Điệu bài chòi ngân nga nơi làng cổ nghìn năm

Bài và ảnh HỮU NHÂN |

Giọng ca mượt mà hòa cùng tiếng sóng biển rì rào lướt qua những kè đá in dấu tích trăm năm, hóa giải giận hờn, thắt tình người thêm bền chặt làm say lòng khách lãng du. Du khách nhẹ bước trên những con đường nhỏ uốn lượn từng in dấu chân người Sa Huỳnh cổ hàng nghìn năm trước.

Những hộ kinh doanh du lịch ở làng cổ Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) thông báo tạm dừng đón khách nhằm phòng ngừa COVID-19. Nhưng người dân nơi đây vẫn hăng say luyện tập cho điệu bài chòi thêm mượt mà, điệu hát hố dí dỏm để thỏa lòng du khách đến thăm khi đẩy lùi dịch bệnh. Lời ca dân dã làm vơi nỗi âu lo, giục giã xuân về cho xóm làng rộn ràng tiếng cười vui.

Hồn hậu bên dấu xưa

Hơn trăm năm trước, nhà khảo cổ người Pháp M.Vinet phát hiện hàng trăm quan tài bằng chum tại khu vực Gò Ma Vương bên biển Sa Huỳnh lộng gió. Những chiếc chum bằng đất nung thuở ấy đã thu hút giới khoa học tổ chức nhiều đợt khai quật, nghiên cứu. Qua đó, họ phát hiện ra nền văn hóa Sa Huỳnh với niên đại khoảng 3.000 năm trước, trải rộng trên địa bàn từ Quảng Bình đến nam Trung Bộ và Tây Nguyên cùng một số quần đảo. Cạnh Gò Ma Vương có ngôi làng lưu giữ vết tích xa xưa thu hút giới khảo cổ và du khách đến nghiên cứu, thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình.

Biểu diễn bài chòi.
Biểu diễn bài chòi.

Làng Long Thạnh 2 (giờ đổi thành tổ dân phố Long Thạnh 2) nằm bên bờ cát vàng mịn màng và biển xanh thơ mộng nghìn năm sóng vỗ. Gió từ khơi xa thổi vào bờ bị chặn lại bởi động cát và núi đồi nhấp nhô, uốn lượn đẹp tựa tranh vẽ. Nhờ được che chắn nên xóm làng yên bình sau bao bão giông. Những con đường nhỏ quanh co, lên cao - xuống thấp gập ghềnh bước chân qua. Đá lớn nhỏ hiện diện trên đỉnh núi, sườn đồi và suối khe tựa như thạch trận miền biên ải ngăn bước quân thù. Cổ nhân xếp đá giữ đất khỏi bị cuốn trôi rồi lập vườn, dựng nhà lưng chừng núi đồi. Những kè đá rêu phong in dấu trăm năm sương gió cùng thăng trầm thời cuộc trên mảnh đất này. Giếng cổ xây dựng bằng đá nước trong vắt và mát lành làm dịu cơn khát giữa trưa hè oi ả. Đá xếp giữa lòng khe nhỏ giảm lượng nước mưa trôi ra biển giúp cho cây cối xanh tươi tỏa hơi mát dịu giữa trưa nắng. Khoai, đậu tốt tươi trên những vạt đất nhỏ sau khi thu dọn đá làm ấm lòng ngày giáp hạt. "Bờ kè đá ngăn nước cuốn trôi đất, giếng nước cổ xếp bằng đá do người Chăm xây dựng trước khi Chúa Nguyễn vào mở mang, khai phá đất phương nam. Nhiều người Việt khi vào đây kết hôn cùng người Chăm rồi sinh con cháu sống trên vùng đất này..." - tiến sĩ Khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi - cho biết.

Bao đời, cư dân nơi đây cần mẫn mưu sinh với ước mơ cuộc sống no ấm, xóm làng yên vui. Đàn ông lướt sóng ra khơi buông, kéo lưới trên chiếc thuyền nhỏ mỏng manh tựa chiếc lá giữa muôn trùng sóng nước. Phụ nữ tay thoăn thoắt đan, vá lưới với hy vọng thuyền về bến tôm cá đầy khoang. Trên những thửa ruộng nhỏ cạnh chân núi, vạt đất bên sườn đồi, nhiều người cần mẫn vun trồng. Những con bò vàng nhởn nhơ gặm cỏ, ẩn hiện giữa rừng cây lá mướt xanh. Cuộc sống yên ả trôi tựa mây bay qua đỉnh núi chiều phai nắng. Rồi đến một ngày, tiến sĩ Guy Martini - Tổng Thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO - đến đây khảo sát. Ông dạo bước quanh làng rồi đánh giá nơi đây là "báu vật", là "viên ngọc quý" của công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Một doanh nhân say mê khảo cổ, văn hóa vận động người dân tham gia mô hình du lịch cộng đồng để cải thiện cuộc sống, giới thiệu xóm làng với khách phương xa. Du khách nghỉ ngơi trong những ngôi nhà đơn sơ của người làng, thả hồn giữa khung cảnh núi đồi hoang sơ bên biển xanh rì rầm sóng vỗ. Rặng thùy dương vi vu với gió tựa khúc tình ca muôn đời của biển và bờ cho cõi lòng lữ khách đắm say. Khách sẽ được ngắm vách đá cheo leo, mơ màng dưới trời xanh - mây trắng khi bập bềnh cùng con thuyền nhỏ trên sóng nước gần bờ...

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi tìm hiểu kè đá người Chăm xây dựng tại làng Long Thạnh 2.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi tìm hiểu kè đá người Chăm xây dựng tại làng Long Thạnh 2.

Cá tôm tươi rói vừa được vớt lên từ biển qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ nơi đây khiến thực khách xuýt xoa khen ngợi khi thưởng thức. Rau trái thu hái từ mảnh vườn nhỏ bên bờ kè đá trăm năm được chế biến thành những món ăn ngon lành khiến nhiều người gật gù tán thưởng. Tính cách thật thà của người dân quê lam lũ là "cánh cửa chào đón rộng mở và níu chân" du khách quay lại chốn này. "Chúng tôi giữ nguyên hiện trạng trước giờ để du khách được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Hợp tác xã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn cho bà con về cách giao tiếp, ứng xử, chế biến món ăn... để làm hài lòng khách. Người dân nơi đây thuần phác, đối đãi chân tình nên du khách rất rất vui vẻ..." - bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, cho hay.

Điệu bài chòi mượt mà bên sóng

Từ thuở xa xưa, người dân trong làng ngân nga điệu bài chòi, hát hố cho đời thêm vui, vơi đi mỏi mệt. Tiếng hát chân quê rộn ràng buổi tụ tập cùng nhau đan, vá lưới dưới mái nhà đơn sơ. Lời ca mượt mà lướt bay theo gió vờn quanh ruộng đồng, lướt qua núi đồi lúc chiều phai. Giọng ca ấm áp, ngập tràn yêu thương cho em thơ chìm vào giấc ngủ trên cánh võng đong đưa. Lời ca tha thiết yêu thương, nhắn nhủ những người con tha hương trở về quê cũ: "...Trở về quê cũ ai ơi/Chung tay xây dựng cho đời đẹp xinh... Quê mình bờ đá vẫn còn như xưa...". "Em tôi xa quê đã lâu và hiện đang sống ở Mỹ rất muốn về thăm nhưng đi lại khó khăn, nhất là khi có dịch COVID-19. Nó thấy cảnh làng quê và tôi cùng bà con hát bài chòi chiếu trên mạng, nhớ quá nên điện thoại về khóc quá trời. Tội lắm!..." - bà Bùi Thị Vân thổ lộ.

Ngày thơ bé, bà Vân được mẹ ru ngủ bằng làn điệu bài chòi, in sâu vào ký ức tuổi thơ với những câu hát ngọt ngào, tha thiết yêu thương. Thời thiếu nữ, bà được các cô, chú du kích truyền dạy những lời ca thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước. Bà cùng người làng nhiều lần tham gia hội thi hát bài chòi do huyện Đức Phổ (giờ là thị xã Đức Phổ) tổ chức ngày quê hương còn chìm trong khói lửa chiến tranh. Lời ca ấm áp, khích lệ lòng người, thúc giục thanh niên đứng lên cầm súng giải phóng quê hương. "Tiếng kèn kêu gọi, cả nước lặng nghe tiếng nói Bác Hồ/Đi lên bảo vệ nước nhà/Vì nền độc lập, tự do ta không lùi/Nghe tiếng nói như lời ca Tổ quốc/Giục lòng ta mau cất bước lên đường/Đã làm con của quê hương/ Ngồi nhìn đất nước đau thương sao đành?... Anh ơi giặc Mỹ xâm lăng/Non sông quằn quại cách ngăn đôi miền/Còn gì cao đẹp thiêng liêng/Bằng bao lớp trẻ thanh niên lên đường..." - "Hát tới đó là thanh niên đứng dậy giơ tay rồi bước lên ghi tên, ký vào sổ tòng quân chứ không phải gọi tên trên Đài truyền thanh rồi tới từng nhà vận động như bây giờ..." - bà Vân nhớ lại. Bà Huỳnh Thị Thương góp chuyện: "Bài chòi không chỉ khiến mọi người hăng hái mà còn làm mình bớt sợ. Khi lính Mỹ đi càn, tôi và bà con chui trốn trong hầm, khe khẽ hát bài chòi. Lúc nghe bước chân và tiếng xì xồ đến gần thì im lặng. Giờ gần ngủ, tôi vẫn hát, ghiền vậy đó! Vừa hát vừa dạy cho các cháu nhỏ...".

Giếng cổ người Chăm xây dựng vừa được trùng tu.
Giếng cổ người Chăm xây dựng vừa được trùng tu.

Nhiều bậc cao niên trong làng nhớ những mùa xuân sau khi giải phóng quê hương. Tầm tháng 9 âm lịch đến cuối tháng chạp, nhiều người tụ họp luyện tập bài chòi, hát hố... để biểu diễn văn nghệ mừng năm mới. Làng xóm rộn ràng trong đêm tối mịt mờ. Sang năm mới, mọi người dâng nén hương thơm lên bàn thờ gia tiên, sang thăm hỏi bà con láng giềng rồi cùng nhau dựng sân khấu để biểu diễn văn nghệ trên bãi biển lộng gió. Trai tráng khiêng những tấm phản gỗ dày bước trên con đường gập ghềnh, gương mặt rạng ngời niềm vui. Người lớn tuổi hồ hởi hạ cây xanh rồi dựng cột trên cát vàng. Phụ nữ cắt lá dừa, chặt nhánh ngâu xanh mướt tô điểm sàn diễn lộng lẫy cho trẻ thơ trầm trồ khen ngợi. Đêm xuân, những chiếc đèn dầu treo trên cột quanh sân khấu tỏa ánh sáng vàng xua đi tăm tối. Điệu bài chòi ngân nga hòa cùng sóng rì rầm vỗ vào bờ cát. Bao người hướng mắt về sân khấu đắm say cùng lời ca lẫn trong tiếng nhạc. Những câu hát hố với lối đối đáp dí dỏm khiến cho khán giả cười ngả nghiêng, vỗ tay cổ vũ. "Hồi đó, chúng tôi diễn đến 3 đêm liền, dân làng và người ở nơi khác đến xem rất đông. Nhiều người mong đến tối để ôm chiếu trải ra bãi biển ngồi xem, vui lắm. Tiền bà con ủng hộ trả cho chủ dàn nhạc, còn ít nhiều lo chuyện xóm làng chứ chúng tôi không lấy công gì cả..." - bà Bùi Thị Vân hồi tưởng.

Bao đời, làn điệu bài chòi vẫn ngân nga giữa ngôi làng in dấu ngàn năm bên sóng biển rì rào. Lời ca dân dã xua tan giận hờn, gắn kết tình người và làm say lòng khách lãng du.

Bài và ảnh HỮU NHÂN
TIN LIÊN QUAN

Thi sáng tác dân ca và nhạc cổ truyền về phòng chống thiên tai

Vũ Long |

Cuộc thi “Sáng tác lời mới cho làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền về phòng chống thiên tai” để tăng hiệu quả tuyên truyền trong giai đoạn mới.

Phát động thi Tài năng trẻ Diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020

Linh Chi |

Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020 sẽ do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định và các đơn vị liên quan tổ chức từ ngày 22 đến ngày 29.10 tới tại Quy Nhơn.

Hà Tĩnh phấn đấu đến 2025 thu nhập của người dân cao nhất Bắc Trung Bộ

TRẦN TUẤN |

Sáng 15.10, tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra phiên chính thức Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 19, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Linh vật xuân Canh Tý tôn vinh văn hoá phi vật thể Bài Chòi

N.T |

Với chủ đề “Gia đình nhà chuột đi Hội Bài Chòi dân gian Bình Định”, biểu tượng linh vật Xuân Canh Tý 2020 được nhiều người dân và du khách tham quan, chụp ảnh.

Tin buồn

Lao Động |

Bà Trịnh Thị Ngọc Lan (thân mẫu đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng Ban Công đoàn - Bạn đọc Báo Lao Động) sinh năm 1959, từ trần hồi 11h20 ngày 5.10.2024 (tức ngày 3 tháng 9 năm Giáp Thìn); Hưởng thọ 65 tuổi.

Chậm trễ xử lý xưởng trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý

TRUNG DU |

Thái Bình - Công tác xử lý vi phạm tại cơ sở tái chế phế liệu trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý ở huyện Vũ Thư chưa nghiêm túc.

Man United hòa Aston Villa, Erik ten Hag nguy cơ rời Old Trafford

Nhóm PV |

Tối 6.10 (giờ Việt Nam), Man United đã chia điểm Aston Villa tại vòng 7 Premier League.

Chiêu thức bán hàng có dấu hiệu nhập lậu trên mạng

Anh Tuấn |

Quản lý thị trường vừa tạm giữ lô nước hoa nghi nhập lậu, rao bán thường xuyên trên tài khoản Tiktoker Phan Thủy Tiên.