John Oliver, MC chương trình Last Week Tonight của kênh HBO, trong chương trình đêm 1.3 đã nói về COVID-19 bằng tấm bản đồ Việt Nam và bài hát Ghen Cô Vy một cách cực kỳ thích thú và hào hứng.
Tấm bản đồ, để nhắc tên Việt Nam như là một trong những quốc gia có khả năng kiểm soát dịch tốt nhất. Còn bài hát Ghen Cô Vy, như một biện pháp âm nhạc góp phần vào sự hiệu quả ấy.
Một biện pháp mang lại cảm hứng mà hiệu ứng truyền thông của nó thậm chí tạo ra những thử thách (#ghencovychallenge) bằng các điệu nhảy trên tik tok. Và, như bình luận một cư dân mạng đã viết: Nghe một lần là nghiện, nghe lần thứ hai quên luôn bản gốc.
Ghen Cô Vy là một sản phẩm của Viện Sức khỏe, Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế phối hợp với nhạc sĩ Khắc Hưng, Erik và Min làm mới lại bản hit “Ghen”, từng làm mưa làm gió suốt năm 2017. Phần "Vũ điệu rửa tay" do được sáng tạo bởi biên đạo Quang Đăng.
Trước khi lên sóng HBO, trước khi “lọt tai” Billboard, trước khi tạo ra trào lưu trên tik tok, Ghen Cô Vy đã được chia sẻ khắp các diễn đàn. Và đây là những con số chứng minh: Mv phiên bản lyrics thu về hơn 1,4 triệu lượt xem, phiên bản hoạt hình cũng có tới gần 1 triệu lượt xem chỉ sau ít ngày phát hành.
Trong chiến dịch, đúng hơn là cuộc chiến chống bệnh dịch, Chính phủ cũng như ngành y tế đang làm quá tốt công tác truyền thông. Bởi xét cho cùng, mỗi người dân cũng là một chiến sĩ. Mà một chiến sĩ không thể ra trận nếu thiếu thứ vũ khí quan trọng nhất: Sự hiểu biết và ý thức phòng chống dịch.
Với Ghen Cô Vy, Bộ Y tế “bước chân vào showbiz” thật dễ thương, thật sáng tạo và thật... so hot - đã biến cuộc chiến chống dịch ở Việt Nam “chưa bao giờ đáng yêu đến thế”.
Sự thành công của Ghen Cô Vy là một tiền lệ, một gợi ý tốt cho công tác truyền thông, cho một biện pháp cổ động mới cần phát huy, đặc biệt đối với những gì liên quan đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. Bởi một biện pháp cổ động bằng nghệ thuật đích thực, hay và trúng, đến được với người dân một cách gần gũi và hấp dẫn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với những sáo rỗng trong những lời hô hào, hay “chết cứng” trong những tờ rơi chỉ có tác dụng rác nhà.