NHÀ NGOẠI GIAO VÕ VĂN SUNG:

Người góp phần làm nên những bước ngoặt của Cách mạng Việt Nam

Nguyễn Năng Lực |

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Nhà ngoại giao Võ Văn Sung đã để lại nhiều dấu ấn cho sự phát triển của nền Ngoại giao cách mạng, tham gia và góp phần tạo nên những bước ngoặt khi vận mệnh đất nước trong thế "ngàn cân treo sợi tóc". Ông được coi là một trong những kiến trúc sư chính kiến tạo và phát triển mối quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam, từng gắn bó phần lớn cuộc đời sự nghiệp của mình với địa bàn Paris, Tây Bắc Âu và Nhật Bản.

1. Đại sứ Võ Văn Sung là một trong số ít những người có may mắn được đi suốt những cuộc "đụng đầu lịch sử” giữa nền ngoại giao Việt Nam non trẻ với nền ngoại giao lão luyện của Mỹ ngay trên đất Paris - một trong những trung tâm văn minh lớn của phương Tây. Năm 1960, ông là Tổng đại diện Việt Nam tại Pháp. Ông đã có đóng góp quan trọng vào công cuộc thống nhất đất nước, là người đã đề xuất lấy Thủ đô Paris của nước Pháp làm nơi diễn ra cuộc đàm phán hòa bình với Mỹ. Ông là người tham gia trực tiếp vào cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam tại Hội nghị Paris, sau đó là giai đoạn đấu tranh thi hành Hiệp định. Ông là một trong năm thành viên của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) tại Lễ ký kết Hiệp định Paris ngày 27.1.1973. Trong suốt quá trình đàm phán, ông đã tham dự những cuộc hội đàm bí mật giữa Trưởng phái đoàn Việt Nam là ông Lê Đức Thọ với Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từ năm 1971-1973 để cuối cùng đi đến một Hiệp định được cả 4 bên chấp nhận ký kết, mà nội dung quan trọng nhất, như Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nhấn mạnh, "Mỹ phải ra, còn quân ta thì ở lại". Từ đó, cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân ta bước sang giai đoạn mới: Đấu tranh buộc Chính quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris, để đến ngày 30.4.1975 đã thắng lợi hoàn toàn, non sông thu về một mối, cả nước bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội với vị thế mới trên trường quốc tế.

Tháng 1.1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra đồng loạt trên khắp miền Nam, khiến dư luận thế giới chấn động dữ dội, chính giới Mỹ bàng hoàng, Nhà Trắng và Lầu Năm góc rung chuyển. Nhà sử học Mỹ Gabriel Kolko đánh giá: “Cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968 là sự kiện quan trọng nhất và phức tạp nhất của chiến tranh Việt Nam, đã gây ra cuộc khủng hoảng xã hội, nội bộ sâu sắc và một sự phân hóa về chính trị trong lòng nước Mỹ” (“Giải phẫu một cuộc chiến tranh” - New York, 1985).

Tướng Maxwell Taylor - cựu Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Johnson thừa nhận: “Chỉ trong hai ngày, quân địch (Quân giải phóng) đã tiến vào 5 đô thị lớn, 39 tỉnh lỵ và nhiều thành phố. Những trận tiến công của họ được báo chí Mỹ tường thuật với những hàng tít lớn, được chiếu trên các màn ảnh vô tuyến truyền hình đã làm cho phần lớn dân chúng Mỹ và một số quan chức kinh hoàng, mãi mãi không bao giờ có thể hoàn hồn” (Hồi ký “Thanh gươm và lưỡi cày” - New York, 1972).

Tướng Westmoreland - nguyên Tư lệnh Bộ Chỉ huy quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam nhận xét một cách bi quan: “Chiến tranh đã trở thành một vấn đề chính trị với triển vọng quân địch (Quân giải phóng) có thể thắng ở Wasington như họ đã thắng ở Geneva 1954. Ý chí của các chính khách Mỹ đang suy giảm” (“Một quân nhân tường trình” - New York, 1976).

Tổng thống Johnson tỏ ra bi quan, dao động. Trong hai ngày 25 và 26.3.1968, ông ta đã triệu tập một cuộc họp với những yếu nhân trong Chính phủ Mỹ, và cuối cùng đã quyết định rời khỏi sân khấu chính trị với hy vọng "thống nhất lại một quốc gia đang bị chia rẽ ngay trong những người thân cận nhất”. Sau đó, Nixon gặp Nguyễn Văn Thiệu tại đảo Nitway để bàn về việc Mỹ sẽ rút quân khỏi Việt Nam. Cuộc gặp cho thấy tình hình rối như tơ vò mà chiến tranh Việt Nam đã dìm xã hội nước Mỹ vào.

Và Chính phủ Hoa Kỳ buộc phải chấp nhận đàm phán về chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Một vấn đề quan trọng là cuộc đàm phán sẽ diễn ra ở đâu? Ở Geneva Thụy Sĩ như Hội nghị về chấm dứt chiến tranh Đông Dương năm 1954? Hay ở một quốc gia trung lập nào khác. Mỹ đề nghị Vientiane, Tokyo, sau đó là Bangkok... Việt Nam thì chọn Phnompenh, Warsaw... nhưng không thống nhất được với nhau. Cuối cùng, theo đề nghị của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung, chúng ta đề xuất Paris và Mỹ đã chấp thuận. Paris có vị trí đặc biệt, là trung tâm về chính trị, văn hóa, kinh tế của phương Tây. Khi ta chọn Paris, Chính phủ Pháp rất hoan nghênh, hứa sẽ tạo mọi điều kiện để Hội nghị diễn ra tốt đẹp, đặc biệt là bảo đảm an ninh cho các đoàn.

2. Theo Đại sứ Võ Văn Sung, Paris là địa điểm có môi trường đàm phán, đấu tranh dư luận, tranh thủ quốc tế vào loại tốt nhất cho hai đoàn đàm phán của ta. Chúng ta có sự giúp đỡ chí tình của Đảng Cộng sản Pháp (PCF) - một lực lượng chính trị rất mạnh ở Pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người sáng lập. PCF có vai trò tích cực trong việc tập hợp các lực lượng chính trị và nhân dân Pháp ủng hộ các cuộc kháng chiến của ta và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. PCF đã dành cho chúng ta sự giúp đỡ vô điều kiện, sự ủng hộ của tình đồng chí, tình anh em. Ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở phố Kleber, nằm cách Khải Hoàn Môn vài trăm thước, được dành làm nơi họp, PCF còn nhường hẳn trường Đảng (nằm ở quận “đỏ”, cực kỳ an toàn) cho đoàn đàm phán VNDCCH.

Chúng ta có sự hậu thuẫn của Hội Việt kiều yêu nước tại Paris. Đây là một tổ chức rất mạnh từ thời Nguyễn Ái Quốc. Việt kiều yêu nước đã ủng hộ không chỉ tinh thần mà cả vật chất cho hai đoàn, từ cung cấp người phiên dịch, lái xe, bác sĩ, đến hỗ trợ tổ chức họp báo, tuyên truyền... Họ đồng thời cũng trở thành những “vệ tinh” tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quan điểm của phái đoàn ta, những thông tin về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Trong thời gian chuẩn bị Hội nghị Paris, Bộ Chính trị thành lập Nhóm Thường trực gồm các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị. Ông Võ Văn Sung được giao là Tổ trưởng "Tổ Bước đi", giúp việc Nhóm Thường trực. Tổ Bước đi có nhiệm vụ nghiên cứu lộ trình đàm phán, thực chất là gắn "bước đi" đàm phán với "bước đi" quân sự, chọn thời điểm để đưa ra sáng kiến "tấn công ngoại giao" căn cứ vào thắng lợi của ta trên chiến trường, tình hình nội bộ Mỹ và khó khăn của Mỹ cũng như thuận lợi đột xuất của ta trong quan hệ quốc tế... Đây thực chất là phương châm "vừa đánh vừa đàm', "tìm cách làm cho Mỹ đàm phán theo cách của ta và có lợi cho ta" có một không hai trong lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới. Phương châm chiến lược "vừa đánh vừa đàm" nhằm mục tiêu cuối cùng: Mỹ phải ra khỏi nước ta, chế độ Sài Gòn do Mỹ dựng lên phải sụp đổ, đất nước Việt Nam phải thống nhất.

3. Ngày 13.5.1968, Hội nghị Paris khai mạc, với sự hiện diện của hai đoàn đại biểu. Đoàn Chính phủ VNDCCH do Bộ trưởng Xuân Thủy làm Trưởng đoàn, Cố vấn Lê Đức Thọ. Đoàn Hoa Kỳ do Trưởng đoàn William Averell Harriman và Cố vấn Henry Kissinger. Ngày 25.1.1969, Hội nghị có thêm đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn, và đoàn Chính phủ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) do Ngoại trưởng Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn, Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ làm cố vấn.

Trải qua hơn 5 năm đấu tranh gay go với nhiều cuộc họp chính thức và những cuộc tiếp xúc bí mật giữa hai Cố vấn Lê Đức Thọ và Henry Kissinger mà Đại sứ Võ Văn Sung đều có mặt tham dự, ngày 27.1.1973, bốn Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh (VNDCCH), Nguyễn Thị Bình (CPCMLTCHMNVN), William Roger (Hoa Kỳ) và Trần Văn Lắm (VNCH) đã đặt bút ký Hiệp định Paris về "Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" với nhiều điều khoản có lợi cho cách mạng Việt Nam. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để 823 ngày sau, ngày 30.4.1975, Đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau khi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam thành công, đất nước Việt Nam thống nhất, bè lũ Kh'mer Đỏ đã mở cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, tàn sát Việt kiều ở Campuchia, vượt qua biên giới giết hại nhân dân Việt Nam. Trong nước, chúng thi hành chính sách diệt chủng tàn bạo, giết chết hơn 3 triệu người, biến đất nước Campuchia thành địa ngục trần gian. Đáp lại lời kêu gọi của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân đội Việt Nam tiến quân vào Campuchia, đánh bại bè lũ Polpot, giải phóng Phnompenh, cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng. Ngay sau đó, một số nước phương Tây và Mỹ đã vu cáo "Việt Nam xâm lược", thi hành chính sách bao vây cấm vận đối với Việt Nam, khiến đất nước gặp muôn vàn khó khăn sau hơn 30 năm chiến tranh tàn phá. Chính sách cấm vận cộng với sự yếu kém của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp đẩy đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Sản xuất đình đốn, lạm phát phi mã (774,7% năm 1986). Đời sống nhân dân hết sức khó khăn.

Trên cơ sở phân tích một cách khoa học tình hình thế giới với thái độ nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội VI của Đảng (tháng 12.1986) đã phân tích một cách khách quan những sai lầm, khuyết điểm và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng và đi đến quyết định lịch sử là tiến hành đổi mới đất nước một cách toàn diện, trước hết là đổi mới về kinh tế. Ngành Ngoại giao đã tích cực tham gia vào công cuộc Đổi mới, đi tiên phong phá bỏ thế bao vây, cấm vận của Phương Tây. Với tư cách là người kiến tạo việc nối lại quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản từ năm 1973, nhờ kết quả vận động của Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Nhật Bản Võ Văn Sung, từ tháng 11.1992, Nhật Bản đã nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam, và từ đó đến nay đã không ngừng viện trợ đáp ứng nhu cầu tái thiết và phát triển của Việt Nam. Đây là quốc gia đầu tiên cung cấp viện trợ ODA cho Việt Nam khi lệnh cấm vận chưa được dỡ bỏ. Đến năm 1994, Mỹ chính thức dỡ bỏ lệnh cấm vận, năm 2016 dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.

4. Từ sau khi nghỉ hưu, Nhà ngoại giao Võ Văn Sung đã dành nhiều tâm huyết viết sách, truyền lại kinh nghiệm công tác qua những câu chuyện sinh động, những chi tiết trong nhiều tình huống cụ thể rất hấp dẫn. Ngày 17.12.2020, Viện Pháp Hà Nội - L'Espace đã tổ chức giới thiệu bản dịch cuốn "Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris" sang tiếng Pháp - "La Campagne Hồ Cjhí Minh au coeur de Paris" do dịch giả, nhà sử học Nguyễn Đắc Như Mai chuyển ngữ. Cuốn sách đã tái hiện một cách sống động và chân thực tầm vóc của nền Ngoại giao Việt Nam hiện đại; về cuộc sống của những người Việt xa quê hương xứ sở nhưng vẫn đau đáu hướng về Tổ quốc; về những người bạn quốc tế thủy chung đã hết lòng ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta.

Nhà ngoại giao Võ Văn Sung đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình trong hành trình ngoại giao theo Tư tưởng Hồ Chí Minh: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; hòa bình và chống chiến tranh xâm lược, hữu nghị và hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới với Việt Nam, xây dựng quan hệ hữu hảo với các nước lớn, ngoại giao phải là một mặt trận, một binh chủng hợp thành của cách mạng Việt Nam.

Nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung sinh ngày 5.9.1928 tại Thừa Thiên-Huế, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Trưởng ty Thông tin - Tuyên truyền tỉnh Khánh Hòa, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Đối ngoại, nguyên Đại sứ đầu tiên của VNDCCH và CHXHCN Việt Nam tại Pháp kiêm nhiệm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Pháp. Ông được tặng thưởng Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và hạng Nhì, Huân chương Mặt trời mọc - Sao vàng, Sao bạc của Hoàng gia Nhật Bản, Huân chương Quốc công của Cộng hòa Pháp. Ông qua đời ngày 1.5.2018 ở tuổi 90.

Nguyễn Năng Lực
TIN LIÊN QUAN

Phát huy vai trò đối ngoại để nâng cao vị thế đất nước

Khánh Minh |

Đảng bộ Bộ Ngoại giao tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.

Ngoại giao Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân

VÂN ANH |

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, trong suốt 35 năm qua, ngành Ngoại giao đã luôn đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là công tác đối ngoại "phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ".

Bộ Ngoại giao thông tin việc công dân Việt Nam về nước đón Tết Nguyên đán

Thanh Hà |

Bộ Ngoại giao Việt Nam đang phối hợp nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đưa những công dân có nhu cầu thực sự khẩn thiết về nước trước Tết Nguyên đán.

7 trọng tâm của ngành Ngoại giao Việt Nam năm 2021

Thanh Hà |

Trong hội nghị tổng kết công tác năm 2020 diễn ra ngày 11.1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ngành Ngoại giao Việt Nam năm 2021 tập trung vào 7 nội dung.

Dấu ấn ngoại giao Việt Nam 2020: Vươn tầm và toả sáng

Nhóm PV |

Ngoại giao Việt Nam đã có những dấu ấn khó phai trong năm 2020: Việt Nam từ một nước nhỏ lại liên tục được nhắc tên trên trường quốc tế với những vị trí quan trọng như Uỷ viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và đặc biệt là một trong những nước đã kiểm soát tốt được đại dịch COVID-19.

Tin buồn

Lao Động |

Bà Trịnh Thị Ngọc Lan (thân mẫu đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng Ban Công đoàn - Bạn đọc Báo Lao Động) sinh năm 1959, từ trần hồi 11h20 ngày 5.10.2024 (tức ngày 3 tháng 9 năm Giáp Thìn); Hưởng thọ 65 tuổi.

Chậm trễ xử lý xưởng trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý

TRUNG DU |

Thái Bình - Công tác xử lý vi phạm tại cơ sở tái chế phế liệu trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý ở huyện Vũ Thư chưa nghiêm túc.

Man United hòa Aston Villa, Erik ten Hag nguy cơ rời Old Trafford

Nhóm PV |

Tối 6.10 (giờ Việt Nam), Man United đã chia điểm Aston Villa tại vòng 7 Premier League.