Nguyễn Thị Hạnh Loan - Đóa hồng kiêu hãnh

Ngô Đức Hành |

Tôi lui tới Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh thăm bạn bè khá nhiều, lâu năm nay. Thế nhưng sau này mới biết đến nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan. Đó là một ngày của tháng “con ong đi lấy mật”, năm 2017, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chát cho tôi: “Sáng mai em đi với anh. Hạnh Loan ra thơ”. Tôi không phải là người được mời, nhưng chát của anh Tạo là “bất khả từ”. Chỉ đến lúc đó tôi mới gặp Hạnh Loan ngoài đời.

1. Theo hẹn với anh Tạo, sáng sớm tôi có mặt tại HI-BAR COFFEE 43 Nguyên Hồng, Hà Nội, nơi tổ chức ra mắt 2 cuốn sách; tập thơ tình “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” và tập thơ học trò “Khoảng trời sau cửa sổ”. Hạnh Loan kiêu sa, lộng lẫy, váy dạ hội, đầu đội vương miện. Choáng ngợp hơn, toàn VIP trong làng văn, làng thơ, tất thảy đều là “người của công chúng” có mặt. Hạnh Loan là người “nhà đài” nên nhiều phóng viên xinh đẹp của Truyền hình Việt Nam có mặt.

Sáng hôm ấy là một “bữa tiệc” thịnh soạn của thơ và âm nhạc, Hạnh Loan và khách mời đều là những “chủ nhân” của sân khấu.

Tối hôm ấy, tôi tham gia bữa nhậu cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cạnh Tòa nhà CICENC01, đường Đê La Thành. Chỉ vài anh em văn nhân. Nhậu lưng chừng, anh Tạo nhấc máy sau cú reng reng. Và Hạnh Loan đến, hớt ha, hớt hải vì cũng đã hơi muộn. Đèn đường Hà Nội còn muốn đi ngủ cơ mà. Nhà hàng có các thiết bị âm thanh, nên cuộc nhậu trở thành “sàn diễn” không hẹn trước. Anh Tạo lên sân khấu mini của nhà hàng hát bài “Đôi mắt đò ngang” của mình. Hạnh Loan đọc thơ... Thật bất ngờ, “gã thanh niên” chơi đàn Organ của nhà hàng phổ ngay một bài thơ tình trong tập “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở”, vừa được Hạnh Loan tặng.

Hạnh Loan lên hát. Chất giọng Alto nung lửa khao khát.

Đùng cái, năm sau Hạnh Loan cùng ekip “hành quân” ra Hà Nội, ra mắt độc giả tập thơ “Sải cánh giữa chiêm bao”. Chị inbox mời tôi đến dự, kèm theo lời nhắc: “Anh mang máy ảnh chụp cho em”. Bụng nghĩ đi cùng Hạnh Loan sẽ có biết bao tay máy nhưng là tạng “dại gái” tôi chấp hành. Quả đúng như tôi nghĩ. Khi có mặt tại Nhà hát trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tôi đã thấy nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng với chiếc khăn rằn điệu đà trên cổ, nụ cười hồn hậu quá Hà Tĩnh. Nhiều tay máy trẻ, máy móc hiện đại, tay luôn đặt trên cò bấm xoạch, xoạch...

Thời gian này, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trở bệnh nặng, không thể có mặt. Anh inbox cho tôi: “Chú chụp ảnh gửi anh xem”. Trong trái tim anh, nhà thơ Hạnh Loan có vị trí đặc biệt.

Vẫn như lần ra mắt bộ đôi “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” và “Khoảng trời sau cửa sổ”, buổi ra mắt “Sải cánh giữa chiêm bao”, Hạnh Loan vẫn lộng lẫy, kiêu sa trong bộ váy dạ hội màu đỏ, đầu đội “vương miện”. Cũng có mặt khá đông các “yếu nhân” của làng văn, làng thơ và âm nhạc Hà Nội. Vẫn là “bữa tiệc” thịnh soạn của thơ và âm nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Cường, Hạnh Loan và bạn bè hát trên sân khấu. Đầy lửa và nồng nàn.

Tôi biết, không chỉ “mang thơ đi đánh đất người”, sau những lần tổ chức tại Hà Nội, ở Hà Tĩnh, Hạnh Loan cũng có những buổi ra mắt thơ ấn tượng. Quan chức yêu thơ, văn nghệ sĩ quê hương Hà Tĩnh đến dự khá đông đủ. Điều đó cho thấy, Hạnh Loan là sự lan tỏa. Nghe đâu, thơ Hạnh Loan đều bán nhanh, số lượng ấn bản lớn. Nhìn cái cách làm của Hạnh Loan, khó học, nhưng xác tín rằng: Đâu phải người đọc hết yêu thơ? Thi ca vẫn có sức quyến rũ.

2. Cách đây 500 năm, trong cuốn “Văn tâm điêu long” - được xem là một kỳ thư về phê bình văn học, Lưu Hiệp (485 - 520) đã đề cập đến ba phương diện cơ bản cấu thành nên một bài thơ là tình cảm, ý nghĩa (tình văn), ngôn ngữ (hình văn) và âm thanh (thanh văn). Thời nay, so với thời Ngụy Tấn của Trung Hoa cổ đại đã quá xưa xa. Thơ thế giới và thơ ca Việt Nam ngày càng nhiều hệ hình thẩm mỹ mới, thế hệ cầm bút sau khác biệt với những thế hệ trước, hiện nay có khuynh hướng thơ cách tân toàn triệt. Tuy nhiên, còn đó những giá trị “cốt lõi” của thi ca.

Đọc thơ Hạnh Loan, dễ nhận ra tình văn, âm thanh. Nguyễn Thị Hạnh Loan “mạnh” về mảng thơ tình. Thơ tình không đẫm tình văn thì là thơ gì? Tài thơ Hạnh Loan phát lộ từ bé. Thuở ấy, chị thuộc lứa đầu tiên học chuyên Văn của Trường THCS Thị xã Hà Tĩnh. Lớp 4, Hạnh Loan đã đỗ học sinh giỏi Văn của tỉnh. Lớp 5, chị có mặt trong đội tuyển Văn của tỉnh Nghệ Tĩnh (trước đây) đi thi học sinh giỏi Văn toàn quốc và làm những bài thơ đầu đời. Đến giờ, chị vẫn nhớ vẹn nguyên bài thơ đầu tiên mình viết có tựa đề “Tắm biển”. Hóa ra Hạnh Loan cũng là “kình ngư” từ bé. Từ đó đến nay, hơn 30 năm thơ như “nghiệp” vận vào chị, bắt chị phải viết vậy. Từ những trang thơ học trò, lớn lên, va đập, trải nghiệm; từ thiếu nữ, yêu, lập gia đình... cho đến nay Hạnh Loan làm thơ về nhiều thể loại, nhưng dường như chị sinh ra để làm thơ tình. Thơ về đề tài tình yêu là mảng nổi trội của Hạnh Loan.

Tôi đọc khá nhiều thơ tình Hạnh Loan, trên facebook cho đến hai tập “Hãy nói yêu khi hoa hồng nở” và “Sải cánh giữa chiêm bao” có thể hình dung ra “diện mạo” của Hạnh Loan thế này: Khát khao, chờ mong, dâng hiến... Tất nhiên, chứa đựng trong đó là cả một trường cảm xúc, đầy đủ cung bậc tình yêu. “Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ”, đọc thơ tình Hạnh Loan, tôi nhớ câu thơ này của Xuân Diệu, trong bài thơ “Phải nói”.

...

Em chỉ là em, anh nhé chẳng cách xa

Chỉ muốn yêu người như hoa kia yêu nắng

Đừng yêu em như yêu đóa hoa rừng im lặng

Hãy yêu đóa hoa hồng kiêu hãnh bởi nhiều gai

(Em chỉ là em thôi)

Có thể coi khổ thơ này như “tuyên ngôn yêu” của Hạnh Loan. Thủy chung, sở hữu, vì thủy chung, sở hữu mà nghi ngờ, ghen tuông, dò xét dù là bóng gió. Hạnh Loan là người đầy “cá tính yêu”, cá tính sống; trong tay có cả “cây gậy và củ cà rốt” cho tình yêu, “hãy yêu” là khuyên bảo, “đóa hoa hồng kiêu hãnh bởi nhiều gai” vừa tự hào, vừa cảnh báo. “Ly cà phê dẫu đắng / Mà ngây ngất môi mềm / Suốt đời anh uống mãi / Em và cà phê đen” (Em và café đen không đường). Một sự so sánh thú vị. Café đen uống vào tỉnh queo, cảm xúc, thần khí của người sành năng tỏa. Hạnh Loan là thế, “kiêu” hợp lý khi biết mình được yêu; được dâng hiến và nhận hiến dâng.

Lời không thể múc cạn ý, ngay cả thánh nhân cũng biết được điều khó khăn này. Nói như nhà thơ Thạch Quỳ, “thơ nằm ngoài sự hiểu biết của con người về thơ”. Thế nhưng, ở một góc quán chiếu nào đó thấy “chân dung” của người ra “tuyên ngôn yêu”.

Bản chất của thơ là sự chiêm nghiệm, đào sâu vào thế giới bên trong, trước hết của chính tác giả. Thơ là cảm xúc và rung động, trước hết của nhà thơ. Người đọc cảm nhận được, rung chấn về mỹ cảm thì đó là thơ hay. Thơ Hạnh Loan trước hết là tâm hồn chị, cuộc đời chị. Chị có những bài thơ lý giải đầy chất ngụ ngôn, mang tính triết mỹ. “.../ Một ngày kia thế giới / Nói về loài cây xanh / Hạ sinh từ duyên kiếp / Cơn mưa vàng tình anh...” (Mưa vàng).

Ở tuổi ngoài 40, Hạnh Loan đẹp mặn mà, chín của cảm xúc và trí tuệ. Chị nhận ra sự vô thường, càng như thế, tình yêu càng có ý nghĩa. Hãy sống cạn hết mình, yêu cho đến tận cùng cảm xúc: “Nghe không anh trước biển sóng vỡ òa / Ta bắt gặp đôi ta một thời rất trẻ / Xin một lần nhòa tan vào lòng bể / Thành hạt cát vàng nhỏ bé giữa trùng khơi” (Hãy tìm về với biển). Chị xác tín rằng, Chúa đã thiêng liêng, nhưng tình yêu còn thiêng liêng hơn. Chúa khổ hạnh, Chúa phục sinh suy cho cùng cũng vì tình yêu.

...

Không bước tới đâu biết mùa thu dậy

Ta vẫn hôn nhau như thuở tóc còn xanh

Hai mươi năm rồi, hai mươi năm sau cũng vậy

Em vẫn là em cô bé của riêng anh

(Nhớ anh mùa thu).

3. Thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan không điệu đà, phô diễn về kỹ thuật, mà trước hết là tiếng nói đắm đuối, giàu nhạc tính. Hạnh Loan không đi tìm sự mới lạ cho ký hiệu, đánh đố văn bản; trước hếtlà sự day dứt của một tâm hồn thơ, miệt mài giải nghĩa các cảm biến của tình yêu.

“Chị viết về tình yêu với nhiều cung bậc của cảm xúc, nhiều suy nghĩ về hạnh phúc lứa đôi, nhưng điều quan trọng nhất là mỗi bài thơ của chị đã gọi ra một điều gì đó của tình yêu bằng chính hình ảnh, hình tượng mà ngôn ngữ thi ca mang lại”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một đại diện cho cách tân thơ Việt từ năm 1975 đến nay nhận xét như vậy. Lúc còn sống, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng nhận ra điều này, yêu quý hồn thơ Hạnh Loan cũng ở điểm này.

Nguyễn Thị Hạnh Loan hồn hậu trên từng mạch cảm xúc, chị không giấu diếm khát khao sống, khát khao yêu, khát khao chung thủy. Đó chính là phong cách, là giọng điệu thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan. “Xin một lần đốt ta thành ngọn lửa / Biết rồi mai có thể được tro tàn / Ta dẫu cháy vẫn còn hơn lạnh lẽo / Dù chỉ sáng bừng một góc đêm hoang...”, (Em và lửa). Cứ phải cháy đã, cháy đỏ!

Ngô Đức Hành
TIN LIÊN QUAN

Xứng đáng có con đường mang tên nhà thơ Đoàn Phú Tứ

Hải Minh - Phương Trang |

Gia đình nhà thơ Đoàn Phú Tứ mong muốn Hà Nội sẽ có con đường mang tên ông. Đoàn Phú Tứ (1910 - 1989) là một nhà soạn kịch, nhà thơ, dịch giả Việt Nam nổi danh từ thời tiền chiến. Nhà thơ Đoàn Phú Tứ được coi là người đứng trong hàng ngũ các hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Vân Long - một mảnh hồn thu Hà Nội

Anh Thư |

Nhà thơ Vân Long sinh năm 1934 tại Hà Nội, nguyên là biên tập viên thơ Nhà xuất bản Hội nhà văn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Hà Nội (2006-2007). Ngoài 8 tập thơ đã xuất bản, ông còn sáng tác nhiều cho thiếu nhi và là cây bút viết chân dung - tiểu luận phê bình hấp dẫn. Mùa thu là một không gian đầy xao động, gợi mở trong thơ ông. Và chính ông cũng là một phần của mùa thu Hà Nội.

Gặp nhà thơ kể chuyện những ngày tháng chống dịch bằng âm nhạc

BẠCH CÚC |

Từ những câu chuyện có thật trong mùa dịch đã để lại trong lòng nhà thơ Nguyễn Trung Nguyên những cảm xúc đặc biệt, từ đó ông đã cho ra đời những bài hát lan tỏa năng lượng tích cực đến với mọi người. "Bàn thờ cha giữa Sài Gòn giãn cách", "Chiều trên chốt kiểm dịch", "Chợ 0 đồng"... là những bài ca tiêu biểu nhằm khích lệ tinh thần chống dịch thời gian qua.

Nhà báo - nhà thơ: Sự đồng điệu “chức phận cao quý của thi ca”

Đinh Viên |

Vào dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta rất vui khi làng báo xuất hiện ngày càng nhiều thêm những nhà báo yêu thơ và trực tiếp làm thơ. Không ít người vừa viết báo, ghi hình, chụp ảnh, làm kỹ thuật truyền thông…, đã có những tập thơ xuất bản, được công chúng thơ đón nhận, hoan nghênh. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập một “góc nhỏ” trong bình diện thơ nói chung hiện nay – đó là sự cảm nhận, tương tác, thấu hiểu sẻ chia giữa những người đã và đang vừa viết báo, vừa sáng tác thơ.

Nhà thơ Nguyễn Duy: "Thanh bình là phúc của dân tộc"

Lê Thanh Phong |

Gõ cửa nhà thơ Nguyễn Duy sáng mùng một Tết Tân Sửu 2021, lại bày ra chén rượu, lại thơ. Những bài thơ Nguyễn Duy viết về Tết năm xưa, nay vừa rượu, vừa nghe ông đọc nhâm nhi, buồn và thấm.

Phó Chủ tịch tỉnh xin tạm nghỉ việc để điều trị chấn thương

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh xin tạm nghỉ công tác điều hành, chỉ đạo để điều trị chấn thương.

Chủ quán cafe ở Thái Bình "choáng" vì hóa đơn nước quá cao

TRUNG DU |

Thái Bình - Chủ quán kinh doanh cafe tại TP Thái Bình gửi đơn khiếu nại đến công ty nước sạch vì hóa đơn tiền nước liên tục tăng cao bất thường theo thời gian.

Công bố nguyên nhân vụ 59 người ở chung cư nghi bị ngộ độc

QUANG ĐẠI |

Nghệ An - Bể nước tại chung cư Golden City 3 (TP. Vinh) có nhiều vi sinh vật gây đau bụng, tiêu chảy cho 59 người dân.