Ngẫm nghĩ trước cánh cổng sắt cũ kỹ

Nguyễn Năng Lực |

Mùa thu năm nay có kỷ niệm Ngày sinh của người đã chỉ huy cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Thủ đô - Đại tướng Nguyễn Quyết. Ông sinh ngày 20 tháng Tám năm 1922. Năm nay, ông vào tuổi 100.

1. Nhớ lần đầu đi cùng bà Thái Tiên đến mừng Sinh nhật ông 93 tuổi. Bà Thái Tiên là vợ ông Phạm Thái Hy, Đội phó Đội Thanh niên Tuyên truyền Xung phong Thành Hoàng Diệu, bạn chiến đấu của Đại tướng trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sục sôi ở Hà Nội. Hôm ấy, đứng trước cánh cổng "tư dinh" Đại tướng, tôi cứ bần thần cả người. Cánh cổng khung sắt lập là, bịt tôn sơn chống rỉ, chỉ rộng đủ cho người dắt xe máy đi qua. Đằng sau cánh cổng là khoảng sân rộng chừng ba chục mét vuông lát gạch đỏ, đi dăm bước qua sân là đến bậc thềm dẫn lên phòng khách, bày vừa đủ bộ bàn ghế gỗ phong cách Đông Kỵ giả cổ ở tầng trệt ngôi nhà ba tầng một tum lợp tôn. Ngôi nhà cũ kỹ, tường vôi có chỗ bong tróc. Bần thần, ngỡ ngàng, cứ tưởng “tư dinh” Đại tướng chả lầu son gác tía cũng phải oai nghiêm trướng hùm với sư tử, nghê đá, đằng này nhà ông chả hơn gì nhà mấy viên sĩ quan cấp tá cùng khu tập thể Quân đội, lại càng thua kém xa biệt phủ, lâu đài của mấy quan huyện quan tỉnh thời nay... Sau chuyến đến thăm đầu tiên ấy, tôi viết bài đăng báo. Đem báo biếu ông, ông vui lắm, bảo: Tôi vốn không thích tiếp xúc với báo chí, nhưng nay gặp đồng chí, tôi đã thay đổi quan niệm. Một ông lão ngoại cửu tuần mà còn tự sửa đổi như thế, phải là một trí tuệ mẫn tiệp thế nào chứ. Từ đó, thỉnh thoảng tôi viết bài về ông, đăng Lao Động cuối tuần, Hà Nội Mới, Thế giới trong ta.

Từ bấy đến nay, ngót chục năm, năm nào tôi cũng có dịp được đến thăm, trò chuyện cùng ông vài ba bận. Năm nào tôi cũng đi qua cái cổng nhỏ ấy, vào cái phòng khách chật chội ấy, có lần được mời lên phòng riêng của ông trên gác hai. Ngần ấy năm, cái cổng vẫn cũ kỹ, căn nhà vẫn cũ kỹ, những vết ố trên tường ngày càng đậm hơn, hình như càng loang rộng hơn. Sự tương phản giữa điều kiện sống quá đỗi bình dị và công trạng lớn lao của ông với đất nước, với chế độ ta khiến tôi không khỏi nghĩ ngợi.

Cái cổng sắt cũ kỹ ấy, căn nhà bình dị ấy nói lên điều gì? Chủ nhân của căn nhà ấy bây giờ đã đến tuổi tròn trăm, đã nhiều năm qua chỉ quanh quẩn trong cái khuôn viên ấy, vì tuổi tác, vì bệnh khớp đau chân. Có lẽ mỗi năm, ông chỉ đi qua cánh cổng ấy vài lần, vào dịp lễ trọng, được Ban tổ chức các kỳ cuộc cấp quốc gia, thảng hoặc có cuộc hội thảo khoa học, tọa đàm về Cách mạng Tháng Tám ông được mời như khách danh dự.

Cánh cổng “tư dinh” Đại tướng. Ảnh: Năng Lực
Cánh cổng “tư dinh” Đại tướng. Ảnh: Năng Lực

2. Chủ nhân của ngôi nhà, 84 năm trước là cậu bé nhà quê, vừa học hết tiểu học đã bỏ làng lên Hà Nội kiếm sống và tìm đường làm cách mạng cứu nước, cứu nhà. 17 tuổi, ông được Đảng cử về gây dựng phong trào phản đế ở Nam Hưng Yên, 18 tuổi được kết nạp vào đội ngũ tiên phong của dân tộc. Và năm 1945, mới 23 tuổi, ông đã là Bí thư Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám vĩ đại ở Thủ đô, góp phần đưa dân tộc bước sang một chặng đường lịch sử mới. Ông là Bí thư đời thứ 18 của Đảng bộ Hà Nội, 17 Bí thư trước ông, hoặc bị vỡ cơ sở phải rút lui, hoặc bị địch khủng bố, người bị bắt, người bị xử bắn, có lúc cách mạng đi vào thoái trào, âm ỉ để rồi bùng lên thành bão táp vào Mùa thu ấy.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, chủ nhân ngôi nhà ấy đã lên đường Nam tiến, cùng nhân dân Liên khu V đập tan cuộc hành quân Atlante của Pháp, chia lửa với Chiến trường Điện Biên Phủ...

Chủ nhân của ngôi nhà ấy, năm 1972 khi là chính ủy Quân khu Ba đã tổ chức cho nhân dân Hải Phòng sơ tán triệt để trước khi B-52 Mỹ trút bom hủy diệt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Người đàn ông sống sau cánh cổng sắt cũ kỹ ấy 45 năm trước đã phát động phong trào "Vươn ra Biển Đông, làm giàu, đánh thắng". Trong 10 năm (1976-1985), dưới sự lãnh đạo của ông và Bộ Tư lệnh, quân dân Quân khu Ba đã lấn biển được 55.468ha, đắp con đường ra bán đảo Đình Vũ, đường xuyên đảo Cát Hải, Cát Bà, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế huyện đảo, tăng cường khả năng quốc phòng tại địa bàn trọng yếu. Ông cũng là người sớm đề xuất chủ trương phát triển kinh tế hộ gia đình, "cởi trói" cho lực lượng sản xuất, đưa nền kinh tế đất nước tiến lên, đạt được những thành tựu vượt bậc.

Ông lão 100 tuổi sau cánh cổng sắt hoen rỉ ấy, năm 1989 đã thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu trên diễn đàn Hội nghị Bí thư các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước Xã hội chủ nghĩa về công tác tổ chức xây dựng Đảng tại La Havana, Thủ đô nước Cộng hòa Cuba trong hai ngày 6, 7.6.1989, nêu bật 6 nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo công cuộc Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định sự cần thiết tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính vô sản. Ông vạch rõ nguy cơ "thù trong" có thể dẫn đến tình trạng tự suy thoái trong Đảng Cộng sản và nguy cơ tan rã của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Đúng như cảnh báo, hai năm sau, ngày 26.12.1991, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) chấm dứt tồn tại, Quốc kỳ Liên Xô trên Điện Kremli bị hạ xuống. Hệ thống các nước XHCN Đông Âu cũng lần lượt sụp đổ.

Giới văn nghệ sĩ còn nhớ chuyện năm 1989, khi là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã cho diễn vở "Lời thề thứ chín" của Lưu Quang Vũ, người di tiên phong trong trào lưu Đổi mới sân khấu nói riêng và văn nghệ nói chung.

3. Nhiều lần trò chuyện cùng ông trong căn phòng nhỏ trên gác hai, chứng kiến căn phòng đơn sơ chỉ có hai chiếc giường đơn, một cho ông lão, một cho cậu chiến sĩ cần vụ trẻ, và một bàn làm việc rộng, trên bàn và trên tường đầy sách vở, tài liệu, không khỏi kính phục, thương ông. Với một trí tuệ mẫn tiệp, lần nào ông cũng nói chuyện một cách khúc triết về những đề tài mà ông đã đúc kết cả cuộc đời hoạt động của mình. Lạ một điều, ông cập nhật cả những thông tin mới nhất về tình hình thời sự trong nước và quốc tế, từ bầu cử ở nước Mỹ đến chuyện lò đốt tham nhũng hiện nay. Không một lần nào ông nói đến chuyện không hài lòng về hoàn cảnh riêng của mình. Đại tá Phạm Xuân Bình, Trợ lý riêng của ông ngày nào cũng quấn quít bên ông như cha con. Anh cho hay, mấy năm trước đã có lần đề nghị Tổng cục Chính trị sửa nhà cho ông, nhưng "chưa có kinh phí".

Nói chuyện đời sống thường nhật của vị "khai quốc công thần", người đã góp phần quan trọng khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để thấy rằng, thế hệ các vị tiền bối đã sống, hoạt động, cống hiến trong sáng vô cùng.

Trước cánh cổng sắt đơn sơ của "tư dinh" Đại tướng, càng khâm phục, kính trọng các cụ bao nhiêu, càng căm giận lũ quan tham len lỏi trong bộ máy lãnh đạo các cấp hiện nay. Cũng mừng là quyết tâm chống tham nhũng, lò đốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị, BCH Trung ương hiện nay vẫn rừng rực cháy, thỏa tâm nguyện của toàn Đảng, toàn Dân.

Đầu tháng, tôi gọi điện cho Đại tá Phạm Xuân Bình, Trợ lý của Đại tướng, hỏi thăm sức khỏe ông cụ. Vẫn giọng hồ hởi, anh Bình bảo: Ông đi viện rồi. “Chết nỗi, sao mà phải vào viện, Việt Xô hay 108?”. Ông vào 108, mấy hôm vừa rồi lại đau chân. “Có nghiêm trọng không?”. Không, ông vẫn đau khớp, anh biết rồi đấy. Anh Bình cho biết, Thành ủy Hà Nội đã quyết định sửa sang nhà cửa, lắp thang máy cho vị nguyên Bí thư của 76 năm trước, vật liệu đang ngổn ngang thì vướng dịch COVID-19. Quyết tâm của Thành ủy là hoàn thành trước ngày 10.10, để đền đáp công lao của bậc đại lão thành Cách mạng.

Cũng là một tin vui!

Đại tướng Nguyễn Quyết tên thật là Nguyễn Tiến Văn, sinh ngày  20.8.1922 tại thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông là con út trong một gia đình 10 anh em.

Năm 1945, ông là Bí thư Thành ủy, Ủy viên Quân sự Ủy ban Khởi nghĩa, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội.

Ông đã trải qua các cương vị lãnh đạo Mặt trận Quảng Đà, Liên khu V, Quân khu Ba, Học viện Quân sự.

Từ năm 1987 đến năm 1991, ông liên tục là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, V, VI; Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VI; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Ông là đại biểu Quốc hội khoá IV, V, VI, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khoá VI.

Đại tướng Nguyễn Quyết được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng, Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta.

Ông nghỉ hưu từ năm 1992.

Nguyễn Năng Lực
TIN LIÊN QUAN

Miền Trung kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thái Bình |

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phối hợp với Tỉnh Quảng Bình phát động, tổ chức cuộc thi nhằm kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8.1911-25.8.2021).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng

LÊ PHI LONG |

Sáng 25.8, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ và Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức trực tuyến Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - Một tài năng quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Cách mạng Việt Nam”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trái tim Điện Biên

VĂN THÀNH CHƯƠNG |

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một huyền thoại, là niềm tự hào là của quân và dân Việt Nam. Còn trong trái tim của mỗi người Điện Biên, huyền thoại ấy lại giống như người thân trong mỗi gia đình.

Xúc động nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ca khúc "Người về hôm nay"

Hải Minh |

Bài hát "Người về hôm nay" do PGS.TS Nguyễn Lân Trung sáng tác nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25.8.1911-25.8.2021) khiến nhiều người thổn thức.

Có một Đại tướng - Nhà báo Võ Nguyên Giáp

Minh Bằng (Theo các tư liệu và lịch sử Báo Lao Động) |

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được biết đến trong vai trò là một nhà quân sự tài ba, nhưng Đại tướng còn là một nhà báo tiên phong trước Cách mạng Tháng Tám. Với Báo Lao Động, Đại tướng cũng đã giành nhiều tình cảm yêu mến.

Đánh thuế bất động sản phải nghiên cứu kỹ, đừng xa rời thực tế

Trang Hà |

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, cần rất thận trọng trong việc lựa chọn lộ trình đánh thuế bất động sản (BĐS).

Nữ doanh nhân chuyên hối lộ trong vụ án chuyến bay giải cứu

Việt Dũng |

Trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2, mặc dù không bị đề nghị truy tố, song sai phạm của bà Nguyễn Thị Thanh Hằng tiếp tục được đề cập.

Kỷ luật một số cán bộ vi phạm ở Phú Yên

Hoài Luân |

Phú Yên - Ngày 7.10, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phú Yên đã có thông báo kết quả kỳ họp lần thứ 25 của UBKT Tỉnh ủy (khóa XVII).