Chúng ta cùng trò chuyện với nữ sĩ Bàng Ái Thơ về ma thuật của thơ ca, về việc được sinh ra trong một danh gia vọng tộc có ảnh hưởng tới sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của chị thế nào...
Thưa chị, NXB Ukiyoto của Canada vừa xuất bản thơ chị, giới thiệu trên toàn thế giới. Vậy động lực nào thôi thúc chị đưa tập thơ “Ma thuật thi ca” đến với bạn đọc quốc tế? Và tại sao chị chọn tập thơ này chứ không phải tập thơ khác của mình?
- Tôi làm thơ bằng những trăn trở từ cuộc sống thường nhật đời mình. Tôi có sự suy nghĩ nhỏ rằng: "Phụ nữ là một nửa thế giới chịu trách nhiệm làm nên những kì diệu từ những mềm mỏng hay cứng cáp đời người, cùng góp phần với nửa thế giới kia, tạo nên một hành tinh văn minh, phồn thịnh"... Đây cũng là lí do tôi muốn tác phẩm của tôi được vươn tầm ra quốc tế, tới tay bạn đọc yêu thơ, mong được chạm vào những trái tim đồng cảm với tôi. Tập thơ này tôi viết ở nhiều thời điểm, bằng nhiều tâm trạng, cảm xúc riêng tư. Tôi tự hiểu, trên thế giới tất cả phụ nữ, ngoài những điểm chung thì chúng tôi đều có những cái riêng, những góc khuất cuộc đời mà chỉ phụ nữ chúng tôi mới thấu hiểu và cảm thông với nhau, sẻ chia với nhau dưới nhiều nội dung, hình thức, mà thi ca cũng là một trong những hình thức cảm thông được thông qua những ngôn ngữ giãi bầy trang trọng. Đây là lí do tôi muốn những thông điệp trong thơ tôi có ngày được các bạn trên thế giới hoan nghênh đón nhận.
Chị có ấn tượng gì với đất nước Canada? Chị đã bao giờ thăm nơi đó? Việc một nhà xuất bản ở Canada xuất bản thơ của chị, mang lại cho chị cảm xúc gì?
- Canada là nơi tôi chưa từng được đặt chân tới, nhưng qua truyền thông thì tôi được biết, đó là một đất nước xinh đẹp, cân bằng về sinh thái, đất đai phì nhiêu, người dân Canada giàu lòng nhân ái, họ luôn mở lòng đón những luồng gió ngoại hội nhập trên nhiều phương diện để củng cố cho đất nước của họ ngày càng giàu mạnh hơn, họ nỗ lực để từ cửa sổ thế giới nhìn ra chúng ta sẽ thấy Canada là một quốc gia "đáng sống". Tôi đã thật hạnh phúc cùng với niềm vui rộn ràng từ trái tim tôi khi tôi được biết "có một nhà xuất bản ở đất nước Canada xinh đẹp này đã nhận in ấn tập thơ "Ma Thuật Thi Ca" của tôi, nâng đỡ đứa con tinh thần của tôi được cất cánh bay xa hòa nhập cùng thế giới...
Trong niềm xúc động này, tôi chỉ còn biết nói lời cảm ơn sâu sắc tới đội ngũ các biên tập viên, phát hành của NXB Ukiyoto bằng lời nói của trái tim tôi rằng: "Tôi trân trọng cảm ơn và yêu quí các bạn nhiều lắm”.
Điều gì gây cảm hứng để chị đặt bút viết thơ? Cụ Bàng Sĩ Nguyên (cha chị), có ảnh hưởng như thế nào tới sự nghiệp văn học, nghệ thuật của chị? Câu nói nào của cụ khiến chị nằm lòng và coi như phương châm sống, hoặc sáng tác?
- Khi còn nhỏ, tôi đã thích đọc, thích viết, thích vẽ những gì hiện diện xung quanh mình. Tôi vẽ những bức tranh bằng tâm hồn non nớt, tôi viết những bài thơ bằng tâm hồn ngây thơ trong sáng của đứa trẻ bẩy, tám tuổi, cái tuổi của đứa trẻ còn đang thèm khát sự âu yếm, yêu thương của mẹ cha. Rồi cứ thế tôi viết, vẽ rồi xếp gọn góc bàn và một ngày cha tôi đã lặng lẽ ngồi ngắm những bức tranh xinh xắn, rồi trầm ngâm đọc những trang viết đầu đời của tôi và nói rằng: "Nếu con vẽ, viết mà quên được cái chân đang đau của con thì hãy cứ viết cứ vẽ đi con nhé".
Câu nói của cha từ ngày thơ ấy, đã ghi tâm khắc cốt theo năm tháng dọc đời tôi. Rồi tới khi những nỗi đau vật chất cũng như nỗi đau tinh thần mà tôi nếm trải, thì cũng là lúc hồn thơ tôi thức dậy an ủi tôi như liều thuốc băng bó cho mọi nỗi đau đời vậy. Đứa con trai đầu lòng chẳng may mất đi, hôn nhân đầu tan vỡ... Cuộc hôn nhân thứ hai cũng gặp cảnh trớ trêu, nỗi đau anh gây ra cho tôi chưa kịp dịu thì anh lại qua đời...
Tôi làm thơ từ những nỗi đau, và cả từ những nhỏ nhặt của cuộc sống. Tôi luôn thèm ngồi nghe chuyện của cha. Khi còn nhỏ, tôi thường được cha cho theo đến Lớp bồi dưỡng viết văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam và ngồi cuối lớp nghe cha nói chuyện, trao đổi về những sáng tác với các nhà văn trong giờ giảng. Từ khi nào tâm hồn tôi đã ngấm sâu những hình ảnh và những ngôn ngữ từ mạch nguồn văn chương như định mệnh của đời tôi.
Việc sinh ra trong dòng tộc họ Bàng, một dòng họ có những nhân sĩ lừng danh đất nước, có là một lợi thế cho chị trong quá trình phấn đấu tạo dựng sự nghiệp nghệ thuật của mình?
- Tôi sinh ra trong một gia đình, một dòng tộc danh giá đã có những nhân sĩ của nhiều thế hệ từng đóng góp đáng kể cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Những áng văn, thơ, hội hoạ, nhiếp ảnh, âm nhạc của các bậc tiền hiền trong dòng tộc của tôi còn là những tác phẩm để đời. Họ không chỉ ghi tên tuổi trong nước mà trên thế giới cũng từng vang tên họ.
Tôi luôn nhìn vào tấm gương nhà mà noi theo và phấn đấu. Tôi yêu đất nước tôi, tôi yêu dân tộc tôi, tôi cảm ơn những độc giả, thính giả và những người quan tâm nhiều đến những tác phẩm hội hoạ, nhiếp ảnh nước nhà đã tặng cho những nhân sĩ trong dòng tộc nhà tôi những vẻ vang của hành trình văn học nghệ thuật nước nhà. Cũng là tạo cho tôi những động lực mạnh mẽ hơn, cho tôi có được nội lực bền bỉ mà nối nghiệp nhà.
Dù đi đâu, về đâu thì đất nước tôi, dân tộc tôi vẫn rung lên những áng thơ ca, những nốt nhạc trầm, những tác phẩm hội hoạ bất hủ mang hơi thở Việt Nam trong lòng tôi.
Việc cùng lúc sáng tác đa dạng loại hình nghệ thuật, từ thơ, văn xuôi, vẽ tranh, viết nhạc, và lấn sân kiến trúc, thiết kế nội thất, mà mảng nào chị cũng gặt hái thành công, có phải do được thừa kế gen nghệ thuật từ dòng họ Bàng? Hay từ sự nỗ lực cá nhân và những biến cố, cùng cơ may chị gặp trong đời?
- Dòng máu nghệ thuật của cha ông đã cho tôi tiếp nhận những tinh tuý truyền đời, để có tôi hôm nay mong được nối nghiệp nhà, mong những đam mê được thoả sáng tạo. Tôi không định đi sâu vào loại hình nghệ thuật nào cụ thể. Nhưng từ đâu đó trong đời này, những thanh âm của cuộc sống cứ hình thành trong não bộ của tôi mà đòi hỏi tôi giải mã chúng, hối thúc tôi cho chúng được thoát giải, bằng cách này hay bằng cách khác là do tôi định đoạt. Vậy nên ngôn ngữ của thơ chưa giúp tôi truyền tải hết những gì tôi muốn nói thì hội hoạ sẽ giúp tôi làm tốt những phần còn lại.
Rồi cứ thế các loại hình của nghệ thuật đã xuất hiện, lấn nhau trong não bộ của tôi. Vậy là tôi tự cởi mở tôi hơn cho âm nhạc len vào tác phẩm của tôi. Cho dù vui tươi rộn ràng hay u buồn tư lự thì thơ ca, nhạc, hoạ của tôi, chúng đã tự quấn quện vào nhau mà dập dìu cất cánh theo tâm hồn tôi vậy.
Là một người từng trải qua nhiều nỗi đau, chị có điều gì muốn nhắn nhủ với những người phụ nữ khác?
- Cảm ơn số phận đã không tạo một vòng tròn không lối thoát cho bất cứ một sinh linh nào. Khi ta được làm người, khi ta rơi vào hoàn cảnh trớ trêu nào đó, ta hãy tin rằng lối thoát đang ở trước mặt ta, số phận chỉ chập chờn, biến ảo như đùa giỡn với kiếp người mà thôi. Tự ta cũng nỗ lực để vượt qua số phận mà thay đổi được.
Còn tôi, tôi đã vượt lên số phận bằng vũ khí rèn đúc từ cân bằng tâm lý, như con người phải bắt đầu từ hoang sơ vậy. Tôi bắt đầu từ một cuộc sống khổ đau, từ nước mắt chảy ngược vào trong, từ những tự nhủ chịu đựng, những cam chịu của người phụ nữ cô đơn mọi mặt. Rồi lẽ sống cũng dẫn tôi đi từ những đau thương kết thành chất xúc tác kích hoạt tốt cho tinh thần tôi, cho người phụ nữ yếu đuối như tôi vững vàng từng bước trưởng thành trong cuộc sống để tạo nên sự nghiệp cho mình. Tôi luôn tự tạo ra những cách nghĩ, cách làm từ tư duy mỏng như lát cắt bằng những duy mỹ của cuộc sống. Nếu trong trùng điệp người người kia có ai không đồng tình với cách nghĩ cách làm của tôi, thì tôi cũng tha thiết xin người hãy đọc tác phẩm tôi với tấm lòng bao dung độ lượng.
Xin cảm ơn nữ sĩ!