Tiếng gọi bến bờ

Bích Ngân |

Nhà báo Đỗ Quang Hạnh, gọi cho tôi: “Em viết gì đó về con người miền Tây Nam Bộ cho số báo Tết. Anh vẫn còn lưu giữ nhiều hình ảnh thật hay, thật cảm động của con người vùng đất đó”. Khi nghe tôi nói mình đang… kẹt “ nợ” phải trả gấp, trong đó có việc chỉnh sửa bổ sung cho tiểu thuyết “Thế giới xô lệch” để Nhà xuất bản Hội Nhà văn in lần thứ 6 kịp trong kế hoạch năm 2016, anh liền nói: “Thế giới xô lệch cũng là vấn đề mà anh muốn em viết. Một thế giới mở với những xô lệch, trong đó có việc ứng xử con người của một vùng đất vốn đầy ắp vẻ đẹp nghĩa tình”.

Giờ khi ngồi trước bàn phím, tôi cảm nhận được phần nào những ký ức đẹp vẫn được lưu giữ nơi một người Hà Nội sống cách vùng đất này hơn ngàn cây số, bất chấp dòng xoáy của nền kinh tế mà thành phần chủ đạo còn nhập nhèm lợi ích riêng chung; ở đó, đời sống văn hóa, đời sống tinh thần, thứ giá trị hồn cốt dân tộc luôn bị đẩy vào ma hồn trận của thử thách, căng kéo, đẩy xô với vô vàn thay đổi, và đánh đổi. Ký ức, điều còn lại, đọng lại nơi anh Hạnh, người mà vốn trải nghiệm không chỉ bằng những năm tháng làm báo, viết báo, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, mà còn là sự đa cảm của một người cầm bút nhiều trăn trở, có lẽ, còn là tính cách của những con người chịu “mần”, chịu chơi, chịu nhậu, những con người như bước ra đâu đó từ trang sách đã xa của Phi Vân, Phạm Ngọc Truyền, Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng… và đặc biệt là cốt cách, nghĩa khí nơi những người hào kiệt, những con người biết chọn lựa, biết hy sinh tuổi trẻ và cả phần máu xương cho cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, lại tiếp tục dấn thân vào cuộc chiến âm thầm mà khốc liệt trong thời bình, cuộc chiến giành lấy cuộc sống mà nghĩa nhân luôn là giá trị bất biến trong dòng đời vạn biến này.

Tôi nhớ, trước ngày tôi trở thành cô dâu, dù đang là Phó chủ tịch Minh Hải (tỉnh ghép tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu), ba tôi vẫn đèo má tôi trên chiếc xe đạp “Giải phóng” đi đến từng nhà bà con, bè bạn mời họ dự tiệc cưới (tiệc ngọt) con gái mình. Thiệp mời còn có dòng chữ in nghiêng “Gia đình không nhận tiền mừng, quà mừng”. Tôi cũng còn nhớ, có một món quà mà ba má tôi cho phép con gái mình được nhận, đó là món quà mừng của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Xuyến mà tôi gọi là cô Hai, cô Hai Trung (cô là người bạn thân thiết với ba má tôi khi ba má tôi chưa có đứa con đầu lòng là tôi). Quà của cô Hai là quyển “Từ điển Anh - Việt” bìa màu đỏ dày cộp được bỏ vào cái túi lưới bằng len màu trắng, cái túi cô vừa mang về từ chuyến đi tham quan Cộng hòa Liên bang Xô viết mà cô đi với tư cách là Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Minh Hải. Tôi vẫn còn nhớ dòng chữ nắn nót của cô ghi ở trang đầu quyển từ điển: “Cô Hai chúc hai cháu hạnh phúc và luôn vững bước trên con đường tri thức”.

Con đường tri thức, con đường cô Hai Trung không chỉ “nhắn nhủ” đối với tôi, đứa con của đồng chí mình, mà cô kỳ vọng vào lớp người có thể nối tiếp bước đi của cô, của thế hệ lấy máu xương đổi lấy hòa bình, cô đã người dành trọn số tiền tuất và tiền chính sách dành cho gia đình liệt sĩ (người chồng và đứa con trai duy nhất của cô hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ) và cả một phần tiền lương hàng tháng của cô để giúp cho trẻ em nghèo hiếu học.

Tôi nhớ, cô còn nói, cô làm việc nhỏ này không chỉ cho riêng mình mà còn là cách sống tiếp cuộc sống không được sống của chồng và của con trai của cô nữa. Được làm điều gì đó cho các cháu, cô còn thấy cuộc đời mình được kéo dài ra. Cuộc sống cô có ý nghĩa hơn và sự hy sinh của chồng của con cô cũng sẽ không vô nghĩa.

Có lẽ, cũng cùng suy nghĩ cô Hai Trung mà ba tôi đã không nhận ngôi biệt thự trên đường Trần Phú mà với cương vị công tác của mình, ông được Nhà nước cấp, để chọn một ngôi nhà cấp bốn nằm trong một con hẻm nhỏ. Tôi nhớ, ba tôi đã cho họp mặt cả gia đình. Trong buổi tối dưới ánh đèn nhập nhoạng ngày đó, ông ngượng nghịu như thấy mình có lỗi với vợ con. Tuy nhiên, ông không thể làm khác đi. Ông phân tích cho má tôi và chị em tôi về sự lựa chọn phần thiệt cho mình, cho gia đình mình. Ông không chỉ là khước từ ngôi nhà bề thế, mà trước đó ông còn nhường chiếc Honda cánh én kim vàng (chiếc xe được Sở Tài chính tỉnh phân phối cho các lãnh đạo đầu ngành) cho cấp phó của mình. Lúc đó bán chiếc xe có thể mua được một căn nhà mặt phố, trong khi cả nhà chỉ có một chiếc xe đạp cọc cạch. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo đầu ngành, đầu cấp mình, cho tới ngày về với đất, ba tôi chưa một lần được ở ngôi nhà mới, ngoại trừ ngôi nhà mồ mà má tôi và chị em tôi xây cho ông, ngôi mộ giản dị với quyển sách mở làm bằng đá trắng khắc mấy dòng chữ được trích ra từ bài viết “Lẽ phải và tình thương”, cũng là tên một quyển sách được xuất bản nhiều lần của ba tôi. Bài viết đã từng tạo nên sức lan tỏa rộng lớn và có lẽ mãi còn nguyên giá trị: 
“...Không thể nào trở thành cô giáo tốt, thầy thuốc giỏi, kiện tướng ưu tú, nghệ sĩ tài năng, nếu không biết lẽ phải, không có tình thương… Phải dạy người chưa biết chữ và dạy cả người có trình độ học vấn cao mà kém lòng nhân ái…”.

Một người nữa mà tôi muốn viết đôi dòng là ông Năm Hạnh, một nhân cách mà sự chính trực vẫn còn tỏa sáng dù thân xác ông đã tan rữa dưới lòng đất. Tên thật ông là Lê Văn Bình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa VIII. Ông cùng thời với ba tôi và cũng là người bạn gần gũi với ba tôi. Trong vụ án Cimexcol, một vụ án lạ thường mà cho tới giờ, sau hơn ba mươi năm, vẫn còn đó những câu hỏi không lời giải đáp, ông Năm Hạnh, theo ông Đoàn Thanh Vị, Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải lúc đó, là người “được tổ chức chọn ra tòa trong phiên tòa xét xử kéo dài nhiều ngày tại Nhà hát Chung Bá thị xã Bạc Liêu. Trong phiên tòa mà tôi có mặt, hình ảnh một người lãnh đạo đứng đầu chính quyền tỉnh, khi đứng trước vành móng ngựa với mái tóc trắng xóa, lời nói sang sảng, lý lẽ thuyết phục. Sau nhiều giờ phân tích sự đóng góp không nhỏ của Cimexcol trong giai đoạn đó đối với thời kinh tế bao cấp hết sức khó khăn, không chỉ của địa phương mà còn của cả nước, cùng những hạn chế, va vấp, sai lầm của Cimexcol trong cơ chế kinh tế còn bất cập, thiếu thực tiễn; phân tích cái lý cái tình cũng như những điều vô lý, áp đặt từ bản án của phiên tòa… ông đã nhận hết trách nhiệm về mình, dù trách nhiệm đã được phân công cụ thể cho nhiều thành viên trong Ban thường vụ Tỉnh ủy lúc đó. Ông bị xử một năm tù treo, một bản án, cũng theo lời ông Ba Vị, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Minh Hải, là “quá oan nghiệt!”, mãi cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay, ông vẫn chưa được minh oan, dù lúc còn sống, chưa ngày nào ông ngừng nghỉ việc đòi minh oan, đòi lẽ phải, đòi công lý, không chỉ riêng cho bản thân ông.

Người cuối cùng tôi không thể không nói đến trong bài viết này là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông là người mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nói là một trong những người Nam Bộ nhất trong những người Nam Bộ. Bản thảo cuối cùng, mà nhà văn Nguyễn Quang Sáng ấp ủ thai nghén lâu nhất, chính là bản thảo kịch bản phim “Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt”.

Tôi nhớ, lần làm việc cuối cùng ở NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM, nhà văn Nguyễn Quang Sáng vừa uống từng ngụm whisky (lần nào khi mời ông đến nhà xuất bản làm việc, ông cũng nửa đùa nửa thật qua điện thoại: “Có rượu cho bố uống không, con gái?”) vừa hào hứng nhắc lại câu nói của ông Võ Văn Kiệt mà ông “chớp được” và đưa vào kịch bản phim, đó là câu: “Mệnh lệnh của Đất của Dân là mệnh lệnh thiêng liêng nhất!”. Uống tiếp mấy ngụm rượu, nhà văn tiếp tục rỉ rả về những kỷ niệm về ông Sáu Dân (bí danh của ông Võ Văn Kiệt), rồi ông đúc kết, những điều đúc kết dường như đã nằm lòng, ông nói: “Ở ông Sáu Dân, điều khiến mọi người nể phục, đó là: Luôn đi với dân. Luôn nghe dân. Luôn vì dân. Sáng tạo, linh hoạt, dám làm, dám chịu trách nhiệm và chịu chơi, chơi đẹp!”

Dòng Cửu Long vẫn cuộn chảy, phù sa và xoáy lở, màu mỡ và khô cằn và vẫn còn văng vẳng tiếng gọi của bến bờ, tiếng gọi của yêu thương từ những dòng chảy xiết và từ anh linh của những con người đã hiến trọn đời mình cho nước, cho dân.

Bích Ngân
TIN LIÊN QUAN

Trung tâm thương mại trăm tỉ đồng trên đất vàng vẫn đìu hiu

An Khánh |

Sau gần 10 năm tổ hợp Trung tâm thương mại (TTTM) - chợ trăm tỉ đồng xây trên đất vàng vùng biên xứ Lạng, người dân và tiểu thương đã vỡ mộng vì việc kinh doanh không sầm uất được như chủ đầu tư và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã khẳng định trước đó.

32 bàn thắng ở 7 trận đầu lượt trận thứ hai Champions League

tam nguyên |

32 bàn thắng được ghi trong loạt 7 trận đấu mở màn lượt trận thứ hai UEFA Champions League 2024-2025.

Hạ tầng mãi không xong tại khu dân cư giữa lòng TP Bạc Liêu

NHẬT HỒ |

Bạc Liêu - Hàng trăm hộ là cán bộ, người tái định cư sống ở Khu dân cư Thiên Long (phường 5, TP Bạc Liêu) khổ sở vì có nhà ở cũng như không.

TP Hòa Bình báo cáo vụ thuê cơ sở thiếu chứng nhận ATVSTP

Minh Chuyên |

Hòa Bình - Theo UBND TP Hòa Bình, Công ty TM DV An Thịnh chưa được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đúng như Báo Lao Động phản ánh.

Hà Nội trang hoàng dịp kỉ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô

Nhật Minh |

Hà Nội - Nhiều tuyến phố, địa điểm công cộng tại Hà Nội được trang trí cờ, hoa, pano để chào mừng kỉ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô.

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Nước Sông Hồng dâng cao, cầu phao Phong Châu tạm đóng

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều tối 1.10, cầu phao Phong Châu phải tạm ngừng phục vụ người dân do nước sông Hồng dâng cao.