“Ông Hai cầu đường” miền Tây và danh hiệu “Công dân Đồng Khởi”

KỲ QUAN |

Bắt đầu từ đôi bàn tay trắng, không cần một đồng vốn ngân sách của địa phương, ông đã vận động xây dựng hơn 2.100 cây cầu bêtông thay cho cầu khỉ, giúp tỉnh Bến Tre cơ bản xóa cầu khỉ, góp phần hiện đại hóa nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Ông là 1 trong 3 người vừa được tỉnh Bến Tre vinh danh “Công dân Đồng Khởi” lần đầu tiên vào ngày 16.1.2021 vừa qua.

Chuyện ở xã biển Thạnh Phong

Bến Tre là tỉnh cù lao, bốn bề bao bọc bởi sông nước. Vùng nông thôn Bến Tre càng chằng chịt sông rạch, người dân từ bao đời đi lại bằng những chiếc cầu khỉ lắt lẻo hoặc phải chịu cảnh qua sông lụy đò. Thạnh Phú là huyện nghèo nhất Bến Tre, lại chằng chịt sông rạch, vì vậy chuyện xóa cầu khỉ ở đây tưởng như còn rất lâu, nhưng không ngờ việc ấy đã hoàn thành ngay từ năm 2010. Ấp Thạnh An, xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú) - điểm cuối cùng của Đường Hồ Chí Minh trên biển tiếp nhận vũ khí của những chiếc tàu không số trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến đầu năm 2010 vẫn phải chịu cảnh cù lao, qua sông phải lụy đò, trẻ em đến trường bằng xuồng gỗ hoặc thùng phuy nhựa.

Đầu tháng 6.2010, xóm nhỏ heo hút Thạnh An như bừng tỉnh khi dự án bắc chiếc cầu Lịch Sử qua sông Giồng Dài được khởi công. Cầu dài hơn 60m, rộng 2,5m, vốn đầu tư gần 600 triệu đồng, được Hội Khoa học - Kỹ thuật Cầu đường Bến Tre vận động tài trợ. Cầu Lịch Sử được bắc, không chỉ người dân ấp Thạnh An chấm dứt cảnh cù lao cách trở từ bao đời mà du khách phương xa cũng có điều kiện đến thăm trực tiếp những nơi Đoàn tàu không số cập bến năm xưa, xã Thạnh Phong có điều kiện phát triển du lịch về nguồn.

Người có công nhiều nhất để làm nên cây cầu Lịch Sử là một cán bộ về hưu. Ông tên Trịnh Văn Y (Hai Y, sinh năm 1942, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre), nhưng người dân Bến Tre quen gọi ông với cái tên trìu mến là “Ông Hai cầu đường” hoặc “Thần cầu miền Tây”. Ông là người đã có ý tưởng độc đáo là bắc cho được cầu bêtông để xóa hết cầu khỉ trong tỉnh Bến Tre, góp phần xây dựng nông thôn mới trên quê hương Đồng Khởi. Ông đã đứng ra làm hàng ngàn cây cầu, nhưng không nhờ vào tiền ngân sách của địa phương, mà “tự thân vận động”, ông trở thành người “đi xin” vào loại “có số má” nhất miền Tây, với số tiền vận động lên đến hàng trăm tỉ đồng, chỉ để làm cái việc bắc cầu và làm đường cho dân nghèo ở nông thôn.

Ông Trịnh Văn Y (bên trái) bên cây cầu nông thôn thứ 900 ở Bến Tre do ông vận động xây dựng. Ảnh: K.Q
Ông Trịnh Văn Y (bên trái) bên cây cầu nông thôn thứ 900 ở Bến Tre do ông vận động xây dựng. Ảnh: K.Q

Trả nợ ân tình

Dù đã ngấp nghé tuổi 80, nhưng ông Hai Y vẫn khỏe mạnh, trí nhớ rất tốt. Ông có thể kể “lai lịch” của từng cây cầu trong tổng số hơn 2.100 cây cầu mà ông đã xây dựng cho quê hương trong 19 năm qua. Cây cầu đầu tiên ông xây dựng là cầu Xẻo Lá, thuộc ấp 2, xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm. Ông kể lý do ông chọn nơi đây xây chiếc cầu đầu tiên trong “sự nghiệp cầu đường” của mình: Đây là vùng đất chịu nhiều gian khổ, hy sinh nhiều nhất tỉnh Bến Tre trong chiến tranh. Đối phương đã từng chà đi xát lại bằng bom B52, trước khi rải trắng trời chất khai quang dioxin hủy diệt sự sống. Lúc ông đang làm bí thư chi bộ xã Lương Phú, một trận bom hủy diệt đã giết chết hơn 40 người dân vô tội, chính ông đã tận tay chôn cất những thi thể không còn nguyên vẹn. Đối phương muốn đánh bật dân ra khỏi địa bàn, nhưng dân vẫn bám lại chở che, nuôi dưỡng ông Hai Y và đồng đội. Sau ngày giải phóng, người dân Lương Phú tiếp tục chịu đau thương vì hậu quả chất độc da cam. Trong chiến tranh và trong giai đoạn nghèo khó những năm sau ngày miền Nam giải phóng, ông vẫn ấp ủ ý định sẽ có lúc chăm lo cho người dân Lương Phú chu đáo hơn, mà trước hết là bắc cho họ những chiếc cầu. Khi còn làm việc, ông không có thời gian để trả nợ ân tình người dân Lương Phú. Đến khi về nghỉ hưu năm 2001, ông xem đó như là một món nợ với dân cần tiếp tục trả. Cây cầu thứ nhất ở Lương Phú mở đầu cuộc “trả nợ” kỳ thú của ông Hai Y.

Ban đầu ông tính “làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu” để giúp bà con xã Lương Phú, rồi huyện Giồng Trôm, nhưng rồi công việc “hợp lòng dân” này ngày càng được nhiều người hưởng ứng, vậy là ông đề ra mục tiêu cho đời mình là xóa sạch cầu khỉ ở Bến Tre. Ông xin phép thành lập Hội Khoa học - Kỹ thuật Cầu đường Bến Tre, công việc chính là vận động “Nhà nước và nhân dân cùng làm” xây dựng cầu bêtông nông thôn thay thế dần cầu khỉ.

Để lập quỹ xây cầu, ban đầu ông Hai Y vận động những người khá giả trong tỉnh Bến Tre, về sau ông cất công đi gặp những người con Bến Tre thành đạt ở TPHCM và các tỉnh lân cận. Đối tượng vận động cứ mở rộng dần, đến tất cả những ai có cảm tình với quê hương Đồng Khởi, với công việc từ thiện mà ông Hai Y làm bằng cả cái tâm. Ban đầu việc vận động thật khó khăn, có khi đi cả tháng trời mà chỉ xin được mấy chục triệu về đủ bắc đúng 1 cây cầu. Về sau, khi hiệu quả công việc đã được chứng minh, việc vận động thuận lợi hơn. Khi công việc phát triển thuận lợi, nhiều khi ông không cần vận động mà vẫn có nhiều người tìm tới ủng hộ. Chương trình xóa cầu khỉ cho dân nghèo của ông Hai Y đã có tiếng vang tới tận nước Thụy Sĩ xa xôi nên ông Toni, một người Thuỵ Sĩ “máu mê” làm từ thiện, đã qua “chiếc cầu” Hai Y mà đến Bến Tre trực tiếp lăn lộn xây dựng 48 cầu treo cho bà con với tổng giá trị hàng chục tỉ đồng. Hội của ông Hai Y cũng đã vận động Quỹ Schmitz (CHLB Đức) hỗ trợ xây dựng 20 cầu, mỗi cầu trị giá 25 triệu đồng...

Ngoài xây cầu bêtông xóa cầu khỉ, ông Hai Y còn vận động xây tặng bà con nông thôn hàng trăm cây số đường nhựa, đường bêtông. Tổng số tiền vận động làm cầu đường đã lên hàng trăm tỉ đồng. Các công trình từ thiện này phục vụ đi lại cho khoảng 250.000 hộ dân với khoảng 1 triệu người hưởng lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nông thôn. Dù tiếp nhận nguồn đóng góp làm cầu đường hàng chục tỉ đồng mỗi năm, nhưng Hội Khoa học - Kỹ thuật Cầu đường Bến Tre của ông Hai Y không lập quỹ xây dựng, không thành lập đội công trình, mà giao toàn bộ cho địa phương và nhân dân quản lý. Ban thường trực hội có 3 người đều “cơm nhà, áo vợ”, tự túc chi phí. Kể cả chi phí đi vận động, hội đều tự bỏ ra. Hội còn làm tư vấn giúp lập hồ sơ thiết kế miễn phí để giảm giá thành xây cầu.

Vào năm 2009, khi hoàn thành cây cầu thứ 900, ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động về thành tích bắc cầu cho dân nghèo. Nhờ đó, ông đã vinh dự được tham gia đoàn các anh hùng tỉnh Bến Tre làm cuộc hành trình xuyên Việt về Hà Nội dự Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010. Ông Hai Y cho biết, mục tiêu của đời ông (xóa cầu khỉ cho tỉnh Bến Tre) đến nay đã hoàn thành, nhưng không có nghĩa là ông được ngơi nghỉ, mà sẽ tiếp tục nâng cấp, mở rộng cầu đường nông thôn Bến Tre cho tới khi nào mà sức khỏe còn cho phép.

Theo thống kê của Sở GTVT tỉnh Bến Tre, trong 19 năm qua, ông Trịnh Văn Y đã vận động xây dựng hơn 2.100 cầu bêtông, làm hơn 240km lộ nhựa và bêtông, 6 trường học... với số tiền gần 500 tỉ đồng. Ngoài quê nhà Bến Tre, ông còn vận động xây cầu cho các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu,...

KỲ QUAN
TIN LIÊN QUAN

Vietbank tài trợ xây cầu Tập đoàn 2, xã Thạnh Phú, Cần Thơ

Tuyết Nhung |

Sau bao ngày chờ đợi, ngày 26.12.2020, người dân ấp 1 và ấp Ban Lợi xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ đã được chứng kiến cầu Tập đoàn 2 chính thức khánh thành và đi vào sử dụng, giúp cho giấc mơ của hàng nghìn người dân nơi đây trở thành hiện thực, ngày mà có lẽ những người có mặt ở trong buổi lễ có chung một niềm vui mà họ sẽ không bao giờ quên.

Hải Phòng chuẩn bị xây cầu hơn 5.300 tỉ bắc qua sông Cấm

Mai Dung |

Dự án xây dựng cầu Nguyễn Trãi kết nối Khu đô thị Bắc sông Cấm và các khu công nghiệp chính trên địa bàn thành phố như: Vsip, Phà Rừng, Minh Đức, Đình Vũ…có tổng mức đầu tư hơn 5.300 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Hải Phòng.

Nhìn lại 1 năm “Xây cầu đến lớp” cho trẻ em khó khăn

Lâm Anh |

Ngày 15.12.2020, tại Hà Nội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam (Quỹ BTTEVN) cùng Công ty TNHH Grab (Grab Việt Nam) tổ chức Hội thảo sơ kết dự án “Xây cầu đến lớp” – Năm thứ I.

Sớm xây cầu để người dân không đu dây qua sông

THANH TUẤN |

Ngày 4.12, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đang yêu cầu các sở ban ngành sớm hoàn thành thủ tục pháp lý để xây dựng cầu bắc qua sông Pô Kô, nghiêm cấm người dân đu dây qua sông, nguy hiểm đến tính mạng.

Tin buồn

Lao Động |

Bà Trịnh Thị Ngọc Lan (thân mẫu đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương - Phó Trưởng Ban Công đoàn - Bạn đọc Báo Lao Động) sinh năm 1959, từ trần hồi 11h20 ngày 5.10.2024 (tức ngày 3 tháng 9 năm Giáp Thìn); Hưởng thọ 65 tuổi.

Chậm trễ xử lý xưởng trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý

TRUNG DU |

Thái Bình - Công tác xử lý vi phạm tại cơ sở tái chế phế liệu trái phép trên hành lang đê sông Trà Lý ở huyện Vũ Thư chưa nghiêm túc.

Man United hòa Aston Villa, Erik ten Hag nguy cơ rời Old Trafford

Nhóm PV |

Tối 6.10 (giờ Việt Nam), Man United đã chia điểm Aston Villa tại vòng 7 Premier League.

Chiêu thức bán hàng có dấu hiệu nhập lậu trên mạng

Anh Tuấn |

Quản lý thị trường vừa tạm giữ lô nước hoa nghi nhập lậu, rao bán thường xuyên trên tài khoản Tiktoker Phan Thủy Tiên.