Chắc nhiều người biết rằng, trường phái hội họa Ấn tượng ra đời từ tác phẩm được đặt tên vào giây cuối cùng là “Ấn tượng, Mặt Trời mọc” (Impression, soleil levant) mà Monet đem ra trưng bày năm 1874 tại triển lãm của nhiếp ảnh gia Nadar.
Trong cuốn sách chân dung và giới thiệu các tác phẩm của Claude Monet của do NXB Larousse ấn hành, vừa ra mắt độc giả Việt Nam (Nguyễn Thanh Xuân và Nguyễn Thị Quỳnh Châu dịch), tác giả Gérard Denizeau đã kể lại về sự kiện này:
“Bản thân Monet nhận thức được tính chất thử nghiệm của tác phẩm này. Điều này sau đó đã đến tai nhà báo của tờ “Revue illustrée”: “Phong cảnh chỉ là một cảm nhận, và một cảm thức tức thời. Tôi đã gửi một thứ được thực hiện ở Le Havre, từ cửa sổ của tôi, về Mặt Trời trong sương mù và ở tiền cảnh, một vài cột buồm đang chĩa lên trời. Người ta hỏi tôi về tiêu đề của bức tranh trong catalogue, cái tên ‘Một góc nhìn ở Le Havre’ đã không được chấp thuận, tôi trả lời: ‘Hãy để là Ấn tượng’. Sự bối rối, thậm chí là chống đối, đến từ những khán giả đầu tiên của kiệt tác này cuối cùng lại là dấu hiệu của một sự sáng suốt nhất định: Không thể chối cãi gì nữa, hội họa giờ đây đang đứng trước bước ngoặt của lịch sử”.
Từ “Ấn tượng, Mặt Trời mọc” đến một trường phái nghệ thuật
Theo các nhà phê bình mỹ thuật, trong tác phẩm này của Monet, có vẻ như bảng màu của bức tranh mang một vẻ phức tạp khó hiểu, mặc dù các màu sắc được sử dụng vẫn rất khiêm nhường. Họa sĩ không sử dụng màu xanh lá cây, hồng hoặc xanh dương vì quan tâm đến tính tự nhiên, mà chỉ vì mục đích tạo ra ảo giác về một thứ ánh sáng run rẩy và siêu nhiên.
Mừng rỡ khi chiêm ngưỡng tác phẩm và tiêu đề độc đáo của nó, nhà phê bình Louis Leroy đã chộp ngay lấy từ này để dùng cho tiêu đề phóng sự mang tên “Triển lãm của những nghệ sĩ Ấn tượng” đăng ngày 28.4.1874 trên tờ Le Charivari: “Bức tranh này vẽ gì vậy? Hãy thử xem trong tập sách nhỏ này - Ấn tượng, Mặt Trời mọc. Ấn tượng hẳn là vậy. Tôi tự nhủ, vì tôi ấn tượng với bức tranh này, nên chắc hẳn có điều ấn tượng trong đó...”.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Gérard Denizeau, thì chính nhà phê bình - kẻ thù của các trào lưu nghệ thuật vĩ đại - đã trở thành người rửa tội cho trường phái Ấn tượng ra đời.
Người ta vẫn cho rằng, giới phê bình là kẻ thù của các loại hình nghệ thuật, vì thực ra, trong bài bình luận của mình, Leroy chủ yếu là chê tác phẩm của Monet. Nhà phê bình này viết:
“Một thảm họa chắc chắn sắp xảy ra, và ngài Monet đã giáng cho Josseph Vincent (họa sĩ vẽ tranh phong cảnh) đòn cuối cùng. À! Đây rồi, đây rồi! Ông ấy hét lên trước bức tranh số 98. Tôi đã nhận ra bức yêu thích nhất của Vincent! Bức tranh này vẽ gì vậy? Hãy thử xem trong tập sách nhỏ này - “Ấn tượng, Mặt Trời mọc”. Ấn tượng, hẳn là vậy. Tôi tự nhủ, vì tôi ấn tượng với bức tranh này, nên chắc hẳn có điều ấn tượng trong đó... và cách làm thật là tự do, thật dễ dãi! Một bản vẽ phác thảo thậm chí nhìn còn hoàn thiện hơn là bức tranh cảnh biển kia!”.
Bức tranh “Ấn tượng, Mặt Trời mọc” có khuôn khổ rất khiêm nhường, chỉ là một bức sơn dầu trên vải có kích thước 48 x 63cm. Tác phẩm ban đầu có tên đơn giản là ”Biển” (Marine) ra đời trong một lần tình cờ Monet lưu lại thành phố cảng La Havre. Bức tranh được phác thảo chỉ trong vòng vài giờ.
Trong cuốn sách nhỏ “Claude Monet” của Larousse, tác giả cho rằng, họa sĩ chỉ có một mối bận tâm duy nhất: Bắt lấy ánh sáng ban ngày mơ hồ tạo nên vô số hình ảnh phản chiếu lấp lánh trên vùng nước của cảng biển. Trong sự vận động của ánh sáng này, rất khó để phân biệt ranh giới giữa biển và bầu trời. Trong vũ trụ của những vệt màu ngang nhỏ với màu xanh chủ đạo, ánh mắt của người xem sẽ dao động nếu Monet không sử dụng những cột mốc tạo bởi con thuyền vô định và Mặt Trời mờ ảo khiến người xem yên tâm.
Và chính thức sau bài báo của Leroy, trường phái Ấn tượng đã được khai sinh. Chỉ trong vài năm, thuật ngữ này đã có được một vận mệnh không thể tưởng tượng, được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực sáng tạo, từ hội họa đến âm nhạc, từ thơ ca đến triết học. Do đó, Claude Monet ngay lập tức trở thành nhân vật chính và chắc chắn có đóng góp vào thành công của các cuộc triển lãm vào các năm tiếp theo.
Những loạt tranh về cùng một hình mẫu
Vào năm 1874 đó, Monet 34 tuổi, lứa tuổi sung sức nhất của năng lực sáng tạo. Người họa sĩ sinh năm 1840, tại Paris và học phổ thông tại thành phố La Havre vốn đã nổi tiếng với những bức tranh biếm họa của mình từ thuở nhỏ. Ở lứa tuổi 20, dù người cha mong muốn cho ông học trường Mỹ thuật, nhưng Monet lại thích Họa viện Suisse, nơi danh họa Pissarro thường lui tới hơn, chính điều này đã khiến cha của ông cắt khoản trợ cấp.
Trong thời gian từ 1860-1861, Monet đi nghĩa vụ quân sự ở Algeria, ở đây, ông bắt đầu quan tâm tới “ấn tượng về ánh sáng và màu sắc”. Ra quân, ông gia nhập xưởng vẽ của Gleyre, nơi ông gặp Bazille, Lepic, Renoir, Sisley, những người sau này sẽ cùng ông xây dựng trường phái Ấn tượng.
Từ năm 1866, Monet bắt đầu nhận được lời khen từ các nhà phê bình tại triển lãm mỹ thuật Salon, và tách khỏi nhà hỗ trợ tài chính và tư vấn nghệ thuật của mình là Coubert để bước vào hoạt động độc lập. Khi chiến tranh Pháp - Phổ nổ ra, Monet chạy sang lánh nạn tại London và đã khám phá ra nền hội họa nước Anh. Tại đây, ông đã vẽ bức “Tòa nghị viện London”. Sau chiến tranh, ông trở về Pháp qua Hà Lan và chuyển xưởng vẽ của mình lên một chiếc thuyền trên sông Seine.
Giai đoạn 1872-1874 là thời hoàng kim của Monet, ông sáng tác ở Argenteuil cùng Manet, Renoir, Sisley và Caillebotte, và họ cùng trưng bày các tác phẩm tại nhà Nadar. Đây là lúc trường phái Ấn tượng ra đời và đạt được những thành tựu rực rỡ nhất. Bên cạnh tác phẩm “Ấn tượng, Mặt Trời mọc”, Monet đã vẽ bức “Lễ hội đua thuyền ở Argenteuil” và trưng bày bức “Hoa anh túc” tại triển lãm đầu tiên của trường phái Ấn tượng.
Triển lãm Ấn tượng được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1874 tại 35 boulevard des Capucines, Paris, từ ngày 15.4 đến ngày 15.5. Mục đích chính của những người tham gia không phải là để thúc đẩy một trường phái mới, mà còn để thoát khỏi những kìm ép, gượng gạo của Salon de Paris. Triển lãm mở cho bất cứ ai sẵn sàng trả 60 franc và đã thu hút tới 3.500 người tham dự.
Monet trưng bày tại triển lãm 4 bức tranh sơn dầu và 7 bức với tông pastels. Tuy nhiên, bức "Ấn tượng, Mặt Trời mọc" của ông đã không có ai mua vì được đặt giá quá cao, tới 1.000 franc.
Bắt đầu từ năm 1877, sau quá trình tìm hiểu ảnh hưởng của không gian, Monet bắt đầu vẽ những loạt tranh về một đối tượng trong các ánh sáng khác nhau vào các giờ khác nhau trong ngày, hoặc các mùa khác nhau trong năm. Bộ tranh đầu tiên của ông là về nhà ga Saint-Lazare, và khi Monet giới thiệu 30 bức tranh tại triển lãm của Durand-Ruel, có tới 7 trong số đó là khung cảnh nhà ga.
Nhà ga chính là nơi Monet tìm thấy biểu tượng của sự hiện đại. Ở điểm này, Monet nhận được sự đồng cảm của nhà văn Émily Zola. Zola cổ vũ: “Các nghệ sĩ của chúng ta phải tìm thấy được chất thơ của các nhà ga, giống như cha ông họ đã tìm thấy chất thơ của những khu rừng và những con sông”.
Khi xem tranh quang cảnh nhà ga, với mái che của khu vực sảnh rộng lớn do kỹ sư Eugène Flachat thiết kế vào năm 1853, với những đầu máy xe lửa mờ hơi nước, Zola đã bình luận bằng những lời có cánh: “Chúng ta có thể nghe tiếng ầm ầm của những đoàn tàu đang tiến vào, chúng ta có thể thấy những làn khói đang bốc lên cuộn trào dưới những nhà ga lớn này”.
Những loạt tranh kiểu như vậy được tiếp tục được vẽ từ những năm 1880 cho đến khi cuộc đời ông khép lại năm 1926. Tuy nhiên, từ năm 1880, Monet đã tách khỏi các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng và tổ chức triển lãm chuyên đề về Cuộc sống hiện đại.
Loạt tranh Đống cỏ khô, cũng được Monet vẽ từ các điểm nhìn khác nhau và vào các thời điểm khác nhau trong ngày và 15 bức được trưng bày tại triển lãm Durand-Ruel năm 1891. Nhà phê bình nổi tiếng Gustave Geffroy đã bình luận về bộ tranh này: “Nó mang lại cảm giác về khoảnh khắc phù du, vừa xuất hiện đã tan biến, song không ngừng gợi lên đường cong của chân trời, hình cầu của Trái Đất trong không gian, và tóm lược chất thi vị của vũ trụ vào một không gian hẹp”.
Năm này, ông cũng cho ra đời bộ tranh nổi tiếng Dưới những cây dương, với 23 bức, được đánh giá là một sự hoàn hảo đầy chất thơ.
Năm 1892, ông đã tạo ra bộ tranh có lẽ là nổi tiếng nhất của ông, 26 góc nhìn của Nhà thờ chính tòa Rouen. Điểm thú vị nhất của chùm tranh này là quan điểm về một góc nhìn độc nhất vô nhị, được Monet thể hiện sau khi bị thu hút bởi những chuyển động của ánh sáng ở phần mặt tiền to lớn của nhà thờ. Điểm đặc biệt trong quá trình sáng tác chùm tác phẩm đặc sắc này là lúc đầu, Monet đã ngồi ở tầng một của một phòng thử đồ lót để vẽ nên tác phẩm của mình, sau đó, ông mới chuyển sang một vị trí khác cạnh đó. Bộ tranh này sẽ được trưng bày vào năm 1895 sau chuyến đi Na Uy của Monet, và từ đó, báo chí đã viết những bài báo đầy phấn khích, các nghệ sĩ và văn sĩ đều bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với họa sĩ, còn tên tuổi Monet cũng trở nên quen thuộc.
Việc bán tranh của Monet từ lúc này cũng gặt hái được thành công, mỗi bức tranh chủ đề Nhà thờ Rouen đều được đề xuất ở mức giá 15.000 franc, một mức chưa từng có ở thời điểm đó.
Phát hiện thế giới thần tiên của hoa súng
Trong 30 năm cuối đời, Monet theo đuổi việc vẽ tất cả diện mạo của khu vườn huyền diệu tại Giverny của mình, trong đó phần nổi bật nhất là ao hoa súng nổi tiếng. Lúc này, đã tự giải phóng mình khỏi mọi nỗi lo về vật chất, Monet đã sử dụng hoa súng trong ao nhà như một đề tài với những biến đổi và phát triển vô tận.
Trong khu đất bao quanh biệt thự của mình, Monet tự thiết kế khu vườn và cây cầu Nhật Bản, những đề tài sẽ thường xuyên xuất hiện trong tranh của ông. Ông viết: “Tôi mất rất nhiều thời gian để hiểu được những bông hoa súng của mình. Tôi đã gieo trồng chúng như một thú vui; tôi chăm chút cho chúng mà không hề có ý định vẽ chúng. Và rồi đột nhiên, tôi phát hiện ra thế giới thần tiên nơi ao nước. Tôi cầm bảng màu của mình lên...”.
Từ lúc này, Monet đã mở đầu cho một giai đoạn mới của hội họa. Như tác giả Gérard Denizeau bình luận trong cuốn “Claude Monet” của Larousse: “Việc nhìn thiên nhiên chuyển động không còn quan trọng bằng việc tự chôn mình sâu trong thiên nhiên, chịu sự ràng buộc của không gian và thời gian mà nó mang lại, tiến hóa cùng nó, rong ruổi ở đó như một người dạo chơi”. Ông cũng cho rằng, với các tác phẩm về hồ hoa súng với sự hài hòa màu xanh, “Monet đã sáng tác một bài thơ không cần lời”.
Trong khi đó, phiên bản khác cũng về chủ đề cây cầu Nhật Bản có tên gọi “Hồ hoa súng, sự hài hòa màu hồng” đã giành được tất cả lời khen ngợi của công chúng, bắt đầu với lời ca ngợi của nhà văn nổi tiếng Marcel Proust: “Ông đã đưa vào những bông hoa một nền màu kiểu cách hơn, rung động hơn chính sắc màu của chúng”. Bức tranh ngay lập tức được nhà sưu tập giàu có Isaac de Camodo mua và sau này, ông tặng nó cho Bảo tàng Louvre từ năm 1914.
Năm 1897, Monet bắt đầu trưng bày loạt tranh nghiên cứu về những bông hoa súng và đến năm 1909, trong một triển lãm quan trọng về hoa súng của ông tại phòng tranh Durand-Ruel, có 48 bức tranh hoa súng đã được trưng bày, đem lại sự thành công rực rỡ.
Từ năm 1904, Monet bắt đầu từ bỏ dần các chi tiết của khu vườn trên nước, chỉ tập trung sự chú ý vào những bông hoa súng đơn độc đầy màu sắc. Cảnh quan được thu nhỏ lại, nhưng ấn tượng của nó lại được mở ra vô cùng, khiến nhà phê bình Gustave Geffroy phải thán phục: “Trong bức tranh, một vũng nước đầy sức sống, chuyển động như khuôn mặt của một thiếu nữ hạnh phúc...”. Đến tác phẩm về hoa súng vẽ năm 1907, họa sĩ thể hiện trên bố cục hình tròn có đường kính 80,7cm, nhưng đã được bình luận rằng “đã đạt được sự cân bằng chưa từng có giữa những chủ thể tự nhiên và các đặc điểm tạo hình của tác phẩm”. Tác phẩm này đã được thành phố Saint-Etienne mua hai năm trước khi Monet qua đời, với giá tới 30.000 franc.
Monet qua đời cuối năm 1925, sau khi đã lựa chọn tặng lại cho nước Pháp nhiều tranh của mình theo lời khuyên của người bạn ông - Clemenceau, người từng giữ chức Thủ tướng Pháp.
Năm 2019, một bức tranh trong loạt tranh “Những đống cỏ khô” của Monet đã được bán với giá 110,7 triệu USD tại phiên đấu giá ở New York.
Theo nhà nghiên cứu Gérard Denizeau, trong tất cả đặc tính tiền thân của nghệ thuật của Monet, nguyên tắc lặp lại dễ dàng thắng thế. Dưới nét cọ của họa sĩ, một học thuyết ca tụng đồng thời sự tràn ngập các hình mẫu tự nhiên và sự cạn kiện khả năng trang trí đã nảy sinh, báo trước nền nghệ thuật môi trường lần thứ hai của thế kỷ XX. Các tác phẩm của ông cuối cùng mang đến cho người xem cảm giác được đắm chìm trong một vũ trụ hỗn loạn và đơn nhất đầy nghịch lý.
Còn theo nhận xét của nhà văn, nhà phê bình Rémy de Gourmont: “Nếu hiểu từ Ấn tượng theo nghĩa hẹp nhất của nó, thì Monet là nghệ sĩ Ấn tượng duy nhất, vì chỉ ông mới có khả năng thống nhất giữa lý thuyết và thực hành nghệ thuật bằng cách thể hiện những ấn tượng đầy màu sắc mà con mắt thu nhận được, chân thực như những gì ông nhìn thấy, lên tranh”.