Và đất nước Thụy Sỹ đã cho tôi những ngày sống mơ màng với xiết bao hồ nước trong xanh và những đỉnh tuyết trắng vĩnh cửu, những dòng sông băng mênh mông rợn ngợp, những cánh rừng ôn đới tươi non như Vườn Địa Đàng hạ giới. Dường như những đêm nằm ở thành phố di sản, giáp biên giới ba nước (nơi “một tiếng gà mang ba quốc tịch”) trên đường từ Pháp sang “Vương quốc đồng hồ”; những ngày sống ở đỉnh núi Titlis cao nhất miền trung Thụy Sỹ với các hang băng vĩnh cửu, các thị trấn đẹp hơn cả cổ tích… đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ về nhiều điều trong cuộc đời. Để rồi, hôm ấy, nằm trên cỗ xe lãng mạn rời biên giới của đất nước nhỏ bé mà đáng sống vào bậc nhất thế giới đó, tôi luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: Tại sao một nơi như thế này mà mình chỉ ghé qua ít ỏi thế thôi? Chưa chia tay đã thấy len lén nhớ nhung, rồi tiếc nuối.
Nhiều gia đình đang sở hữu máy bay riêng. |
1. Ám ảnh nhất là văn hóa giao thông. Có hôm, xe đang chạy như những viên đạn xé gió ở Lucerne thì thấy tiếng phanh kít két, rồi đoàn dài nối đuôi nhau kiên nhẫn chờ đợi. Tôi, theo thông lệ Việt Nam, buột miệng, chắc có tai nạn hay cảnh sát giao thông chặn đường bắt xe vi phạm rồi. Hay có bà chửa qua đường, tôi lẩm bẩm. Không, có một “nữ giới lạch bạch” đang đi kìa. Cậu lái xe người Ba Lan da trắng nhễ nhại mỉm cười. Hóa ra giữa dòng xe là một con vật giống vịt bầu, cổ óng ánh sắc xanh, đang chậm chạp, lê thê dắt theo 5 đứa con để sang đường. Một con thiên nga cái mắn đẻ, lũ thiên nga con lít nhít bậm bạch, lũn cũn đang “bước đều bước”. Đáng yêu quá, thiên nga sậm tình mẫu tử đã đẹp, hồ nước mênh mông nó vừa bơi lên càng đẹp, nhưng cái tình tử tế của người đi đường còn tuyệt hơn
Phố cổ dưới chân dãy Alps. |
Thụy Sỹ là một quốc gia trung lập, diện tích bé bằng 1/8 và dân số bằng khoảng 1/12 Việt Nam. Thụy Sỹ, núi sông nó lạ lắm. Nếu dãy Hymalaya như một phần quan trọng của nóc nhà, của xương sống (hay cái khóa giang) của trái đất, thì Alps giữ vai trò đó ở cả Châu Âu, với nhiều đỉnh cao trên 4.000m so với mực nước biển. Và chúng khai sinh ra nhiều kỳ quan thiên nhiên, riêng số sông băng bí ẩn đã có diện tích tới hơn 1.000km2. Khối núi trắng sông trắng băng tuyết này đã sinh ra tới 4 hệ thống sông lớn, chảy khắp cả Châu Âu.
Có những sơn nguyên hay các dãy tuyết sơn vĩnh cửu của địa cầu mà tôi từng bay qua hoặc lái xe qua rồi bói mắt nhìn xuống, chỉ thấy rợn ngợp hãi hùng thôi. Nhưng, còn ở Thụy Sỹ thì khác, núi cao nhất Châu Âu, cao vào hàng quán quân trên thế giới, rồi tuyết trắng nhức mắt, nhưng núi, rừng, hồ nước ở đó không hoang vu, cũng chẳng rậm rịt. Nó là rừng ôn đới sạch sẽ như có ai vào quét tước hằng ngày, rồi ấp ủ làm sao cho tán rừng nào cũng rực lên cái màu sắc thánh thần lắm. Đẹp sửng sốt nhất là những con hồ. Nhìn từ xa, tuyết trắng trên chóp núi cứ như mỗi núi đang đội một cái mũ của ông già tuyết. Tuyết từ trên núi tràn xuống chân thành dòng trắng xóa, có khi tuyết viền quanh chân núi, viền quanh các con đường tàu hỏa và ôtô. Ngoài những chỗ trắng xóa, cây vẫn xanh thắm, rừng vẫn bung sắc như một ân sủng của trời đất.
Hồ xanh ở Thụy Sỹ. |
Từ Pháp rong ruổi qua nhiều thành phố để đến Zurich, tôi đi qua rất nhiều con hồ và nhiều dãy núi được chăm sóc vun vén cầu kỳ. Vạn trùng núi, vạn trùng mây, núi nào đủ cao thì chất ngất trùm mũ trắng băng tuyết. Núi thấp thì lan man vài dòng chảy “sương trắng nắng tràn”. Thấp nữa thì rừng vừa đủ rậm, vừa đủ thưa để phủ kín như lớp lông bóng mướt tuổi thanh xuân của một loài hoang thú kiều diễm. Ở rừng đó, vừa như nguyên thủy, lại vừa có cảm giác như bàn tay con người hiện hữu khắp mọi nơi. Thụy Sỹ nổi tiếng với những tòa lâu đài đẹp nổi da gà, thường là lake side (bên hồ), các ruộng nho vằn vện, uốn lượn điệu đà theo kiểu ruộng bậc thang Mù Căng Chải ở Việt Nam.
Trên đỉnh các vòng cung nho nấu rượu vang hay các thửa ruộng trồng hoa trái làm ra tuyệt kỹ chocolate đó, bao giờ cũng là một tòa lâu đài mái tròn nhọn. Núi cao thì phải có suối treo/ rừng già thì phải có dây leo/ đá tảng thì phải có rêu bám/ Là con người thì phải có đam mê. Tôi cứ láy đi láy lại cái câu đại ý thế chứ không hoàn toàn thế của cổ nhân, khi du thám Thụy Sỹ. Bởi rừng và hồ nước, bởi cây xanh và suối treo từ thiên đình buông tỏa xuống đại ngàn. Tàu hỏa ở Thụy Sỹ lừng danh nhân loại tiến bộ, nó đi với tốc độ 300km/h, bằng tốc độ của máy bay khi rời đường băng chuẩn bị cất cánh.
Đi qua các đường hầm xuyên dãy Alps, người ta phải thiết kế các thiết bị cách âm và chống áp suất để hành khách khỏi bị điếc tai. Hàng chục năm, các chuyến tàu này ít khi sai giờ một… phút. Có tunnel (đường hầm) xuyên núi dài chừng ba bốn chục cây số. Giữa đỉnh cao công nghệ đó, nhìn ra, tôi vẫn thấy mình như đi cùng cụ A Đam và cụ E Va thuở hồng hoang, vẫn thấy đủ sắc màu nguyên thủy, thánh thiện, trong văn vắt của thiên nhiên hồi Chúa mới nặn ra loài người. Đây, suối treo lắt lẻo trắng đến ớn lạnh sống lưng.
Suối tan ra từ tuyết trắng, chảy như áng tóc mây rủ xuống hồ xanh. Màu trắng in trên màu rừng già thăm thẳm. Người ta tinh tế, tôn trọng và nương tựa vào mẹ thiên nhiên đến mức thành lẽ sống. Nhà cửa làm vắt vẻo theo các triền núi có từ thuở tạo sơn, không có các tập đoàn ủi núi lấy mặt bằng để rồi đất lở đá lăn. Từ đỉnh trời xuống đến sát mép hồ, lít nhít, lô nhô, xanh thắm rồi sặc sỡ xanh đỏ toàn nhà cửa. Kiến trúc tựa rồi ẩn mình vào núi, cây, hồ nước. Phố xá, làng mạc lắt lẻo men theo núi đến mức, tôi cứ tự hỏi, liệu họ có nỡ phá núi mở đường ôtô lên trên vòi vọi kia không nhỉ?
Cây cầu gỗ cổ nhất Châu Âu bên hồ Lucerne ở Thụy Sỹ. |
2. Dân Thụy Sỹ hơn 7,5 triệu người, tức là xấp xỉ Hà Nội, TPHCM, vậy mà hồ nước, sông suối của họ sạch như cổ tích, như một giấc mộng êm ái. Dường như họ chưa bao giờ xả rác hay đổ phế thải? Khen nơi đáng sống bậc nhất thế giới, nơi có chính trị trung lập mấy thế kỷ qua như Thụy Sỹ thì cũng là khen phò mã tốt áo. Nhưng đúng là không hiểu làm sao các hồ nước của họ xanh thế. Đẹp đến ảo mộng, mà hồ nào cũng đẹp.
Lòng tham nổi lên, tôi ước mơ mình có một tháng sống bên bất kỳ hồ nào của Zurich, Engelberg để nghĩ, rồi viết gì đó trong lúc được thở cho nở phổi, cho thanh lọc cơ thể sau mấy mươi năm tràn ngập bụi trần ai với các đám tắc đường của Hà Nội, TPHCM… Đôi lúc đến những miền đất mà sự ô nhiễm đè lên vai những phận người buồn, tôi đã thở dài thương họ, hỏi, cũng một kiếp nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày, sao người ta được mẹ thiên nhiên ôm ấp và cho bú mớm bởi cặp vú tuyệt đỉnh đến như Thụy Sỹ hay Butan (các nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới). Rồi tự trả lời, bởi vì họ thượng tôn giá trị vốn có của vỏ trái đất một cách tinh tế và tử tế. Cái đó phải học mới làm được. Cái đó lắm tiền kiểu trọc phú cũng chả làm được, huống nữa là đã nghèo lại còn sân si chẳng cầu tiến.
Người Thụy Sỹ làm du lịch rất chuyên nghiệp và họ chăm sóc thiên nhiên đến tuyệt bích. Chẳng thế mà thị trấn núi Thiên Thần cao 1.000m so với mực nước biển ở quốc gia không hề giáp biển và rất nghèo tài nguyên này lại đón tới 800.000 lượt khách mỗi năm. Tức là trung bình mỗi người dân ở đây, bất kể cụ già 100 tuổi hay đứa trẻ sơ sinh, một năm đón 200 du khách! Có người bảo, thả một ánh nhìn vào Thụy Sỹ, bạn sẽ không đủ sức thu tầm mắt lại. Hao tổn thị lực và buông lơi nỗi nhớ các mặt hồ được phối cảnh lộng lẫy của Geneva rồi Lucerne như thế thì mệt lắm. Những cảnh đẹp kinh điển giở mộng giở thực này, nó dường như là một ám ảnh thèm khát về vườn địa đàng của tổ tiên loài người từng được chép trong kinh
Sáng Thế?
Kỳ thú treo trên những cây cầu để vượt qua thung lũng sông băng. |
3. Núi cao, băng tuyết tinh khiết, rừng ôn đới sạch sẽ, các hang băng kỳ vĩ, các dòng sông đông cứng bí ẩn, từng đàn đại gia súc trù phú ngẩn tò te bên hồ nước trong veo. Mật độ dân số chỉ 181 người/km2, lại là biểu tượng danh tiếng của hòa bình và dân chủ. Người Việt Nam ta ai cũng biết đến một thành phố Geneva, nơi mà năm 1954 đã diễn ra lễ ký kết hiệp định đình chiến nhằm khôi phục hòa bình, chấm dứt sự hiện diện của quân đội và chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương.
Là nơi đặt trụ sở suốt nhiều thập niên qua của Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế và Tổ chức Thương mại Thế giới, nơi có hệ thống ngân hàng an toàn danh tiếng nhất của loài người, là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất địa cầu, Thụy Sỹ có ngàn lẻ một thế mạnh lý tưởng để biến du lịch thành con gà đẻ trứng vàng và trứng kim cương.
Ngẫu hứng bên bờ tường nhà dân tại Angelberg. |
Khi tôi lên đến đỉnh Titlis, nhò mặt ra khỏi chỗ mấy cậu Trung Quốc bán đồng hồ Thụy Sỹ bằng gương mặt càu cạu, vừa dợm bước vào thế giới hang động băng tuyết khổng lồ thì máu mũi trào ra đỏ cả gương mặt. Cao quá, lạnh quá, không khí loãng quá. Ơn trời, có xúc xích của các nông dân tận tụy và tử tế của dòng tu Biển Thước (họ luôn tâm niệm lấy lao động làm vinh quang), bên cạnh là chai “Tương ớt” viết bằng chữ Việt Nam, dòng chữ tiếng Anh “chilli sauce” (tương ớt) bé xíu.
Chà, một niềm tự hào be bé như quả ớt chỉ thiên dâng lên, cũng đủ để máu cam ngừng chảy. Sang Thụy Sỹ, mua cái đồng hồ lừng danh thiên hạ, để cũng thấy râm ran mãn nguyện về một “giấc mơ con” đầy tục lụy. Và từ buổi chiều ấy, dòng trôi tích tắc thầm thì của chiếc “đồng hồ mạch máu” bất ly thân (máu còn rần rật dưới da thì nó còn tự lên dây cót và tiếp tục chạy) Swiss Made bắt đầu đếm ngược. Để đếm xem, bao lâu sau thì chủ nhân của nó mới được trở lại miền đất rất đáng sống, với núi trắng hồ xanh...