Bộ trưởng Phạm Vũ Luận từng bấm ngón tay: Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2014, kinh phí chi từ ngân sách bình quân là 400.000 đồng mỗi cháu. Với khoảng một triệu cháu, kỳ thi quốc gia ngốn đứt 400 tỉ đồng. Nhưng đó mới là ngân sách Trung ương.
Tại địa phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng Lê Trung Chinh có lần tiết lộ, một kỳ thi tốt nghiệp, Đà Nẵng chi bình quân khoảng 2 tỉ đồng. Đà Nẵng, chỉ khoảng 1 triệu dân với 12.000 cháu dự thi và 2 tỉ được cho là “mức rất thấp”.
Nếu tính bình quân, chi phí địa phương sẽ là 2 tỉ đồng x 64 tỉnh. Thực tế, với các tỉnh mật độ cao vài lần như Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Nam... cho đến gấp Đà Nẵng cả chục lần như Hà Nội, TP.HCM thì kinh phí mà cả nước đã bỏ ra cho kỳ thi vừa qua có thể lên tới 500 - 700 tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng - lời ông Chinh.
Mở ngoặc nói thêm, chưa kể những đề án mà Bộ Giáo dục từng trình, rồi rút, trị giá ngót 750 tỉ đồng chỉ để “đổi mới thi cử”.
Phải nói, chúng ta có một kỳ thi quá tốn kém về mặt kinh tế. Chưa kể chi phí gia đình, chưa tính thời gian vật chất, chưa nói tới sức ép và stress vì thi cử.
Đổi lại là gì?
Số liệu chính thức và mới tinh từ Bộ Giáo dục, có 97,57% cháu đỗ tốt nghiệp THPT. Trong này, tỉ lệ giáo dục THPT đỗ lên tới 98,36%. Trong này lại có những tỉnh đỗ 99,xx%. Theo thầy Đào Tuấn Đạt (giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Anhxtanh (Đống Đa, Hà Nội), để tốt nghiệp, học sinh chỉ cần tổng điểm trung bình lớp 12 cộng với điểm các bài thi là 10 điểm. Ví dụ, học sinh có điểm trung bình lớp 12 là 7,5, điểm trung bình các bài thi chỉ cần 2,5 là tốt nghiệp. Vì thi trắc nghiệm 4 phương án, xác suất được 2,5 điểm là khả thi.
Đỗ dễ đến mức chỉ cần không có điểm liệt.
“Cả ngàn tỉ” tốn kém, bằng 2/3 khoản thu nếu thuế bảo vệ môi trường tăng kịch khung, chỉ để xác định 2,43% không tốt nghiệp. Chỉ để lấy cái bằng “hầu như chẳng ai quan tâm nữa” - từ dùng của ông Võ Duy Khương- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Chúng ta vẫn nghe quen những phát ngôn: Học không phải để thi. Nhưng chính kỳ thi tạo ra hiệu ứng ngược lại hoàn toàn.
Và giờ, vẫn là thời sự cho câu hỏi của ông Võ Duy Khương từ cách nay hai năm: "Trong lúc đất nước mình còn khó khăn như thế này mà lại tốn không biết bao nhiêu mà kể để tổ chức thi lấy cái bằng tốt nghiệp lớp 12 mà bây giờ hầu như chẳng ai quan tâm nữa, liệu có đáng không?".