Núi rừng và cây cỏ thiêng liêng

Ghi chép của việt thường |

Tình yêu rừng dường như nảy nở trong tôi từ sâu thẳm. Những tháng năm sức vóc dồi dào, tôi qua lại nhiều các vùng núi rừng thâm u hùng vĩ. Đi mãi, mà không biết chán.

1. Trong một phóng sự cách đây 20 năm, tôi có viết: “Lại có những miền biên thùy vào mùa khô, gió Lào thổi như hắt lửa, lá rừng vỡ vụn dưới bước chân người; lửa rừng cháy suốt đêm trên những đồi cỏ gianh vàng vọt, có những chặng đường đi cả ngày không kiếm nổi một giọt nước. Mùa mưa, đường mòn ngập bùn đến đầu gối, muỗi vắt nhiều vô kể, đất đá lở ầm ầm trong những thung lũng hoang vắng, suối cuốn trôi trâu, cây rừng mọc nhanh như phù phép, người đi một tay chống gậy, một tay cầm dao phát liên tục mới luồn qua nổi”.

Có ai đó đã so sánh rằng, rừng là sa mạc xanh, sinh tồn trong rừng già vốn đầy khắc nghiệt. Rừng là cái nôi sự sống của muôn loài trên cạn, lâu đời hơn loài người, hùng mạnh hơn loài người, đủ sức biến một giống loài sơ khai thành con người đứng thẳng.

Con người sống hài hòa với thiên nhiên ở Vườn quốc gia Ba Vì.Ảnh: Melia Ba Vì Mountain Retreat cung cấp
Con người sống hài hòa với thiên nhiên ở Vườn quốc gia Ba Vì.Ảnh: Melia Ba Vì Mountain Retreat cung cấp

Nhưng dường như cách chúng ta đối xử với rừng chưa ổn. Nhiều năm trước, có vườn quốc gia ở Tây Nguyên lúc tôi qua, cây cối trong tầm mắt đã chẳng còn lại gì đáng kể. Các anh tôi chinh chiến ở vùng này thời chống Mỹ kể rằng, hồi ấy bạt ngàn là rừng rậm, hành quân cứ lần theo bước voi mở lối mà đi, đỡ tốn sức người. Thế rừng ngày ấy bây giờ đâu? Chúng tôi đi trên triền đồi nơi vài chục năm trước là rừng già, thoáng nghe tiếng cưa máy của lâm tặc từ xa vẳng tới. Tiếng cưa cứ rít lên xót xa, nghe tiếng người đến gần bỗng giật mình im bặt, nghe tiếng người đi xa lại rít lên đau nhói. Đối xử với rừng thế này thì con cháu mai này biết sống làm sao? Hàng chục năm sau, tôi quay lại vườn quốc gia ấy. Đứng trên đỉnh non cao có thể nhìn thấy màu xanh thẳng tắp của các vạt rừng trồng thế chỗ rừng già một thuở. Ấy là những vạt rừng kinh tế nay trồng mai chặt, không phải tầng tầng lớp lớp nguyên sinh.

2. Liệu chúng ta đã có được nhận thức thực sự đầy đủ về rừng?

Sau ngày Giải phóng miền Nam, phần lãnh thổ rộng lớn Tây Nguyên - khối Nam Trường Sơn đã được nghiên cứu trong một chương trình trọng điểm của Nhà nước kéo dài đến 10 năm, nhờ đó mà chúng ta bắt đầu hiểu biết được phần nào các đặc điểm của một vùng lãnh thổ miền núi - cao nguyên rộng lớn với sự thống trị đặc biệt của nhịp điệu mùa. Cố GS Lê Bá Thảo - một lữ khách mê mải của thiên nhiên xứ sở, nhà địa lý đầu ngành, nhà khoa học uyên bác có tầm ảnh hưởng đã viết về nơi này, xin được nhắc lại như sau: “Rừng rậm ở gờ núi Trường Sơn Nam và những rừng rậm ở Tây Nguyên là nơi trú ẩn của các đàn nai trâu, nai cà tong, lợn rừng, đười ươi và nhất là những gia đình gấu đen, gấu ngựa thường săn lùng các tổ ong để lấy mật; ở đáy của một số thung lũng hiểm trở, một vài con tê giác còn sót lại sống một cách cô lập trong thế giới hầu như chỉ dành riêng cho chúng. Đáng buồn là người ta chỉ nhìn thấy dấu chân hoặc biết đến sự tồn tại của chúng khi có người thợ săn hám lợi đã bắn chết như mới xảy ra gần đây.

Chim Thầy chùa lớn (Great barbet) ở Vườn Quốc gia Ba Vì. Ảnh: Melia Ba Vì Mountain Retreat cung cấp
Chim Thầy chùa lớn (Great barbet) ở Vườn Quốc gia Ba Vì. Ảnh: Melia Ba Vì Mountain Retreat cung cấp

Những rừng thưa đồng cỏ tranh và nương rẫy bỏ hóa có nhiều động vật có móng hơn: Những đàn trâu rừng trông xa đen bóng như những tảng đá lớn, những đàn bò rừng nặng đến gần 1 tấn, có con sau mông có một đám lông trắng (Bos Benthen), có con đeo một dải yếm trước cổ (Bos Cuprey) và đều thuộc những loài bò đẹp nhất thế giới. Những heo vòi, nai, hoẵng và đặc biệt là những đàn voi bề ngoài trông hiền lành nhưng trở nên thật đáng sợ khi chúng nổi giận, cũng sống khi thì trong rừng thưa khi thì trong đồng cỏ.

Tất nhiên là có cả hổ, báo, trăn hoa và cá sấu. Công và trĩ, gà rừng và gà gô cũng sống cả trong rừng rậm, còn rừng săng lẻ và rừng khộp lại là thế giới của loài vẹt và loài ong”... GS Lê Bá Thảo cũng nhắn nhủ với chúng ta rằng: “Đã qua rồi những ngày đầu sau giải phóng, chúng ta nhìn Tây Nguyên nói riêng và Nam Trường Sơn nói chung như là những vùng “đất mới” chỉ cần đưa dân lên khai thác là đủ làm giàu. Ngày nay, chúng ta đã rút được kinh nghiệm rằng, không có “món quà” nào của tự nhiên mà được cho không cả. Sự chuyển động của một trạng thái cân bằng vốn có của tự nhiên sang một trạng thái khác đòi hỏi ở con người một sự nghiên cứu thấu đáo và những bước đi thận trọng. Chỉ có trong điều kiện đó, Tây Nguyên - khối Nam Trường Sơn mới phục vụ được một cách tốt nhất lợi ích của con người và phát triển theo chiều hướng có lợi cho chính nó”.

Không riêng gì Tây Nguyên - khối Nam Trường Sơn đòi hỏi ở con người một sự nghiên cứu thấu đáo và những bước đi thận trọng. Tất cả núi rừng của chúng ta đều cần như thế.

3. Theo nhà nghiên cứu Tôn Thất Thọ, không phải ngẫu nhiên mà nhà Nguyễn đã cho đúc nổi 9 ngọn núi thiêng trên cửu đỉnh đặt trước Thế Miếu Huế, coi đây là những ngọn núi tiêu biểu của đất nước và vương triều.

Thiên Tôn Sơn chạm ở Cao đỉnh. Núi Thiên Tôn, còn gọi là núi Triệu Tường, núi Am, nằm về phía Tây Bắc huyện Hà Trung (huyện Tống Sơn cũ), Thanh Hóa. Mạch núi này chạy từ huyện Thạch Thành như chuỗi ngọc kéo xuống, rồi nổi lên 12 ngọn liền nhau, cỏ cây xanh tốt trông như gấm vóc.

Ngự Bình Sơn chạm ở Nhân đỉnh. Núi ở về phía Tây Bắc huyện Hương Thủy, nay thuộc phường An Cựu; núi nổi vọt lên ở quãng đất bằng như bức bình phong, cao chừng 104 mét, được xem là tặng vật trời ban để làm lớp án thứ nhất trấn giữ trước Kinh thành Huế. Tên xưa của núi là Mạc Sơn, hoặc là Bằng Sơn, vì trông nó tựa như một con chim bằng đang đậu, mặt quay về phía Bắc với đôi cánh hơi khuỳnh ra hai bên trông thật khỏe.

Thương Sơn chạm ở Chương đỉnh. Núi còn có tên là núi Thiên Dữu (sau này có người gọi là núi Kim Phụng), ở phía nam huyện Hương Trà, hình thế núi khum khum cao lớn, trông như vựa thóc tròn. Ngày trước trên đỉnh núi có giếng, nước rất trong mát, trong giếng có cá. Tương truyền giếng này là nơi để tiên xuống tắm. Thương Sơn là một ngọn núi đẹp khác thường, được nhiều nhà phong thủy xem là ngọn núi chủ thứ nhất của hệ sơn mạch xứ Huế.

Hồng Sơn chạm ở Anh đỉnh. Còn gọi là núi Chim Hồng do ngày trước có nhiều chim hồng ở trên đó. Núi ở vị trí giữa hai huyện Can Lộc và Nghi Xuân của tỉnh Hà Tĩnh. Mạch núi từ Trà Sơn kéo đến, hình thế hùng vĩ, tương truyền dãy núi này có 99 ngọn, trong ấy có ngọn Am, cao vót chọc trời, mây mù bao phủ, phía tây có hồ rất sâu, phía nam hồ có hang động, có thể chứa được vài ba trăm người, dưới động có đá như hình người ngựa; lại có ngọn Lận, phía nam có hồ, nước hồ chảy về phía bắc đổ vào sông Lam. Lại có ngọn Đông Dương, cũng gọi là ngọn Hương Tích rất cao, hễ mây phủ tầng tầng là mưa, không bao giờ sai. Trên núi có thành đá, trong thành có 99 đài đá, gọi là đài Trang Vương, dưới thành có am bằng đá gọi là am Thánh Mẫu, dựng từ đời Trần.

Rừng Quốc gia Ba Vì - nơi có loài cây cỏ huyền thoại “vô phong độc dao” từng được nói đến trong sách vở.Ảnh: Melia Ba Vì Mountain Retreat cung cấp
Rừng Quốc gia Ba Vì - nơi có loài cây cỏ huyền thoại “vô phong độc dao” từng được nói đến trong sách vở.Ảnh: Melia Ba Vì Mountain Retreat cung cấp

Duệ Sơn chạm ở Tuyên đỉnh. Núi còn được gọi là núi Duệ, núi Lễ nằm ở phía nam huyện Hương Trà. Hình núi hơi nhọn, dáng đẹp, phía đông núi gối đầu lên sông Tả Trạch. Núi Duệ như vị thần canh giữ, đứng trấn trị phía đầu nguồn sông Hương, làm án che chở cho vùng đất tọa lạc Văn Miếu và Võ Miếu. Duệ Sơn cùng với Thương Sơn và Ngự Bình được xem là những ngọn chủ sơn tụ khí của linh mạch xứ Huế.

Đại Lĩnh chạm ở Tuyên đỉnh. Núi Đại Lãnh là ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa hiện nay. Sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục chép: “Đại Lãnh là ngọn núi nổi tiếng. Cực Nam vốn không có địa giới, sách Đường thư chép có cột đồng Mã Viện ở đó là sai. Đông đầu lại có hình người, vua Lê Thánh Tông khắc dấu biên cương lên bia đá. Mạch núi Đại Lãnh từ núi Chủ (Chủ Sơn) tới, phía Đông giáp biển, phía nam có suối lớn...”. Đây là một trong những nhánh núi của dãy Trường Sơn đâm ra biển.

Hải Vân Quan chạm ở Dụ đỉnh. Núi ở về phía đông nam huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên đỉnh đèo của núi dãy Hải Vân có xây cửa có độ cao hơn 496m so với mặt nước biển. Trên ngạch phía trước đề ba chữ Hán “Hải Vân Quan”, trên ngạch phía sau đề sáu chữ Hán lớn “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (Cửa ải hùng vĩ nhất dưới gầm trời).

Hoành Sơn chạm ở Huyền đỉnh. Đây là dãy núi phân định giữa tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh; ở đó có dãy núi băng ngang, đường đi quanh co lên xuống, nên quen gọi đèo Ngang. Đây là một dãy núi từ phía tây chạy dài mà đến, ngọn chỏm chồng chất, kéo ngang ra tận biển, trông như bức trường thành. Tương truyền, dãy núi ứng với lời sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Hoành Sơn nhất đới, vạn đại dung thân” (Một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời).

Tản Viên Sơn chạm ở Thuần đỉnh. Núi Tản Viên nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội. Núi có 3 ngọn cao vót, hình tròn như cái tán; trên núi có dựng đền thiêng. Nhà bác học Lê Quý Đôn từng viết rằng, mạch núi từ Mường Thanh liên tiếp chạy dài, đến đây thì nổi vọt 3 ngọn thành hàng ở giữa hai sông Thao và sông Đà. Cảnh sắc 2 bờ lưu vực xanh tươi, hình thế cao cả, như trấn giữ đất nước; ngọn giữa rất cao, có đền thờ Thượng Đẳng thần. Ở đỉnh núi, sườn núi và chân núi có các đền Thượng, Trung và Hạ, núi cao sát trời xanh, suốt ngày có mây bao phủ.

Đặc biệt, nhà nghiên cứu Tôn Thất Thọ còn dẫn “Bắc Thành địa dư chí” của Lê Đại Cương cho thấy, núi Tản Viên ở 4 mặt có sông bao bọc, cây cối um tùm, hình thế đẹp sáng, tương truyền trên núi có giống cỏ kỳ lạ, có tên “vô phong độc dao” (không có gió mà cỏ vẫn lay động); thân cỏ có hai nhánh, tự chụm vào nhau và tự tách ra.

Giống cỏ vô phong độc dao ở Tản Viên Sơn cũng thiêng liêng như giống cỏ phân mao ở biên thùy Trùng Khánh - Cao Bằng mà có lần tôi từng nghe nói tới, chỉ ngả về hai hướng, đất mẹ và đất của người.

Thời nhà Nguyễn chưa có các phương tiện đo chính xác độ cao của núi. Sau khi người Pháp áp đặt chế độ cai trị ở nước ta, họ đã dùng phương pháp Barometer, đặt vi kế ở đỉnh núi và chân núi để đo chênh lệch áp suất, lập mô hình toán học và đã xác định đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương từ 110 năm về trước. Từ đó đến nay, sự hùng vĩ của hệ thống sông núi Việt Nam ngày càng được chúng ta hiểu biết một cách khoa học và kỹ lưỡng hơn.

4. Triết gia Mỹ Francis Fukuyama viết về nỗi sợ của loài người: “Những nỗi sợ về tương lai thường được thể hiện xuất sắc nhất qua tiểu thuyết, đặc biệt là các tác phẩm khoa học viễn tưởng cố gắng mường tượng thế giới tương lai dựa trên các loại công nghệ mới. Trong nửa đầu thế kỷ 20, nhiều nỗi sợ tương lai tập trung vào các chế độ chuyên chế to lớn, tập trung và quan liêu, đủ khả năng dập tắt tính cá nhân và quyền riêng tư. Tiểu thuyết “1984” của George Orwell dự báo Anh Cả kiểm soát con người thông qua màn hình vô tuyến, trong khi “Thế giới mới tươi đẹp” (Brave New World) của Aldous Huxley hình dung nhà nước sử dụng công nghệ sinh học để phân tầng và kiểm soát xã hội. Nhưng bản chất của những phản địa đàng (dystopia) tưởng tượng như trên bắt đầu thay đổi trong những thập niên cuối thế kỷ 20, khi sự sụp đổ môi trường và sự xuất hiện của những loại virus không thể kiểm soát chiếm vị trí trung tâm”.

Sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2 mà chúng ta đã thấy trong suốt năm 2020 vừa qua, cả nước đã cùng chiến đấu chống lại đại dịch này. Còn mất rừng - dẫn tới sụp đổ môi trường, không thể để nỗi sợ ấy xảy ra. Chúng ta sẽ lại cùng chiến thắng, nếu cùng hành động.

Ghi chép của việt thường
TIN LIÊN QUAN

-1,5 độ C, đỉnh Mẫu Sơn xuất hiện băng tuyết phủ trắng núi rừng

Tạ Quang |

Sáng 8.1, Đỉnh Mẫu Sơn nhiệt độ giảm sâu xuống còn -1,5 độ C vào lúc 6 giờ sáng nên băng giá đã xuất hiện khiến nhiều du khách đã đổ về đây để ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú.

Phong vị kỳ thú nơi núi rừng miền Bắc

THÁI A |

Nói về món ăn vùng miền thì biết sao cho hết, bởi trên khắp đất nước chỗ nào chẳng có những món đặc trưng, nhưng có lẽ miền núi rừng Đông, Tây Bắc là nơi chứa đựng nhiều phong vị lạ nhất, vừa độc đáo bởi nguyên vật liệu, vừa phong phú bởi cách chế biến. Nơi núi rừng miền Bắc, quê hương của các tộc người Thái, Mông, Dao, Tày, Nùng... mỗi dân tộc đều có cách chế biến riêng, cộng thêm sự giao thoa văn hóa nên mỗi bước đi ở miền này đều có thể khám phá thêm nhiều điều mới lạ với khách miền xuôi.

Sức sống mới trên núi rừng Tung Khẳng

MINH THƯ |

Tung Khẳng (thung lũng tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) trước đây rừng bị phá tan hoang bởi lâm tặc, nay trở nên xanh tươi, trù phú từ bàn tay, khối óc và quyết tâm làm giàu trên quê hương của chàng trai trẻ.

Hoa tháng 3 đậm sắc hương núi rừng giữa trời Hà Giang

Tùng Giang |

Tháng 3, núi rừng Hà Giang bắt đầu thay màu áo mới. Sắc hương từ những rừng đào, rừng mận, hoa gạo đua nhau bung nở khắp trời Đông Bắc khiến ai đặt chân tới nơi đây cũng phải ngẩn ngơ.

Tin buồn

Lao Động |

Bà Trịnh Thị Ngọc Lan (thân mẫu đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng Ban Công đoàn - Bạn đọc Báo Lao Động) sinh năm 1959, từ trần hồi 11h20 ngày 5.10.2024 (tức ngày 3 tháng 9 năm Giáp Thìn); Hưởng thọ 65 tuổi.

Chậm trễ xử lý xưởng trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý

TRUNG DU |

Thái Bình - Công tác xử lý vi phạm tại cơ sở tái chế phế liệu trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý ở huyện Vũ Thư chưa nghiêm túc.

Man United hòa Aston Villa, Erik ten Hag nguy cơ rời Old Trafford

Nhóm PV |

Tối 6.10 (giờ Việt Nam), Man United đã chia điểm Aston Villa tại vòng 7 Premier League.

Chiêu thức bán hàng có dấu hiệu nhập lậu trên mạng

Anh Tuấn |

Quản lý thị trường vừa tạm giữ lô nước hoa nghi nhập lậu, rao bán thường xuyên trên tài khoản Tiktoker Phan Thủy Tiên.