Cơm, cháo hạt sen: Khi nấu cơm có thể cho hạt sen vào nấu và ăn cùng. Hoặc có thể kết hợp hạt sen với gạo nếp, gạo tẻ để nấu cháo (ngọt hoặc mặn tùy khẩu vị) ăn vào buổi sáng, tối. Lượng dùng từ 15-30g hạt sen/ngày/người.
Chè, cháo khiếm thực, hạt sen
Khiếm thực 60g, hạt sen 30g cùng ninh nhừ, nêm đường hoặc muối tùy khẩu vị; có thể kết hợp thêm táo đỏ, kỷ tử để món ăn thêm hấp dẫn và bổ dưỡng.
Hoặc dùng thịt quả vải, hạt sen, hoài sơn, mỗi vị 20g, 100g gạo tẻ, cùng nấu nhừ thành cháo. 2 món này đặc biệt phù hợp cho người bị di tinh, hoạt tinh, khí hư, huyết trắng, tiểu buốt, tiểu gắt, tiêu lỏng (viêm dạ dày, đại tràng mạn tính).
Chè hạt sen, long nhãn, kỷ tử
Phù hợp cho người mắc chứng tâm thần bất an, ngủ kém. Lượng dùng cho mỗi người/ngày: hạt sen 15-20g, long nhãn 12-15g, kỷ tử 6-8g; dùng đường phèn hoặc đường đen; nêm nếm tùy khẩu vị.
Bí đỏ chưng/hầm hạt sen, táo đỏ hoặc gà mái hầm hạt sen
2 món này thích hợp với người bị suy nhược cơ thể, biếng ăn, tiêu lỏng mạn tính; giúp bồi bổ khí huyết, tinh lực, an tinh thần...
Hạt sen (15-20g) kết hợp nấu cháo cùng khiếm thực (30g), hoài sơn (12-15g); hoặc hạt sen (50g) nấu cháo cùng gừng tươi (25g); hoặc hạt sen nấu xôi với gạo nếp. Các món đều ăn khi còn nóng vào bữa sáng và chiều. Thích hợp cho người lớn lẫn trẻ em thường xuyên bị tiêu phân lỏng.
Chè củ từ hạt sen; chè bưởi hạt sen
Với lượng đường vừa phải, kết hợp với củ từ, cùi bưởi, món này phù hợp giải quyết cơn thèm chè cho người ăn kiêng, người bị tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu. Một số chất có trong củ từ, cùi bưởi giúp ngăn cản sự tích tụ của chất béo trong thành mạch máu, hóa đàm, hành khí (trừ khử và lưu thông những ứ trệ trong máu).
Canh hạt sen (30g) nấu cùng bách hợp (30g), thịt heo nạc (200g): Dùng khi bị ho do viêm khí quản. Các nguyên liệu cùng ninh nhừ, nêm nếm vừa khẩu vị, ăn nóng; giúp mát phổi, giảm ho, tiêu đờm.