Telesales - nghề chuyên làm phiền, cả ngày nghe chửi

Nguyễn Hoàng Thùy Linh |

Là kênh tiếp cận khách hàng hiệu quả của nhóm sản phẩm đắt đỏ và kén người dùng như bất động sản, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, ngân hàng hay bảo hiểm... vậy nhưng thế giới của những nhân viên bán hàng qua điện thoại (telesales hoặc telemarketing) lại chẳng hề lung linh như những sản phẩm họ chào bán.

Nở rộ như nấm sau mưa

PV Báo Lao Động đã lựa chọn công việc của một nhân viên môi giới bất động sản để cất những bước đầu tiên trong hành trình trải nghiệm nghề bán hàng qua điện thoại - Telesales.

Hoàn toàn không khó. Giữa bạt ngàn những dự án từ thấp đến cao cấp mọc lên mỗi ngày, trước thực tế ứ đọng sản phẩm, dù là chủ đầu tư hay chỉ là đơn vị phân phối thứ cấp cũng đều dành nhiều tâm huyết để gây dựng cho riêng mình một đội ngũ Telesales hùng mạnh. Chính vì lẽ đó, tỉ lệ thuận với số căn hộ được đưa ra thị trường ngày một nhiều, cũng là xác suất người sử dụng điện thoại bị làm phiền ngày một cao.

Trên thực tế, nhiều khảo sát của PV Báo Lao Động cho thấy, trong hầu hết các trường hợp, việc chào bán bất động sản (hoặc các sản phẩm khác) qua điện thoại chủ yếu gây bức xúc, đồng thời để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp.

Anh Cao Văn Tuân (Thanh Trì, Hà Nội) than phiền, việc thường phải nghe nhiều cuộc điện thoại từ chào bán căn hộ chung cư, căn hộ nghỉ dưỡng, tour du lịch... khiến anh cảm thấy “muốn ung đầu”. “Ngày nào cũng bị gọi mời mua hết cái này đến cái khác. Mặc dù tôi đã nói là không có nhu cầu nhưng lúc sau vẫn thấy gọi. Thậm chí có những hôm đang bận họp cơ quan cũng gọi” – anh Tuân bức xúc.

Còn chị Nguyễn Thương Huyền (Ba Đình, Hà Nội) thì lại băn khoăn khi không biết bằng cách nào những nhân viên môi giới lại có số điện thoại và thông tin cá nhân rất cụ thể của mình, trong khi chị chỉ là một người làm công ăn lương hết sức bình thường cùng nhu cầu giản dị.

Với nhiều người khác, sau một tuần làm việc căng thẳng, cuối tuần là thời gian được nghỉ ngơi, tạm rời xa công việc để quây quần cùng gia đình, bạn bè nhưng cũng gặp phải vô số phiền hà bởi những cuộc gọi rao bán nhà, dự án... “Thực sự khó chịu đến muốn nổi cáu. Cả tuần làm việc có mỗi cuối tuần để nghỉ ngơi nhưng cũng chẳng được yên” – anh Nguyễn Như Hòa (khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) bày tỏ.

Danh bạ và điện thoại nhân viên  được cung cấp để làm việc.
Danh bạ và điện thoại nhân viên được cung cấp để làm việc.

Buổi phỏng vấn dễ dàng

Chỉ với vài thao tác tìm kiếm trên mạng internet với từ khóa “Telesales bất động sản”, tôi đã có trong tay lịch phỏng vấn từ một nhà tuyển dụng tên V mà theo quảng cáo, là vô cùng chuyên nghiệp và uy tín.

Trong bộ quần áo tươm tất nhất có thể, đúng hẹn 9 giờ sáng, PV có mặt tại văn phòng công ty V trên trục đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân, Hà Nội). Thoáng chút thất vọng, khi cơ sở vật chất của đơn vị phân phối này khá nhỏ hẹp, đơn sơ, không giống như những dòng tô vẽ trên các trang mạng.

Và có lẽ đó là buổi phỏng vấn dễ dàng nhất trong đời. Không cần hồ sơ, không cần kinh nghiệm và cũng chẳng cần thương thảo các điều khoản, sau chưa đầy 10 phút - chủ yếu là để nghe giọng nói, tất cả ứng viên đều được nhận vào làm việc. Người tuyển dụng bảo: “Tháng đầu tiên học việc không lương, bán được căn hộ nào thì hưởng luôn hoa hồng từ căn hộ đó. Từ tháng thứ 2 trở đi sẽ có thêm phụ cấp là 20.000 đồng/giờ tư vấn”.

Rồi cũng chẳng phải chờ đợi lâu, sau đó, chúng tôi được sắp xếp một vị trí trong căn phòng rộng chừng 40m2 ở tầng 18 của một tòa chung cư với khoảng 30 người, ngồi san sát sau những dãy bàn công nghiệp kê hình ô cờ vuông vắn. Bên cạnh chiếc máy tính cá nhân, trước mặt mỗi nhân viên đều có một xấp giấy dày đặc những con số và ngổn ngang các loại điện thoại. Cả không gian toát lên sự hối hả, tiếng trao đổi lao xao, tiếng bấm điện thoại lách cách, tiếng bút gạch lên giấy loẹt xoẹt...

L. là trưởng nhóm. Anh còn khá trẻ và hoạt bát. Sau khi giới thiệu tôi với các thành viên còn lại, anh thẳng thắn lưu ý: Telesales là một công việc có sự cạnh tranh khốc liệt, kể cả giữa các thành viên trong nhóm. Muốn bắt nhịp, việc của mỗi người là phải mau chóng tự hoàn thiện các kỹ năng trên cơ sở độc lập...

Ngày đầu đi làm, những người mới được cung cấp và yêu cầu học thuộc thông tin trên các mẫu quảng cáo của một dự án chung cư cao cấp ngự trên đất vàng thuộc quận Cầu Giấy (Hà Nội). Do chủ đầu tư khá danh tiếng nên giá nhà tại đây cao chót vót, chủ yếu trên 50 triệu đồng/m2. Cũng trong ngày đó, qua tìm hiểu được biết, công ty V không nằm trong hệ thống mà chỉ là một trong rất nhiều đối tác bán hàng của đơn vị chủ đầu tư nọ. Để tăng sức bán, ngoài đội ngũ sale tự có, chủ đầu tư còn ký kết với các sàn giao dịch và công ty môi giới khác với mức chiết khấu tùy thuộc mức độ “ôm” hàng nhiều hay ít.

Miệt mài làm phiền

Ngày thứ 2, L. bắt đầu giao việc cho chúng tôi. Một chiếc di động giá rẻ và một xấp giấy với chi chít số điện thoại để ra trước mặt, tất cả những gì chúng tôi phải làm là học theo các đồng nghiệp khác, từ cách chào hỏi, mời mọc đến xử lý các tình huống khó trong quá trình đàm thoại...

Tôi lặng lẽ nhìn cách những con người ở đây làm việc và nhận thấy, hầu hết còn rất trẻ, chỉ tầm tuổi sinh viên hoặc cùng lắm mới ra trường. Những cuộc đàm thoại của họ luôn kết thúc rất chóng vánh, thường chỉ vài giây sau màn chào hỏi mở đầu đầy hào hứng. Sau mỗi cuộc gọi thất bại như vậy, chẳng kịp chán nản, họ lại miệt mài như một cái máy, bấm số mới để tiếp tục mời chào. Với những số điện thoại đã gọi, không ngạc nhiên khi phần lớn đều được chú thích ở cột bên cạnh bởi các ký tự “KNC” (không nhu cầu), “KNM” (không nghe máy) hay “SS” (sai số).

Trước thắc mắc của tôi nguồn gốc của hàng ngàn số điện thoại được phát ra cho từng nhân viên, một nhân viên lâu năm của công ty V giải đáp: “Danh sách được mua từ nhiều nguồn khác nhau như tổng đài viễn thông hay ngân hàng. Đừng quan tâm đến khách là ai, làm gì, bao nhiêu tuổi, có nhu cầu hay không. Hãy cứ gọi”.

Rồi cũng đến lúc tôi phải bắt tay vào việc. Theo quy định, một nhân viên phải gọi tối thiểu 200 số điện thoại mỗi ngày dưới sự đôn đốc của trưởng nhóm mới được phép ra về. Sau đó, nhân viên phải tự thống kê các tỉ lệ. Từ số liệu tham chiếu của các nhân viên, tôi nhận thấy, khoảng 85% khách hàng không có nhu cầu mua nhà, 10% không nghe máy hoặc không liên lạc được và 5% còn lại là sai số.

Tôi hốt hoảng tâm sự với một “ma cũ” tên N: “Vậy tỉ lệ bán hàng chỉ là 0%?”. N nghe xong mỉm cười an ủi: “Chả sao đâu. Mình đã có 20.000 đồng mỗi giờ. Còn công ty thì coi như đó là một kênh để quảng cáo. Dẫu khách có nhu cầu hay không, thì họ vẫn biết rằng đang có một dự án nhà như vậy trên thị trường. Tuy vậy, hãy cứ nhấc máy và gọi, rồi đến lúc may mắn sẽ tới. Ở đây cũng có người làm suốt nửa năm mới bán được căn hộ đầu tiên nhưng vẫn yêu nghề và miệt mài”.

Nếu được hỏi cảm giác lúc đó là gì, thì có lẽ là sợ hãi. Vì bản thân đã từng phát điên lên với những cuộc gọi phiền nhiễu, nên tôi cơ bản mường tượng được những gì đang chờ đợi ở đầu dây bên kia. Thực vậy, trong suốt thời gian ở công ty V, tôi đã trải qua đủ các cung bậc sợ hãi. Người nhẹ nhàng thì lịch sự từ chối: “Không có nhu cầu đâu nhé”, “Không dùng đâu”, “Sao các em gọi lắm thế”... hoặc thậm chí vui đùa tán tỉnh. Nhưng không ít người lập tức xả rủa: “Đồ lừa đảo, tao kiện cả công ty chúng mày”, “Thế mày là ai, tên gì, bao tuổi, chi nhánh nào, để tao gọi điện cho sếp mày”... Trong tất cả các trường hợp, tôi buộc phải kiên nhẫn và không được phép ngắt máy trước.

Thấy tôi có vẻ xuống tinh thần trầm trọng sau vài ngày thử việc, N tiếp tục an ủi rằng chỉ có kiên nhẫn và chăm chỉ mới thành công. “Khi gặp khách có nhu cầu, hãy hẹn họ ở bên ngoài hoặc chuyển lên cấp cao hơn, đừng dại đưa về công ty nếu không muốn bị “vợt” mất”.

Sau khi kết thúc công việc tại công ty V, tôi tiếp tục ứng tuyển vào vị trí Telesales tại một vài công ty khác và đều nhận thấy việc tuyển dụng vô dùng dễ dàng với mức lương cơ bản giao động từ 20.000 đồng – 25.000 đồng/giờ. Vẫn với tập giấy in số điện thoại dày cộp, vẫn với các dự án nhà đất và với một trưởng nhóm kè kè hối thúc phải gọi tối thiểu cả trăm cuộc điện thoại mỗi ngày, tôi tiếp tục làm công việc của một Telesales bất động sản mà chẳng cần qua bất cứ khoá đào tạo nào. Thậm chí có cả những cuộc, đầu dây bên kia xì xồ tiếng nước ngoài...

Nói như tâm sự của hầu hết những người làm nghề mà tôi từng có dịp tiếp xúc thì nghề Telesales dường như chỉ phù hợp để làm thêm hoặc người mới ra đời cần bổ sung kỹ năng. Khi cứng cáp, chẳng ai muốn gắn bó với cái nghề mà cả ngày chỉ đi làm phiền rồi để bị chửi cả. Phải chăng vì thế, mà nghề Telesales chẳng thể gây được thiện cảm?

Nguyễn Hoàng Thùy Linh
TIN LIÊN QUAN

Xót xa “chạy” để được làm thầy, làm cô

LÊ PHI LONG |

“Chạy” làm thầy, làm cô – nghe xót xa quá. Nghề giáo, nghề danh giá và được kính trọng bậc nhất trong xã hội đang bị đánh mất bởi sự việc xảy ra tại Đắk Lắk.

Chưa áp dụng việc bỏ cộng điểm thi nghề phổ thông trong tuyển sinh năm 2018

Đặng Chung |

Những Sở GDĐT trên cả nước nếu có quy định cộng điểm khuyến khích đối với học sinh thi nghề phổ thông thì sẽ được tiếp tục áp dụng quy định này trong mùa tuyển sinh năm học 2018-2019.

Giáo viên mất việc ở Đắk Lắk bán cháo vỉa hè kiếm sống

Theo VNExpress |

Để có tiền trang trải cuộc sống sau nhiều năm đứng bục giảng, các giáo viên phải làm nương rẫy, bán cháo ở vỉa hè, chăn nuôi..., thậm chí bỏ nghề.

Bắt giam Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

TRUNG DU |

Thái Bình - Ông Vũ Văn Hạnh (54 tuổi), Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình) vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.

Mục sở thị phố ẩm thực Hàn Quốc ngay giữa Hà Nội

Linh Boo |

Ghé khu K-Town ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), du khách có thể thưởng thức ẩm thực tại những quán ăn chuẩn vị Hàn Quốc, và đứng “đâu cũng có ảnh đẹp”.

Tất cả mẫu nước sau vụ vỡ đập thải ở Bắc Kạn đều không đạt

Việt Bắc |

10/10 mẫu nước lấy tại Tuyên Quang xét nghiệm sau vụ vỡ đập bùn thải của Công ty Kim loại màu Bắc Kạn đều không đạt tiêu chuẩn sử dụng cho sinh hoạt.

Thông tin chính thức vụ thân mật trong lớp học ở Long Biên

KHÁNH AN |

Hà Nội - Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho biết, cô giáo xuất hiện trong clip ở Long Biên ít kinh nghiệm quản lý lớp học và xử lý các tình huống xảy ra còn non kém.

CLB Hoàng Anh Gia Lai bị Đà Nẵng cầm hòa trên sân khách

NHÓM PV |

Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai chỉ có 1 điểm sau trận hòa 1-1 trước SHB Đà Nẵng trên sân Hòa Xuân tại vòng 4 LPBank V.League 2024-2025 tối 3.10.