Lê Quang - người thích dấn thân vào sự khổ ải

LÊ QUANG VINH |

Có lẽ ít ai biết ''cây viết trẻ’’ Lê Quang - người vừa ra mắt cuốn tản văn ''Nước Đức từ A đến Z’’ - chính là tác giả biên dịch hơn 40 đầu sách xuất bản tại Việt Nam, từ nguyên bản tiếng Đức. Lê Quang thực sự như một sứ giả nối nhịp cầu văn hóa giữa hai đất nước với nhau.

Nước Đức qua lăng kính đa chiều

''Nước Đức từ A đến Z’’ mang màu sắc tự sự, dày 260 trang, do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành, ra mắt trong tháng 7.2021. Đây là lần đầu tiên Lê Quang xuất hiện trên văn đàn với tác phẩm dài hơi viết bằng tiếng Việt. Có một điều thú vị: 29 chủ đề trong cuốn sách dựa trên 29 chữ trong bảng chữ cái tiếng Đức, như: A - Automobil - Ô tô, B - Bier - Bia, D - Deutsch - Tiếng Đức, K - Kartoffel - Khoai tây, M - Mauer - Bức tường (Berlin)... ''Cách chơi’’ này của tác giả nhằm để bạn đọc dễ tra cứu, đồng thời nói được nhiều điều sinh động hơn về một đặc điểm, thế mạnh của nước Đức và kèm đó là những trải nghiệm của Lê Quang trong thời gian du học và làm việc trên đất Đức. Hơn thế, cuối mỗi bài viết, tác giả lại “tặng” độc giả một mẩu truyện tiếu lâm hóm hỉnh, liên quan đến chủ đề bài viết, được ông góp nhặt qua những buổi bia/trà cùng bạn bè trên đất Đức.

Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, cuốn sách này như một cuốn từ điển/sách hướng dẫn/cẩm nang cho người Việt muốn đi vào đời sống nước Đức. Nó còn là một cẩm nang văn hóa, rất hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu và sống ở nước Đức - một trong những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Còn nhà văn Thủy Hướng Dương cho rằng: “Nếu chưa biết gì về nước Đức - một quốc gia khiến cả thế giới vừa tò mò, vừa ngưỡng mộ, vừa e ngại, thì “Nước Đức từ A đến Z” sẽ giải đáp cho bạn. Qua lăng kính của gã dịch giả “lõi đời” Lê Quang, từ chuyện chủng tộc, đến chuyện sản xuất ô-tô, rồi quay qua chuyện buôn lậu, chuyện bóng đá đều được mô tả rất kỹ lưỡng với giọng điệu cực kỳ hóm hỉnh. Để rồi, rất có thể bạn sẽ xách ba lô lên và đi ngay”.

Với nhà văn Lê Minh Hà (hiện sống ở Đức), bà lại có những cảm nhận riêng: “Đọc hết ''Nước Đức từ A đến Z’’, thấy Lê Quang không có tham vọng giảng giải cho chúng ta về một quốc gia rất khác chúng ta, nhưng lịch sử lại có những tương đồng phát sợ lên được... Lê Quang đã cấp cho ta những chìa khoá nhỏ để mở nhiều cánh cửa của một thành trì, một lâu đài, hay gọi là pháo đài thì sát thực hơn nhỉ - nước Đức...”.

Những nẻo đường gian nan

Lê Quang có vẻ ngoài như một võ sư, bởi ông có vóc dáng to cao, với cái đầu trọc lốc. Còn trước đó, năm 1974, Lê Quang đến nước Đức du học ngành kiến trúc, rồi ở liền 28 năm nơi xứ người. Cứ ngỡ, đường đời thênh thang với cái vốn kiến thức nghề hái ra tiền, nhưng ông lại phải bươn trải đủ nghề. Do chăm chỉ ''nhằn’’ học tiếng Đức - ngôn ngữ khiến nhiều du học sinh nước ngoài mệt oải và theo góc nhìn của nhà văn Mark Twain là ''khủng khiếp’’, Lê Quang lại mải mê tìm đọc sách văn học Đức, vốn khi đó chưa phổ biến ở Việt Nam. Rồi ông làm thêm việc dạy tiếng Đức cho những người Việt sang xuất khẩu lao động, mở công ty về lĩnh vực bản quyền, tư vấn du học và dịch thuật và còn thi lấy chứng chỉ ''Phiên dịch tuyên thệ’’ của cơ quan chức năng bản xứ, làm phiên dịch cho các vụ kiện tụng có liên quan tới người Việt xa xứ.

Năm 2001, hồi hương, Lê Quang có một thời gian hành nghề kiến trúc, nhưng rồi lại thôi, ông chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch, chưa được bao lâu, lại bỏ, bởi: “Làm du lịch được cái thú đi nhiều nơi, nhưng vất vả. Tiền lương thì ít. Tiền “típ” ở mảng khách mình theo chẳng được 1 xu. Đành theo cách mọi người thường làm, đi tour, “lùa” khách vào các cửa hàng lưu niệm, được chủ cửa hàng “bồi dưỡng” chút đỉnh. Dần dà, chán, vì thấy cái kiểu làm ấy nó cứ hèn hèn, bèn thôi...”. Một dạo, ông góp cổ phần cùng vài người bạn lập doanh nghiệp làm xúc-xích mang tên Công ty CP thực phẩm Đức - Việt, nhưng cũng xin rút, vì tự thấy thiếu ''kiến thức thương mại’’.

Nghỉ việc, cái thú đọc sách lại ùa về với Lê Quang. Ông tìm đọc những cuốn sách văn học tiếng Đức, rồi chuyển ngữ sang tiếng Việt, lặng lẽ sống bằng nghề biên dịch và phiên dịch ở các hội nghị, sự kiện lớn. Đến nay, ông đã có hơn 40 đầu sách được xuất bản, trong đó có nhiều bản dịch nổi tiếng như: ''Người đọc’’ (Bernhard Schilink), ''Tình ơi là tình’’ (Elfriede Jelink), ''Vị hạt táo’’ (Katharina Hagena), ''Con sóng thứ bảy’’ và ''Cưỡng cơn gió bấc’’ (Dainel Glattauer) cùng những cuốn khác như ‘’Đo thế giới’’, ''Mùa hè dối trá’’, ''Phi hành gia đi vệ sinh vào đâu’’... Nhân “Những ngày văn học Châu Âu” 2017, ông tiếp tục chuyển ngữ tiếng Đức, mang đến cho độc giả Việt 2 cuốn tiểu thuyết của nhà văn Áo, Dainel Glattauer, gồm ''Ân sủng của đời’’ và ''Mãi yêu em’’.

Tác phẩm mới ''Nước Đức từ A đến Z’’. Ảnh: L.Q.V
Tác phẩm mới ''Nước Đức từ A đến Z’’. Ảnh: L.Q.V

Biên dịch - nghề cô đơn

Lê Quang là người thích tự “đày” mình bằng cái niềm yêu riêng lạ. Ông chỉ mê những cuốn sách mà nhân vật có số phận đặc biệt, trong khi thị trường sách Việt nay ngập tràn những sách ngôn tình sướt mướt, hay kiếm hiệp chí chát... Có người đã hỏi: “Hẳn việc biên dịch kiếm bộn tiền?”. Ông cười hiền: “Dịch sách là công việc cô đơn, nhưng được tự do về thời gian. Bởi nếu so sánh với nghề cần đến ngoại ngữ - như hướng dẫn viên du lịch, nhận việc là bạn phải đi, bất kể thời tiết; còn dịch sách, thích thì làm, bận rộn hay chán không thích dịch nữa thì để đó. Còn thù lao dịch ư? Thù lao cho 2 giờ dịch cabin của tôi còn cao hơn cả nhuận bút dịch cuốn ''Ân sủng của đời’’ mà tôi đã phải vật vã suốt nửa năm trời. Tôi đã lập một công ty kinh doanh ở bên Đức, trong đó có lĩnh vực bản quyền, rồi thi thoảng qua thăm hội chợ sách quốc tế. Thích tác phẩm nào, liên hệ mua bản quyền cuốn đó về dịch, rồi đem chào hàng các nhà xuất bản trong nước. Việc đó cũng tiềm ẩn rủi ro. May mà, cũng ít bị từ chối...”.

Theo dịch giả Lê Quang, hiện ở Việt Nam, mỗi đầu sách phát hành chỉ được vài nghìn bản thì việc trông chờ thu nhập từ nghề dịch gần như không tưởng. Nhưng cũng như nhiều dịch giả khác, ông vẫn “lao đầu” vào dịch sách, đặc biệt là sách văn học, bởi nó mang lại cho dịch giả những niềm vui mà không tiền bạc nào mua nổi, trong đó còn nhằm chia sẻ với người khác những cuốn sách hay, nhưng vì rào cản ngôn ngữ mà họ không thể tiếp cận được. ''Nhiều người đã hỏi, việc dịch sách, in sách văn học khổ thế, lao vào làm gì? Tôi bảo, trót yêu rồi, có khổ, thì cũng phải chịu” - dịch giả Lê Quang chia sẻ.

Sứ giả văn hóa thầm lặng

Lê Quang đã có một thời gian khá dài sống và làm việc trên đất Đức, từ trước khi ''Bức tường Berlin’’ sụp đổ, nên ông đã có nhiều trải nghiệm về đất nước và con người Đức. ''Nước Đức từ A đến Z’’ là sự tổng hòa các nguồn tư liệu tin cậy và những cảm nhận cá nhân tác giả, với cách viết rất sinh động và hài hước, đồng thời đan xen so sánh thực tế những điều tương tự ở Việt Nam, đã cho thấy một bức tranh đa chiều về nước Đức, ví như người Đức có lối sống rất ngại nhờ vả và làm phiền người khác, đồng thời dường như hơi lạnh lùng, nhưng ''tinh thần Đức’’ lại nghiêm cẩn với những tiêu chí ''đúng giờ, nghiêm túc, kỷ luật, cẩn trọng, sáng tạo’’; người Đức rất nguyên tắc với các thủ tục hành chính...

Về tính cẩn trọng của người Đức, mà đôi khi kết cục lại ''lợi bất cập hại’’, dịch giả Lê Quang đã có một tập hợp nhận xét khá thú vị: ''Người Đức nghĩ ra máy fax và MP3 - một dạng file nén dữ liệu, song sau đó không tìm ra nhà đầu tư nào trong nước dám chi, rốt cuộc để người Nhật kiếm bộn tiền. Khi nước Mỹ đã thử nghiệm thành công cả chục năm trời với đậu nành biến đổi gen, quốc hội Đức vẫn chưa đọc xong bản giám định về rủi ro của loại thực phẩm đó. Tàu cao tốc Transrapid chạy trên đệm từ do người Đức phát minh, nhưng đợi mãi không được phép xây vài chục cây số đường ray chạy thử. Bằng sáng chế được bán sang Trung Quốc. Tuần trước có tin Trung Quốc chạy thử tàu Transrapid mang tên Shanghai Maglev Train với vận tốc tối đa 600km/h, vượt mặt cả Shinkansen huyền thoại của Nhật’’.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục học tại ĐHTH Postdam - CHLB Đức, nguyên giảng viên cao cấp ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội, hiện là GĐ Công ty Nhịp cầu Đức CTC): “Hằng năm, rất nhiều người Việt vẫn chọn nước Đức là đích đến để học đại học hay học nghề. Nhưng trong hành trang của họ vẫn hơi thiếu một chút hiểu biết về nơi mình sẽ gắn bó cuộc đời nhiều năm tháng dài của tuổi trẻ. Các trải nghiệm và bình chú rất cá nhân của tác giả Lê Quang sau ngót ba mươi năm ở Đức chắc chắn sẽ dắt tay bạn đi vài bước vững chắc đến phía xứ sở gần mà xa, tưởng như ngày nào cũng đọc thấy trên báo mà té ra khó hiểu, nghe chừng khô khan mà rất đằm thắm tình người”.

Dịch giả Lê Quang chia sẻ: ''Nếu được hỏi vì sao tôi có cảm tình với nước Đức hay ít nhất cũng nhọc công viết ra mấy dòng về nước Đức, tôi muốn bắt chước một câu trả lời của Noam Chomsky - một triết gia Hoa Kỳ kiệt xuất: ''Tôi không yêu đất nước, tôi cho rằng người ta nên yêu con người chứ không nên yêu đất nước’’. Cứ lặng lẽ như thế, dịch giả Lê Quang đã góp phần vào việc nối nhịp cầu giao lưu văn hóa giữa nước Đức và các quốc gia sử dụng ngôn ngữ Đức với bạn đọc Việt Nam.

LÊ QUANG VINH
TIN LIÊN QUAN

Các câu chuyện rơi nước mắt đằng sau hành trình chống dịch của nghệ sĩ Việt

ĐÔNG DU |

Cùng với các mạnh thường quân, các chiến sĩ tình nguyện, các nghệ sĩ Việt như Quyền Linh, H'Hen Niê, Đại Nghĩa... nỗ lực hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát lần 4. Đằng sau những việc làm đáng trân trọng, họ còn có những câu chuyện xúc động, nghẹn ngào.

Hoàng Thùy Linh và dấu ấn của các nữ nghệ sĩ trong dòng chảy nhạc Việt

THU HƯƠNG |

Từ tháng 4 đến nay, Bích Phương, Hoàng Thùy Linh, Suboi là những nữ nghệ sĩ của Việt Nam lần lượt có hình ảnh được tôn vinh tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ. Ba giọng ca với cá tính âm nhạc khác biệt, chứng tỏ thực lực và tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ nữ trong thị trường nhạc Việt.

Cát Tường tranh luận chuyện "nghệ sĩ có bắt buộc làm từ thiện"

ĐÔNG DU |

MC "Bạn muốn hẹn hò" Cát Tường lên tiếng về việc nhiều người cho rằng cô và một số nghệ sĩ không đi làm từ thiện mà quanh quẩn với những công việc... không ra gì.

Nghệ sĩ có thể theo đuổi nhiều phong cách, nhưng đừng đánh mất bản sắc

Việt Văn (thực hiện) |

Hiện tượng tác phẩm cực thực “Mona Lisa Smile” của họa sĩ Leng Jun (Trung Quốc) gây xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều khi được bán ở Trung Quốc với giá tính ra tiền Việt là khoảng 300 tỉ đồng. Leng Jun vẽ theo trường phái cực thực (Hyperrealism) - trường phái xuất hiện từ những năm 1960 với nhiều hoạ sĩ nổi tiếng như Marilyn Minter, Alyssa Monks, David Kassan... Một cuộc trò chuyện với họa sĩ Mai Đại Lưu về sự kiện này.

Đôi chân không biết mệt mỏi của nghệ sĩ Quyền Linh

Ngọc Dủ |

Hơn 20 năm với các chuyến hoạt động xã hội, Quyền Linh trở thành một nghệ sĩ trong lòng công chúng nhưng anh chỉ dám nhận mình là một nông dân, một người không biết mệt mỏi khi “ở đâu có người nghèo, ở đó có Quyền Linh”.

Đánh thuế bất động sản phải nghiên cứu kỹ, đừng xa rời thực tế

Trang Hà |

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, cần rất thận trọng trong việc lựa chọn lộ trình đánh thuế bất động sản (BĐS).

Nữ doanh nhân chuyên hối lộ trong vụ án chuyến bay giải cứu

Việt Dũng |

Trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, mặc dù không bị đề nghị truy tố, song sai phạm của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng tiếp tục được đề cập.

Kỷ luật một số cán bộ vi phạm ở Phú Yên

Hoài Luân |

Phú Yên - Ngày 7.10, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên đã có thông báo kết quả kỳ họp lần thứ 25 của UBKT Tỉnh ủy (khóa XVII).