và nhận tinh trùng đều đối mặt với những rủi ro về pháp lý. Ví dụ một bà mẹ sẽ đòi người hiến phải hỗ trợ nuôi con, hoặc người hiến muốn đòi lại con của họ từ các bà mẹ đi xin tinh trùng. Những rủi ro này rất cao và luật pháp liên quan tới chúng lại không nhất quán trên các bang của nước Mỹ.

Một số nhóm hiến tinh trùng thậm chí đã thể hiện quyền lực bằng cách tuyên bố “lãnh địa quản lý” và cạnh tranh không cho những người ngoài nhóm hiến tinh trùng tại “vùng đất” của họ. Hiện hai nhóm Facebook chuyên về hiến tinh trùng lớn nhất tại Mỹ là Sperm Donation USA và USA Sperm Donation đang có chiến tranh lạnh với nhau liên quan tới vấn đề lãnh địa.

Elaine Raby Byrd, 37 tuổi, là một giáo viên mầm non ở Memphis. Cô cho biết đã dùng tinh trùng hiến tặng từ một nhóm Facebook lớn và hiện đang chờ đợi kết quả. "Tôi được quyền chọn người mình thích theo gene di truyền, thay vì ai đó gặp gỡ ngẫu nhiên ngoài đường", cô chia sẻ. Và theo Byrd, điều này còn có nghĩa cô được chọn sử dụng tinh trùng từ những người hiến tặng có ngoại hình đẹp đẽ hơn, trí tuệ thông minh hơn so với chính những người cô gặp và yêu ngoài đời thực.

Những "siêu sao" trong làng hiến tinh trùng

Trên cõi mạng hiện còn có những ngôi sao nổi tiếng từ hoạt động hiến tặng tinh trùng. Một trong số đó là Kayla Ellis, 27 tuổi. Cô và "vợ" của mình đã tìm thấy người hiến tặng tinh trùng trên trang Just a Baby vào năm 2019. Sau khi hai bên trao đổi qua lại trong nhiều tuần và thống nhất, cô đã chuyển cho người hiến tặng một khoản tiền. Tiếp theo hai bên gặp nhau tại một nhà nghỉ và ở đây anh ta đưa cho cô tinh trùng để trong một cái cốc.

"Chúng tôi có đủ khả năng để nuôi con, nhưng không chịu nổi gánh nặng tài chính từ việc thụ tinh nhân tạo hoặc từ các ngân hàng tinh trùng. Vì thế chúng tôi bắt đầu tìm kiếm ở nguồn khác", cô cho biết. Giờ cô có một tài khoản trên mạng xã hội TikTok chuyên hướng dẫn cách để thụ thai và có con thông qua hoạt động hiến tặng tinh trùng cá nhân. Tài khoản có hơn 91.000 người theo dõi. Cô và "vợ" hiện đang mang thai đứa con thứ hai của họ, theo cùng một cách thức như đã có đứa đầu tiên. "Con của chúng tôi có chi phí chỉ 136 USD mỗi bé”, Ellis chia sẻ.

Nhân vật siêu hiến tặng nổi tiếng nhất hiện nay là Ari Nagel, người thường tiếp xúc thẳng với các gia đình có nhu cầu để giúp họ. Nagel là một giáo sư có nhiều sức hút sống ở New York và ông khá dễ dãi trong việc cho tinh trùng, dẫn tới việc đang dính líu vào một số vụ kiện quyền nuôi con. Nhưng Nagel không bận tâm lắm, ông đang ở Zimbabwe để cho tinh trùng, trước khi tới Nigeria. Ông chia sẻ với phóng viên New York Times rằng đã giúp 15 phụ nữ ở Mỹ đang mang bầu trong năm 2020.

Nhiều người hiến tặng tinh trùng và cả người nhận đã nhiều lần nói về nỗi cô đơn trên các diễn đàn. Đó là những người đàn ông không có gia đình và tin rằng bộ gene mình mang trong người rất xứng đáng để được truyền lại thế hệ sau.

"Tôi có khao khát mạnh về việc muốn truyền lại bộ gene của mình”, một người hiến tặng viết trên Just a Baby gần đây. “Nhưng hiện tôi chưa thấy khả năng này sẽ xảy ra trong tương lai gần."

Một người siêu hiến tặng 30 tuổi, sử dụng tên giả Jacob Jan trên nhóm Sperm Donation USA, cho biết: "Ban đầu tôi chỉ muốn tăng số con sinh ra từ tinh trùng của mình. Nhưng sau khi 3 - 4 đứa trẻ ra đời, động lực đó dần biến mất. Giờ thì tôi thích hình dung về mình ở độ tuổi 50 và 60, ngồi bên một chiếc bàn ăn lớn. Tôi sẽ mời tất cả những đứa con sinh ra từ tinh trùng của mình tới ăn tối và chỉ ngồi đó nghe chúng kể chuyện, về các hành trình của chúng. Tôi muốn nghe tất cả những cuộc phiêu lưu con mình đã trải qua. Đó chính là động lực thúc đẩy tôi tiếp tục hiến tặng".

Tường Linh (theo New York Times)
TIN LIÊN QUAN

Nguy cơ vô sinh khi mắc bệnh quai bị

Minh Trí |

Bệnh quai bị là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh quai bị nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng trong đó có vô sinh.

Vô sinh nam không phải hiếm

Bs Trần Kiên |

Nhiều người thủ cựu cho rằng, vô sinh là do vợ, nhưng WHO thống kê cho thấy, 40% do vợ, 30% do chồng, 20% do cả hai và 10% không rõ nguyên nhân.

Cảnh báo 4 dấu hiệu vô sinh khi phá thai bằng thuốc

Hồng Nhật (T/H) |

Phá thai bằng thuốc là phương pháp gây sảy thai tự nhiên. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những dấu hiệu vô sinh sau khi phá thai bằng thuốc.

7 thói quen này là nguyên nhân gây vô sinh mà bạn không biết

Hồng Nhật (T/H) |

Có những thói quen sinh hoạt bình thường tưởng chừng vô hại, nhưng có thể là nguyên nhân gây vô sinh mà bạn không biết.

“Món quà bất ngờ” cho các cặp vợ chồng vô sinh- hiếm muộn

Thành Sơn |

Giữa nhiều “bí kíp” giúp các bà mẹ vô sinh hiếm muộn có con một cách thần kì, gần đây, chuyên gia còn có một giải pháp đầy tính “công nghệ” giúp tăng tỉ lệ đậu thai lên đến hơn 8% so với thông thường.

Tin buồn

Lao Động |

Bà Trịnh Thị Ngọc Lan (thân mẫu đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng Ban Công đoàn - Bạn đọc Báo Lao Động) sinh năm 1959, từ trần hồi 11h20 ngày 5.10.2024 (tức ngày 3 tháng 9 năm Giáp Thìn); Hưởng thọ 65 tuổi.

Chậm trễ xử lý xưởng trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý

TRUNG DU |

Thái Bình - Công tác xử lý vi phạm tại cơ sở tái chế phế liệu trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý ở huyện Vũ Thư chưa nghiêm túc.

Man United hòa Aston Villa, Erik ten Hag nguy cơ rời Old Trafford

Nhóm PV |

Tối 6.10 (giờ Việt Nam), Man United đã chia điểm Aston Villa tại vòng 7 Premier League.