Quảng bá hình ảnh đất nước bằng sức mạnh mềm - Cách làm sáng tạo của Trung Quốc

Việt Văn - Đăng Huỳnh |

Nếu Nhật Bản và Hàn Quốc có những chiến lược rất rõ ràng trong việc sử dụng sức mạnh mềm, đưa văn hóa như là một mũi nhọn để quảng bá hình ảnh đất nước thì Trung Quốc cũng có những chiến lược riêng trong mọi lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục... để biến Trung Quốc thành một “thương hiệu quốc gia” mạnh.

Học thuyết sức mạnh mềm về văn hóa nhấn mạnh sự quan trọng của việc tạo ra sức hấp dẫn và sự ảnh hưởng thông qua các yếu tố văn hóa như: Âm nhạc, phim ảnh, thực phẩm, thời trang, ngôn ngữ, truyền thống, và các hình thức nghệ thuật khác. Bằng cách truyền tải những yếu tố này, một quốc gia hoặc tổ chức có thể thúc đẩy hình ảnh tích cực về bản sắc và giá trị của họ, làm tăng khả năng ảnh hưởng và thu hút sự tán thành, yêu thích từ người khác.

Ảnh hưởng "sức mạnh mềm" văn hóa của Trung Quốc

Sự ảnh hưởng của "sức mạnh mềm" từ Trung Quốc đối với một bộ phận công chúng Việt Nam có thể xuất phát từ một loạt các yếu tố và tương tác phức tạp vốn có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử.

Lịch sử và văn hóa gần gũi với nhau: Việt Nam và Trung Quốc chia sẻ một lịch sử và văn hóa lâu đời, với nhiều yếu tố chung trong ngôn ngữ, tín ngưỡng, và tôn giáo. Mặt khác hai nước có cùng một thể chế chính trị. Điều này có thể tạo ra sự gắn kết về mặt văn hóa và tinh thần, tạo điều kiện cho sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Trên cơ sở lịch sử và văn hóa gần gũi, sức mạnh mềm của Trung Quốc được thể hiện qua phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng như truyền hình, phim ảnh, âm nhạc, và mạng xã hội. Những yếu tố này có thể thúc đẩy văn hóa, giá trị và ý thức Trung Quốc đến với người dân Việt Nam. Đồng thời văn học Trung Quốc qua các thời đại đều có ảnh hưởng đến văn học Việt Nam.

Mặt khác, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng quan hệ ngoại giao và hợp tác đa phương trên cơ sở tương tác văn hóa.

Những sự kiện như việc tổ chức các hội nghị, hợp tác văn hóa trong các tổ chức khu vực và quốc tế, tạo ra sự trao đổi văn hóa giữa Trung Quốc và các nước, trong đó có Việt Nam.

Nhìn chung lại, những yếu tố này tương tác với nhau để tạo nên sự ảnh hưởng sâu sắc của "sức mạnh mềm" từ Trung Quốc đối với Việt Nam.

Một số hiện tượng về "sức mạnh mềm" của Trung Quốc ở Việt Nam

Trong lĩnh vực văn học, chỉ riêng trong thời đương đại, có thể nói đến hai hiện tượng văn học Trung Quốc tác động mạnh mẽ đến bộ phận công chúng Việt Nam, đó là võ hiệp và ngôn tình.

Những tác phẩm võ hiệp của Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh, Gia Cát Thanh Vân... đã được dịch và chiếm lĩnh thị trường sách dịch ở miền Nam trước năm 1975. Sang đến thập niên 90, cùng với chủ trương đổi mới, mở cửa, các tác phẩm võ hiệp chính thức quay trở lại với độc giả Việt Nam. Cụ thể, công ty Văn hóa Phương Nam là đơn vị đầu tiên mua bản quyền dịch tác phẩm võ hiệp của Kim Dung và từ năm 2001, toàn bộ tác phẩm của Kim Dung lần lượt được dịch lại và xuất bản ở Việt Nam.

Việc thưởng thức các tác phẩm võ hiệp không chỉ dừng lại ở thế hệ lớn tuổi đã biết đến tiểu thuyết võ hiệp từ trước. Nhiều bạn trẻ Việt Nam hoàn toàn tự nguyện đánh máy vi tính hàng chục ngàn trang sách võ hiệp, đưa lên Internet miễn phí cho mọi người cùng thưởng thức, và kêu gọi mọi người cùng tham gia viết bài bình luận chỉ với hai điều kiện: là người Việt Nam và phải mê truyện võ hiệp.

Giống như ngày xưa, họ còn ký tên dưới mỗi bài viết của mình bằng những bút danh lấy từ tên nhân vật trong tác phẩm võ hiệp: Độc Cô, Vạn lý độc hành Điền Bá Quang, Vô Kỵ... Có đến hàng chục website ở Việt Nam đăng tải truyện kiếm hiệp cũng như những nghiên cứu về tác phẩm kiếm hiệp. Trên mạng xã hội cũng có những nhóm hay chuyên trang dành riêng cho độc giả yêu mến tác phẩm võ hiệp. Như vậy, từ một hiện tượng văn học, truyện võ hiệp đã đi vào đời sống xã hội.

Nhiều khảo cứu mang tính chuyên môn về tác phẩm võ hiệp của các tác giả Việt Nam như: Huỳnh Ngọc Chiến, Nguyễn Duy Chính, Phạm Tú Châu, Ông Văn Tùng, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Phan Nghị, Vũ Đức Sao Biển, Tuyết Lan... đã được in trên báo, tạp chí hay xuất bản thành sách. Những bộ phim dài tập của Hong Kong (Trung Quốc) chuyển thể từ tác phẩm võ hiệp cũng được chiếu rộng rãi ở Việt Nam và thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả.

Ngôn tình là những câu chuyện nói về tình yêu. Đây là một trào lưu sáng tác văn học của các tác giả trẻ Trung Quốc, chủ yếu là nữ, phương thức chủ yếu sáng tác trên mạng, nội dung nói về tình yêu của giới trẻ. Truyện ngôn tình xuất hiện ở Trung Quốc cách đây khoảng gần 20 năm.

Các tác giả viết ngôn tình nổi tiếng có thể kể đến như: Tân Di Ổ, Ðồng Hoa, Tào Đình, Cố Mạn, Ðường Thất Công Tử, Phỉ Ngã Tư Tồn, Lâm Ðịch Nhi, Diệp Lạc Vô Tâm... Ở Việt Nam, nhà văn Trang Hạ là người có công đưa dòng tiểu thuyết ngôn tình vào Việt Nam với việc dịch tác phẩm “Xin lỗi, em chỉ là con đĩ” của nhà văn Tào Đình (Bảo Thê). Khi vào Việt Nam, truyện ngôn tình được nhiều độc giả trẻ Việt Nam say mê vì đặc điểm nhẹ nhàng, dễ hiểu, nói về những câu chuyện tình lâm ly. Mạng Internet trở thành phương tiện chuyển tải tốt nhất cho truyện ngôn tình. Không chờ sách in, nhiều độc giả biết tiếng Hoa đã tự dịch, tự tải lên mạng để chia sẻ.

Hiện nay ở Việt Nam có hàng trăm trang web, diễn đàn, blog như vậy. Cũng từ đó, một loạt những nhà văn trẻ Việt Nam cũng học theo cách viết tiểu thuyết ngôn tình của Trung Quốc, mở đầu với những tác giả như Trần Thu Trang với các tác phẩm “Phải lấy người như anh”, “Tí ti thôi nhé”, Hà Kin với “Chuyện tình New York” và sau đó là một loạt các tác giả trẻ khác như: Anh Khang, Iris Cao, Hamlet Trương, Nguyễn Ngọc Thạch... đều học theo cách viết ngôn tình Trung Quốc và bán tác phẩm rất chạy.

Từ thập niên 90 của thế kỷ 20 cho đến nay, phim truyền hình Trung Quốc đã tạo thành một làn sóng văn hóa ở Việt Nam. Trong luận văn cao học ngành Việt Nam học của học viên người Trung Quốc - Ge Shuang Shuang (Cát Song Song) bảo vệ tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội có tên là “Ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Trung Quốc trên truyền hình tới giới trẻ Việt Nam”. Theo Cát Song Song: Năm 2006, thuật ngữ "sức mạnh mềm" lần đầu tiên xuất hiện chính thức trong văn kiện của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Quốc và Đại hội Đại biểu Toàn quốc Hiệp hội nhà văn Trung Quốc, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh: "Tìm hướng phát triển đúng cho văn hóa Trung Quốc, tạo ra thời đại huy hoàng mới cho văn hóa dân tộc, nâng cao sức mạnh mềm quốc gia là một thực tiễn cấp bách đặt ra trước mắt chúng ta”. Cho đến nay gần 20 năm, Trung Quốc đã tiếp tục chứng tỏ "sức mạnh mềm" văn hóa trong nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng văn học.

Về giáo dục, việc thành lập Học viện Khổng Tử là chủ trương chính của chính phủ Trung Quốc để truyền bá văn hóa Trung Quốc trên toàn cầu. Ngày 21 tháng 11 năm 2004, Học viện Khổng Tử đầu tiên trên thế giới chính thức thành lập tại Seoul, Hàn Quốc.

Số lượng Học viện Khổng Tử ở các nước gia tăng theo thời gian. Theo số liệu của Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo công tác dạy Hán ngữ Đối ngoại Nhà nước Trung Quốc, tính đến thời điểm hiện nay Trung Quốc có đến 541 Học viện Khổng Tử và gần 2.000 lớp học Khổng Tử ở các cấp tiểu học, trung học và đại học tại 162 quốc gia. Ở Việt Nam, Viện Khổng Tử được thành lập ở Đại học Hà Nội từ tháng 12.2014 và duy trì nhiều hoạt động như đào tạo tiếng Trung, giới thiệu văn hóa Trung Hoa, cụ thể như Tuần lễ Văn hóa Trung Quốc, cuộc thi “Nhịp cầu Hán ngữ”...

Bên cạnh giáo dục, xuất khẩu sản phẩm văn hóa được Trung Quốc đặc biệt chú trọng. Từ tháng 9 năm 1994, Trung Quốc bắt đầu tổ chức “Tuần lễ phim Trung Quốc ở nước ngoài” thường niên và hiện nay diễn ra trên 127 quốc gia và 150 đài truyền hình trên cả thế giới. Phim truyền hình được làm quà tặng văn hóa của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho các đài truyền hình nước ngoài.

Các bộ phim truyền hình "Tam quốc diễn nghĩa", "Tây du ký", "Hoàn Châu cách cách", "Danh gia vọng tộc", "Hiếu Trang bí sử", "Khang Hy vương triều", "Bao Thanh Thiên"... đều được phát sóng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á, được công chúng đón nhận nồng nhiệt, thậm chí phát sóng ở hơn 40 quốc gia và khu vực ở Châu Âu. Phim truyền hình Trung Quốc đã có mặt ở khắp các châu lục trên thế giới, trong đó khu vực châu Á vẫn là thị trường chính và Trung Quốc đang cố gắng mở rộng sang thị trường Châu Âu, Mỹ và Phi.

Phim truyền hình Trung Quốc chủ yếu vào Việt Nam bằng ba con đường chính: các kênh truyền hình trung ương và địa phương của Việt Nam, các kênh truyền hình quốc tế Trung Quốc và các kênh truyền hình trên mạng.

Đặc biệt, xem phim truyền hình trên mạng đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của nhiều khán giả Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ do sự tiện lợi. Trong các thể loại phim truyền hình Trung Quốc thì phim lịch sử, kiếm hiệp, cổ trang, tâm lý xã hội là những thể loại phim truyện được nhiều khán giả Việt Nam yêu thích.

Tiểu thuyết “Thần điêu hiệp lữ“. Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn cung cấp
Tiểu thuyết “Thần điêu hiệp lữ“. Ảnh: Nhà xuất bản Hội Nhà văn cung cấp

Bên cạnh truyền hình, phim điện ảnh Trung Quốc cũng được đông đảo khán giả Việt Nam ưa chuộng. Tuy nhiên thời gian gần đây, khi công chúng nhiều cơ hội lựa chọn khác từ phim Hàn Quốc, Nhật Bản và Âu Mỹ... khiến cho điện ảnh Trung Quốc không có sức ảnh hưởng nhiều bằng các lĩnh vực văn hóa khác.

Đặc biệt, mạng xã hội Trung Quốc có ảnh hưởng sâu rộng trong một bộ phận công chúng Việt Nam. Do đặc thù Trung Quốc không cho phép sử dụng Facebook, nên Weibo trở thành trang mạng chủ lực của quốc gia này. Weibo tuy không có ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt, nhưng rất được một bộ phận bạn trẻ Việt Nam ưa chuộng, kèm theo đó là mạng xã hội chuyên dùng để chat gọi là WeChat.

Tương tự như các tác phẩm văn chương ngôn tình, nhiều bạn trẻ Việt Nam đã tình nguyện dịch miễn phí những bài viết hay trên Weibo và đăng lại. Hiện nay trên Facebook ở Việt Nam có group Weibo Việt Nam hoạt động rất rầm rộ với nhiều bài dịch thuật và có số lượng thành viên lên đến hơn 1,5 triệu người. Ngoài ra, còn có trang Fanpage của Weibo Việt Nam được mệnh danh là “Cộng đồng những người yêu Hoa ngữ lớn nhất và đáng yêu nhất Việt Nam” với hơn 2,1 triệu người theo dõi (follow).

Tuy nhiên, khi nói đến mạng xã hội, bên cạnh Weibo phải nhắc đến vai trò của TikTok. TikTok là nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc được ra mắt vào năm 2017, chủ yếu dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc.

Tính đến tháng 5.2023, nền tảng này có hơn 1,1 tỉ người dùng trên 18 tuổi. Hiện nay TikTok là mạng xã hội đứng thứ 6 về số người dùng thường xuyên trên thế giới, sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram và WeChat.

Việt Nam xếp thứ 6 trong Top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới, với khoảng 49,9 triệu người dùng. Nhưng cũng từ đó nhiều hệ lụy đã phát sinh. Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra chiều ngày 6.4.2023, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử - Lê Quang Tự Do đã nêu ra 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam, đó là: tung tin giả, vi phạm về mặt chính trị; nội dung độc hại, phản cảm; không có biện pháp ngăn chặn việc kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng; vi phạm bản quyền; không kiểm soát việc bôi nhọ cá nhân. Từ đó TikTok khiến cho giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu văn hóa xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc.

Thấy gì từ những "sức mạnh mềm" văn hóa của Trung Quốc?

Trung Quốc có một chiến lược cho sức mạnh mềm văn hóa với thuận lợi là nền văn hóa lớn của Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng và tương đồng với Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc là một thị trường đông dân, trong đó có nhiều tài năng văn hóa nghệ thuật được khám phá và đẩy lên hàng ngôi sao quốc tế như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Củng Lợi, Lang Lang...

Hơn thế nữa, do là thị trường đông dân nên đường hướng phát triển sức mạnh mềm văn hóa của Trung Quốc dường như nghiêng về truyền thống dân tộc hơn là hướng ra quốc tế, trước hết là để nhằm phục vụ thị trường trong nước. Điều này khác với Nhật Bản hay Hàn Quốc vì hai quốc gia này chọn cách pha trộn kiểu phương Tây từ cách chọn đề tài văn hóa nghệ thuật, cho đến cung cách quản lý, marketing, truyền thông... hướng ra thế giới.

Nhưng chính việc đi sâu vào truyền thống, với ưu thế sẵn có của một nền văn hóa lớn, đã giao lưu, ảnh hưởng và chi phối nhiều quốc gia lân cận từ hàng ngàn năm nay, lại hình thành sức hấp dẫn riêng của "sức mạnh mềm" cho văn hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, "sức mạnh mềm" văn hóa của Trung Quốc hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn tại thị trường Việt Nam. Đầu tiên là sự cạnh tranh của sức mạnh mềm văn hóa các nước tại Việt Nam ngày càng quyết liệt, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của sức mạnh mềm văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản, Âu Mỹ... tại Việt Nam.

Bên cạnh đó chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra một số chính sách bảo vệ sự phát triển của công nghiệp văn hóa Việt Nam, tránh sự lấn át từ những quốc gia khác. Ngoài ra, nội dung của sức mạnh mềm văn hóa Trung Quốc chưa thật đa dạng, phong phú.

Việt Văn - Đăng Huỳnh
TIN LIÊN QUAN

Kết tinh tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng, chấn hưng văn hóa

Vương Trần |

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một kho báu tinh thần cách mạng vô giá mà chúng ta - mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, phải luôn luôn ra sức học tập và làm theo, mãi mãi giữ gìn và phát huy; coi đó là kết tinh giá trị tinh thần cao đẹp, trở thành chuẩn mực để xây dựng, chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.

Tìm hiểu cuộc đời, tư tưởng, phong cách của Bác qua “Tủ sách di sản Hồ Chí Minh”

Hương Lê |

Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2023), Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu tới bạn đọc nhiều cuốn sách, tư liệu quý về cuộc đời cũng như hoạt động cách mạng của Bác.

Tư tưởng lớn, chiến thắng lớn

Nguyễn Thiện Nhân |

Ôman Uxêđích - Trưởng đoàn đại biểu Quân đội Algeria nói trong dịp sang thăm Việt Nam năm 1960 rằng: Chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7.5.1954, “đã làm cho các dân tộc thuộc địa ngẩng cao đầu”. Tư tưởng “tướng quân tại ngoại và đánh chắc thắng” là hành trang của Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nơi biên ải, đem lại một niềm tin sức mạnh, nguồn cổ vũ lớn lao, là bó đuốc soi đường đi tới thắng lợi trọn vẹn, vẻ vang.

Giá vàng hôm nay 20.9: Vàng nhẫn tăng sốc

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 20.9 tăng mạnh ở thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 sáng nay sắp bằng giá vàng miếng SJC.

Giám đốc công ty làm máy nhắn tin cho Hezbollah bị điều tra

Anh Vũ |

Công ty Gold Apollo, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đang bị điều tra liên quan đến vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah.

Ngắm mùa lúa chín ở Hà Giang vẹn nguyên sau bão lũ

Đan Thanh |

Không chịu ảnh hưởng nhiều sau bão số 3, ruộng bậc thang ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì đang vào mùa lúa chín đẹp, thu hút khách trở lại Hà Giang.

Điện Biên xuất hiện thêm cung trượt đe dọa nhiều hộ dân

NHÓM PV |

Nhiều vết nứt tạo thành cung trượt lớn đang đe dọa nguy cơ mất an toàn đối với nhiều hộ dân tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

VĐV bóng chuyền Nguyễn Thị Xuân và sự bền bỉ ở tuổi U40

NHÓM PV |

Góc nhìn thể thao số 181 có buổi trò chuyện với chủ công Nguyễn Thị Xuân về hành trình gắn bó với bóng chuyền cũng như dự định trong tương lai của tay đập 38 tuổi.