Tại Việt Nam, gần đây nhiều người kỳ vọng vào việc quét mã QR để có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tránh không mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Thế nhưng, tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa đến nay chưa được cơ quan chức năng chuẩn hóa về nội dung và hình thức, dẫn tới mỗi đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất làm mỗi kiểu, thông tin truy xuất chưa đầy đủ, gây hoài nghi cho người tiêu dùng... Từ thực tế đó, đòi hỏi sớm có quy định chuẩn hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa, cũng như các giải pháp công nghệ đáp ứng các tiêu chuẩn về truy xuất hàng hóa.
Mã QR vẫn còn sai lệch về thông tin gốc
Theo Trung tâm Mã số mã vạch (MSMV) Quốc gia - Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN), hiện nhiều người dân không hiểu phải truy xuất nguồn gốc như thế nào là đúng, mà chỉ hiểu chung chung rằng truy xuất nguồn gốc là một sản phẩm có mã QR. Theo thống kê, hiện có khoảng 95% số sản phẩm đang được bày bán ở các siêu thị cũng như các cửa hàng được gắn mã QR và được quảng bá đó là truy xuất nguồn gốc. Nhưng thực tế như vậy mới chỉ là truy xuất thông tin, không phải là truy xuất nguồn gốc, vì thông tin đơn giản, ít ỏi, chỉ có nơi sản xuất, công dụng của sản phẩm, do đó người tiêu dùng sẽ không phân biệt được sản phẩm đó là thật hay giả. Thậm chí, có những sản phẩm có dán tem truy xuất, nhưng khi truy xuất thì không có thông tin gì hiện lên.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị hiện đang cung cấp giải pháp truy xuất, nhưng mỗi đơn vị có một hướng khác nhau, chưa có quy định rõ ràng thống nhất về truy xuất nguồn gốc. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp sử dụng mã QR để cung cấp thông tin về sản phẩm và gọi đó là tem truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên hoạt động truy xuất thông qua tem truy xuất này chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức. Tem truy xuất mới chỉ sử dụng được hệ thống mã nội bộ, chưa đáp ứng đúng yêu cầu truy xuất, như: Chưa kết nối được với các cơ quan quản lý, không có khả năng mở để các bên tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc này có thể tham gia vào các hệ thống truy xuất nguồn gốc khác, không kết nối được với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của các nước khác trên thế giới.
Theo Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia - ông Bùi Bá Chính, sản phẩm, phần lớn các hàng hóa bày bán trong siêu thị đều có mã vạch, mã 1 chiều theo tiêu chuẩn GS1. Các mã vạch dùng để định danh đơn nhất sản phẩm trên thị trường, nhằm hỗ trợ siêu thị thanh toán, kiểm kê hàng hóa... Đối với người dân, khi quét mã vạch bằng phần mềm “Scan and check” cũng ra được các thông tin chung về sản phẩm. Các thông tin này có thể do doanh nghiệp tự kê khai hoặc được xác thực bởi Trung tâm MSMV Quốc gia nếu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ xác thực thông tin.
Tuy nhiên, việc này chỉ được coi là truy xuất thông tin sản phẩm. Khác với mã vạch 1 chiều kể trên, mã QR hiện nay được nhiều doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất sử dụng in trên sản phẩm thường mã hoá 1 đường link dẫn đến một website chứa đựng thông tin về sản phẩm. Tuy khác nhau về hình thức, nhưng về cơ bản các mã QR trên cũng chỉ là truy xuất thông tin do doanh nghiệp tự kê khai, chưa thể coi là truy xuất nguồn gốc.
Cũng theo ông Bùi Bá Chính, một sản phẩm được xem là truy xuất được nguồn gốc thông qua một loại tem điện tử có chứa mã xác thực dưới dạng mã QR Code là khi sử dụng phần mềm hoặc ứng dụng check quét mã QR, mọi thông tin về sản phẩm như: Toàn bộ quá trình sản xuất từ mua vật tư, theo dõi quá trình chăm sóc, phun thuốc, bón phân, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển đều được ghi nhật ký điện tử cũng như lưu ý khi sử dụng sản phẩm hoặc thông tin liên quan đến sản phẩm sẽ hiện ra. Nhờ vào việc truy xuất này mà người tiêu dùng có thể nắm rõ được những thông tin cần thiết về sản phẩm trước khi chọn mua.
Trước thông tin cho rằng, có tới 95% sản phẩm đang được bày bán ở các siêu thị cũng như các cửa hàng được gắn mã QR và được quảng bá đó là truy xuất nguồn gốc. Nhưng trên thực tế, chỉ là truy xuất thông tin, không phải truy xuất nguồn gốc. Đây có phải một chiêu né bài, một sự “mập mờ” của doanh nghiệp. Vị Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm MSMV cho hay, chưa có thống kê cụ thể để xác định con số 95%, tuy nhiên, thực tế thì hầu hết các mã QR hiện có trên thị trường chỉ cung cấp các thông tin chung về sản phẩm. Một số mã QR còn không thể quét ra thông tin, hoặc quét ra thông tin sai lệch, như gắn trên sản phẩm A nhưng ra thông tin sản phẩm B. Ngoài ra, các mã này còn chưa được thống nhất về cách thức gắn, vị trí, kích thước, màu sắc... Ông Bùi Bá Chính cho rằng, việc truy xuất nguồn gốc hiện tại mới chỉ là khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng, thế nên người tiêu dùng cần có sự sáng suốt khi lựa chọn những sản phẩm hàng hóa không rõ ràng về nguồn gốc.
Tránh tình trạng dán tem đối phó
Trước thực trạng trên, trung tâm MSMV Quốc gia đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng dự thảo Thông tư về nhãn điện tử để đưa ra một quy định thống nhất về các loại tem, nhãn sư dụng mã vạch nói chung và mã QR nói riêng để các doanh nghiệp có thể tuân thủ, tránh tình trạng mập mờ hiện nay.
“Đúng là có việc một số ít doanh nghiệp gán tem truy xuất nguồn gốc nguồn gốc lên sản phẩm mang tính đối phó”, lãnh đạo Trung tâm MSMV thừa nhận. Song, khi tiếp xúc với các doanh nghiệp, trung tâm nhận thấy đa số các doanh nghiệp mong muốn có một hệ thống truy xuất nguồn gốc phù hợp tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu truy xuất của người tiêu dùng, yêu cầu của thị trường cũng như mong muốn minh bạch quá trình hình thành sản phẩm nhằm nâng cao giá trị thương hiệu. Song song với nhu cầu của doanh nghiệp thì xuất hiện hàng loạt các đơn vị giải pháp về truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, các giải pháp này đều mang tính độc lập, không có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau, các dữ liệu mang tính tự kê khai, không có sự giám sát của cơ quan quản lý.
Trước thực trạng đó, với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100) với phần lõi là Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia nhằm lưu trữ các thông tin kê khai, kết nối các dữ liệu rời rạc trong chuỗi, quản lý, giám sát việc thực hiện truy xuất.
Theo kế hoạch, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động vào Quý IV năm nay, khi cổng quốc gia đi vào vận hành, các quy định pháp lý về truy xuất nguồn gốc hoàn thiện, người tiêu dùng có thể quét mã trên sản phẩm để truy xuất sản phẩm đó từ những khâu đầu tiên trong chuỗi cung ứng, quá trình hình thành cho đến các thông tin sau bán hàng.
Được biết, năm 2020 Trung tâm MSMV Quốc gia đã cấp gần 8.000 mã doanh nghiệp, 4 tháng đầu năm 2021 cấp 1.990 mã doanh nghiệp. Trung tâm không "cấp mã truy xuất nguồn gốc". Doanh nghiệp nào có "nhu cầu sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc" thì thực hiện hoạt động đăng ký tài khoản trên hệ thống trace.gov.vn. Hệ thống này cho phép doanh nghiệp chủ động kê khai thông tin và kích hoạt tem truy xuất. Doanh nghiệp cũng tự chịu trách nhiệm về thông tin kê khai truy xuất nguồn gốc.
Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN) - ông Trần Văn Vinh cho biết, truy xuất nguồn gốc thông qua việc áp dụng các công nghệ tiên tiến sẽ giúp minh bạch thông tin về sản phẩm hàng hóa, thuận lợi cho công tác quản lý, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho công tác chống gian lận thương mại, truy cập thông tin nhanh chóng và chính xác. Nếu phát hiện điểm không hợp lý chẳng những có thể chủ động cải tiến, khắc phục, tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá, mà quan trọng hơn còn giúp cho doanh nghiệp tiến thêm một bước trong việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của sản phẩm Việt Nam.