“Không còn xu nào” là một cách nói thậm chí chưa chính xác.
Quỹ bình ổn tại Petrolimex, trước thời điểm 15h ngày 10.11, bị âm 355 tỉ, tăng thêm 145 tỉ chỉ sau 3 tuần. Tổng Công ty Dầu Việt Nam âm 700 tỉ đồng... Tổng cộng Quỹ bình ổn nằm tại các DN xăng dầu đang âm tới ngót 1.500 tỉ đồng.
Sinh ra một cái quỹ mang tên bình ổn, để bình ổn giá. Nhưng chính cái cách điều hành “không hiểu nổi”: “bình” giá đúng vào lúc ổn nhất của thị trường khi nhu cầu tiêu dùng giảm tối đa vì phong toả. Để đến giờ gánh hậu quả: Khi giá lập đỉnh lịch sử, lúc bất ổn nhất của giá thì lại chẳng còn xu nào để “bình ổn”.
Và hậu quả của “giá xăng” và “tát nước theo xăng” hiển hiện ngay ở giá rau xanh, đội giá vì xăng dầu và thời tiết, đang đắt hơn cả thịt - đến tuần thứ 2. Hàng quán thì đồng loạt tăng giá khi "tụt mood" với giá cái gì cũng"phi mã". Và doanh nghiệp vận tải- không thể chịu lỗ mãi được- bắt đầu tăng giá cước.
Với tỉ trọng 25-40% tổng chi phí, các doanh nghiệp vận tải đang ở vào thế ăn vào lợi nhuận, thậm chí “hễ xe lăn bánh là lỗ”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ hồi tháng 9 đã yêu cầu nghiên cứu, tính toán các yếu tố, dư địa có thể khai thác để giảm giá xăng.
Bộ Công thương, 3 ngày đó đã đưa ra một cái hẹn sớm nhất.
Nhưng rồi, đến hôm 12.11, gần một tháng rưỡi sau yêu cầu của Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết vẫn “đang nghiên cứu” đề nghị giảm thuế phí trong giá thành xăng dầu.
Giá xăng, suýt soát 25.000 đồng, đã ở mức “lịch sử 7 năm”, tức là chỉ thiếu 80 đồng thì phá “đỉnh của đỉnh”. Trong khi người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế còn chưa kịp hoàn hồn, chỉ mới bắt đầu phục hồi trở lại.
Và trong đó, thật tréo ngoe và trớ trêu, thuế phí trong xăng dầu kỷ lục 55-60% giá bán, riêng thuế bảo vệ môi trường trong xăng dầu vẫn chằn chặn 3.800 đồng.
Con số tuyệt đối chằn chặn bất kể giá lập đỉnh, bất kể doanh nghiệp, người dân khó khăn thế nào phải nói là cực kỳ bất hợp lý.
Bất hợp lý nhất là đối với các doanh nghiệp đầu mối, những người đang phải đi vay tiền ngân hàng để bù quỹ theo quy định. Thậm chí, có doanh nghiệp đang vay với lãi suất tới 8%/năm để bù quỹ.
Chỉ còn 48h nữa là tới cái hẹn “sớm nhất có thể, không chờ tới 16.11” của Bộ Công Thương.
Nhưng, doanh nghiệp, người dân sẽ lại có thêm một cái hẹn “sớm nhất” từ Bộ Tài chính?