Bi kịch nhà nghèo đậu đại học

LỤC TÙNG |

Nhìn chị Nguyễn Thị Tươi rớt nước mắt kể những đêm mất ngủ vì không biết đào đâu ra tiền cho con nhập học Trường ĐH Y - Dược Cần Thơ, tôi bỗng nhớ đến cái chết bế tắc vì không vay được 4 triệu đồng đóng học phí cho con của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân cách đây chưa đầy 2 năm ở Cà Mau.
Khóc ướt gối vì con đậu… “bác sĩ”

 

Tin Nguyễn Minh Luôn, ở cuối ngọn Xẽo Trại (ấp Phú Bình, xã Phú Long, Châu Thành, Đồng Tháp) đỗ ngành bác sĩ Trường Đại học Y - Dược Cần Thơ tại kỳ tuyển sinh 2015 với 27 điểm nhưng có khả năng không đi học vì gia cảnh nghèo, đã nhanh chóng lan ra khỏi địa phương. Sau hai lần hẹn và chờ đến tối mịt mà không gặp được tại nhà, điện thoại nhiều lần vẫn không thể bắt liên lạc, cuối cùng tôi cũng gặp được chị Nguyễn Thị Đẹp - mẹ của Minh Luôn, chị đang làm mướn ở cơ sở sản xuất bột gạo Tư Phú (xã Tân Phú Đông, Sa Đéc). Sau những dò xét căng thẳng, chị Đẹp rướm nước mắt xin lỗi: “Tui sợ nghe điện thoại, anh thông cảm”.

Theo lời chị Đẹp, sáng nay đã hẹn chiều sẽ ghé vay tiền cho con nhập học, giờ điện thoại reo sợ người ta điện đến từ chối. Chị bảo không nghe lời từ chối, là để nuôi hy vọng, vì biết đâu đến chiều người ta thương tình mà đổi ý cho vay. “Nợ bao nhiêu mà sợ không được vay”? Sau một hồi bấm đốt ngón tay theo kiểu “tính rợ” của người không biết chữ, chị Đẹp ngồi thừ ra: “Nợ 20 triệu đồng, mấy năm rồi vẫn chưa trả được”.

Chị Đẹp bỗng nghẹn lời, từ khóe mắt thâm quầng của người đàn bà vừa qua tuổi 37 này nước mắt ứa ra: “Mấy hôm trước, nghe thầy cô, bạn bè báo tin Minh Luôn đậu ngành “bác sĩ”, tôi mừng lắm. Nhưng khi nghe nói về các khoản tiền học phí, tiền ăn, tiền ở trọ… thì tay chân tôi rụng rời. Nhà 5 miệng ăn, sống bằng nghề làm thuê, mấy năm nay cha cháu lại đổ bệnh. Nghĩ mãi không biết đào đâu ra tiền. Đêm đến tôi úp mặt khóc, nước mắt ướt cả gối mà cũng không tìm ra cách”.

Ông Trần Văn Phú - chủ cơ sở bột Tư Phú, cho biết: “Đây là lao động đặc biệt nhất mà tôi từng thuê”. Do không có “tay nghề”, chị Đẹp xin vào làm khâu xử lý cặn bột, đây là công việc nặng, thông thường cần đến 2 người, nhưng chị xin được làm một mình để lãnh trọn số tiền 3.000đ/bao (50kg tấm). Và để đạt thu nhập 100 ngàn đồng/ngày, chị phải bưng, bê khoảng 4 tấn tấm, cộng với lượng nước có sẵn trong quá trình xay, tổng khối lượng lên đến cả chục tấn. Nhìn thân hình hao gầy của chị Đẹp, tôi không sao lý giải được sức mạnh nào đã giúp người đàn bà này hoàn thành núi công việc nặng nhọc từ ngày này sang ngày khác? Phải chăng đó là sức mạnh của tình thương mẫu tử và niềm tin mãnh liệt: Tìm lấy sự đổi đời từ con đường học vấn?

Xin chung tay giúp Luôn nhóm lên niềm tin…

Đó là thông điệp mà cô Tống Thị Kim Hiền - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Minh Luôn tại Trường THPT Châu Thành 1 (Châu Thành), kêu gọi những nhà hảo tâm gần xa chia sẻ khó khăn của cậu học trò đặc biệt nhất trong 20 năm giảng dạy của mình.

“Ban giám hiệu trường cũng đã có văn bản kêu gọi giúp Minh Luôn, nhưng chỉ phạm vi địa phương. Vì vậy thông qua Báo Lao Động, chúng tôi thiết tha kêu gọi những tấm lòng vàng chung tay giúp Minh Luôn có cơ hội…” - cô Hiền nói. Theo cô, Minh Luôn không chỉ biết vượt khó học giỏi mà còn góp sức giúp gia đình giảm bớt khó khăn. Với người như thế, chắc chắn sẽ trở thành bác sĩ có trái tim yêu người, yêu đời và có ích cho xã hội.

Nhà cách trường hơn chục cây số đường nông thôn, nhưng mỗi sáng Luôn chỉ ăn cơm nguội với nước mắm để đi học. Khi phát hiện em phải nhịn hoặc chỉ ăn cơm trưa với mắm, muối, Ban giám hiệu giới thiệu cho em ăn cơm từ thiện tại ngôi chùa gần trường. “Một dạo Luôn ngã bệnh, thấy em xanh xao, tôi mua mấy lốc sữa để em bồi bổ. Nhận xong, Luôn cám ơn rồi cất vào cặp. Lúc đầu tôi lấy làm lạ, nhưng qua tìm hiểu, biết Luôn để dành số sữa ấy về nhà cho em gái bị thiểu năng và mẹ bồi dưỡng, tôi càng thương yêu Luôn hơn” - cô Hiền không nén được cảm xúc khi kể về người học trò hiếu thảo.

Ông Phú cho biết thêm: “Do áp dụng theo chế độ khoán trên tấn sản phẩm, Luôn không được trả tiền công, nhưng thỉnh thoảng vào ngày nghỉ Luôn lại đạp xe cả chục cây số đến giúp mẹ…”. Tuy nhiên điều khiến cho nhiều người yêu quý và lấy làm tiếc nếu Luôn không trở thành “bác sĩ” chính là vì em quá xứng đáng. “Học giỏi, nhưng nó cũng giỏi chuyện có hiếu lắm. Cứ chủ nhật là thấy nó ra đồng… kiếm cá cho gia đình. Chuyện đều đặn đến mức, hễ hôm nào thấy thấy thằng Luôn ra đồng, không cần nhìn lịch cũng biết là ngày chủ nhật” - ông Đặng Văn Nam tự hào về đứa cháu hàng xóm của mình.

Vào những ngày nghỉ, Minh Luôn đạp xe hơn chục cây số để giúp mẹ đỡ nhọc nhằn. Ảnh: L.T 

Đừng để có thêm bất cứ Minh Luôn nào nữa!

Nhìn chị Đẹp rớt nước mắt kể những đêm mất ngủ vì không biết đào đâu ra tiền cho con nhập học, tôi bỗng ái ngại nhớ đến cái chết vì bế tắt không vay được 4 triệu đồng đóng học phí cho con của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân ở Cà Mau mà Báo Lao Động đã phản ánh cách đây chưa đầy 2 năm. Ngộ nhỡ chị Đẹp nghĩ dại… (!) Cánh cửa đại học không chỉ đóng lại với Minh Luôn mà cả niềm tin và hy vọng thoát nghèo của cả một gia đình cũng tan thành mây khói… “Bởi, với người nghèo không đất đai, không vốn liếng, thì việc học, cụ thể hơn là lấy được tấm bằng đại học, chính là con đường tự xóa đói, giảm nghèo bền vững nhất”, PGS-TS Nguyễn Tri Khiêm - Trưởng khoa Kinh tế - Luật (Đại học Nam Cần Thơ), đúc kết.

Tiếc là lâu nay các hoạt động khuyến học chưa trở thành chỗ dựa cho những người như Minh Luôn hôm nay và những Minh Luôn trong tương lai đi và đến cái đích ấy. Dù rằng, trên thực tế, gần như địa phương nào cũng có tổ chức khuyến học. Thậm chí, có địa phương tồn tại cùng lúc nhiều tổ chức hoạt động với chức năng này. Nhưng hầu hết đều có điểm chung: Chọn và cấp cho thật nhiều đối tượng, trong khi gói tiền có hạn nên mỗi suất chỉ dao động vài trăm đến vài triệu đồng và kết quả là nhiều người nhận tiền sớm quay trở lại với khó khăn. Đành rằng “chăn hẹp, người đông”, ấm nơi này thì lạnh nơi khác và có thể sau bài viết này, Minh Luôn sẽ được tổ chức khuyến học nào đó tặng suất học bổng dăm ba triệu đồng với những lời có cánh: “Truyền lửa, thắp sáng niềm tin”… Nhưng sau đó thì sao?

Có ai nghe được tiếng nỉ non của chị Đẹp khóc vì áp lực kiếm tiền trước những hạn đóng học phí trong 6 năm còn lại? Có ai đong được nỗi buồn vì… học giỏi đang lởn vởn trong tâm hồn trong sáng của Minh Luôn? Xin đừng để có thêm bất cứ Minh Luôn nào nữa… Bởi như thế không chỉ là sự lãng phí nguồn nhân lực, mà còn là sự lãng phí niềm tin của người “nghèo học giỏi” vào chính sách ưu tiên cho giáo dục.

Đến đây bỗng tôi nhớ đến hành trình đã đưa người học trò nghèo Võ Tòng Xuân từ vùng Bảy Núi xa xôi của tỉnh An Giang bước ra và trở thành chuyên gia nông học thế giới. “Nhờ có chính sách “học bổng toàn phần” mà người nghèo như tôi có được cơ hội du học” - ông nhớ lại: “Lúc đó nhà nghèo lắm, tôi vừa học vừa làm nhiều thứ nghề, như bán báo…. để nuôi mình và nuôi đàn em. Nhờ học bổng lo toàn bộ chi phí đi lại, học tập, ăn ở trong suốt 4 năm mà một học sinh xuất thân từ gia đình nghèo như tôi đã có cơ hội học tại ĐH Los Banos (Philippines) làm nền tảng cho những bước đi sau này”.

Vì sao chúng ta không xóa bỏ sự khuyến học dàn trải với hệ lụy: “Chi nhiều mà hiệu quả mang lại không bao nhiêu” để tiến tới những gói học bổng đủ sức hỗ trợ cho những người có nghị lực và tấm lòng đi tiếp con đường học vấn, mà trường hợp của Minh Luôn là điển hình. Biết đâu, qua đó chúng ta lại có thêm nhiều Võ Tòng Xuân trên các lĩnh vực khác? Đáng buồn là sau khi đặt câu hỏi với nhiều người có trách nhiệm, nhưng tôi vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

LỤC TÙNG
TIN LIÊN QUAN

U20 Việt Nam thắng 3 trận liên tiếp, chờ quyết đấu U20 Syria

NHÓM PV |

U20 Việt Nam giành chiến thắng 4-1 trước U20 Bangladesh tối 27.9 và tạm thời đứng thứ nhì bảng A, vòng loại U20 châu Á 2025.

Lào Cai ghi nhận ca "vi khuẩn ăn thịt người" đầu tiên

Đinh Đại |

Ngành Y tế Lào Cai vừa phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh Whitmore còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".

Em trai của Trương Mỹ Lan xin lại số tiền 10 tỉ đồng để trị bệnh

Tâm Tú |

TPHCM - Tại phiên tòa Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, đại diện ông Trương Mễ (em trai Trương Mỹ Lan) xin tòa giải tỏa kê biên số tiền 10 tỉ đồng để trị bệnh.

2 phút cướp ôtô rồi gây ra 6 vụ tai nạn khiến 7 người thương vong ở Cần Thơ

Tạ Quang - Yến Phương |

Cần Thơ - Sự việc xảy ra quá nhanh, quá trình cướp xe của đối tượng dương tính với ma túy chỉ diễn ra trong vòng 2 phút.

Tiền phạt quá tiền công, tài xế nói "quyết không chở nữa"

Tô Thế |

Nhận chuyển hàng cồng kềnh với hơn 100 nghìn đồng tiền cước. Tuy nhiên, nhiều tài xế bị CSGT Hà Nội phát hiện xử lý, tiền phạt gấp nhiều lần tiền công.

Tại sao mua vàng nhẫn lãi hơn vàng miếng khi giá phá đỉnh

Khương Duy |

Giá vàng nhẫn tròn trơn sau nhiều phiên giao dịch đã tiếp cận giá vàng miếng SJC. Nhiều lý do kết hợp khiến nhà đầu tư lãi đậm hơn khi mua vàng nhẫn.

Còn 9 nạn nhân mất tích trong vụ lở núi ở Làng Nủ

Đinh Đại |

Lào Cai - Lực lượng chức năng huyện Bảo Yên đã tìm thấy thi thể một nạn nhân mất tích trong vụ lở núi xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh.

TPHCM thay đổi nhân sự chủ chốt tại nhiều quận, sở ngành

MINH QUÂN |

Chiều 27.9, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì lễ trao quyết định bổ nhiệm và nghỉ hưu cho một số cán bộ chủ chốt tại nhiều quận, sở ngành.