Lương đã trở thành một chủ đề nóng trong phiên thảo luận cuối tuần của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa đã dùng đến hai chữ “báo động”. Dẫn “định nghĩa của Mác”, rằng lương phải đủ tái sản xuất sức lao động, bao gồm phải nuôi được gia đình, ông Nghĩa đánh giá: Lương của chúng ta đang trả hiện nay không đạt.
Là một luật sư, ông Nghĩa cũng dẫn quy định trong luật Lao động là lương không thấp hơn lương tối thiểu, trong khi lương tối thiểu hiện không đáp ứng được nhu cầu, mức sống thông thường, thậm chí mức tối thiểu.
Và trong khi lương tối thiểu, trên lý thuyết, được xác định trên mức sống cơ bản, tối thiểu. Nhưng mức sống tối thiểu từng nơi thì lại khác nhau. Ví dụ mà luật sư nêu ra là nếu một người hưởng lương ở địa phương thì còn có vườn rau để cải thiện. Trong khi ở TP.HCM thì cắt tóc, xe ôm cũng “mắc”, thì lương 7 - 8 triệu đồng cũng không sống được.
Bữa trước, trên một diễn đàn về phở, đã có một ví dụ về sự biến động về giá của bát phở Bát Đàn.
Theo đó, một bát phở tái nạm từ 50.000 đồng năm 2021, giờ đã là 60.000 đồng. Giá trị tuyệt đối của 10.000 đồng tăng thêm đã lớn, nhưng tỉ lệ % còn lớn hơn.
Những ví dụ về giá bát phở, tiền một lần cắt tóc, số phải trả cho một cuốc xe ôm đang cho thấy tới ba vấn đề của lương cơ sở. Rằng nó hoàn toàn không theo kịp biến động của giá cả thị trường. Rằng, sự tính toán mức “tối thiểu” trong lương đang bị cào bằng.
Và gần 40.000 công chức, viên chức đã nghỉ việc trong chỉ hơn 2 năm qua chính là một cảnh báo cho sự bất hợp lý của lương cơ sở.
Lương, sẽ tăng thêm 20,8% từ 1.7.2023 theo dự kiến. Nhưng 20,8% ấy, như xác nhận của chính Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, mới chỉ “tiệm cận” với cải cách chính sách tiền lương.
20,8% cộng dồn ấy cũng sẽ không còn ý nghĩa, thu nhập đời sống xã hội vẫn sẽ giẫm chân tại chỗ nếu chúng ta không ngăn được những cơn bão giá.
Bộ trưởng Trà hôm qua cũng nói: Năm 2024 có thể thực hiện cải cách chính sách tiền lương... Nếu 2022 – 2023 tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội tốt, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững.
Mong lắm Bộ trưởng có thể bỏ đi hai chữ “có thể”, bỏ đi được chữ “nếu”. Chứ hôm qua, cũng trên nghị trường, ĐBQH Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM vừa nói: “nhiều người tâm tư sức lao động của chúng tôi mà bị trả giá rẻ như mớ rau”.