Từ số báo đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh phụ trách cho đến nay, mỗi một chặng đường phát triển của Báo Lao Động gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước, mỗi một chặng đường có những thử thách riêng. Cho dù chiến tranh hay thời bình, đội ngũ làm báo Báo Lao Động cũng đã vượt qua những thử thách đó để hoàn thành nhiệm vụ với đất nước và khẳng định được tiếng nói của giai cấp công nhân trong lòng bạn đọc.
Những chặng đường đã qua ghi dấu ấn đẹp đẽ và đã tạo được sự tin cậy của bạn đọc. Nhưng thử thách của hôm nay rất dữ dội đối với người cầm bút, từng phóng viên trong đội ngũ Lao Động đều nhận thức rõ điều này.
Đó là, để nói lên được sự thật đòi hỏi phải có cái tâm trong sáng, trí tuệ và sự bản lĩnh. Trong sáng để phân biệt được đúng sai, trắng đen, thực giả. Có trí tuệ mới nói lên được tiếng nói của lẽ phải, của lương tri và chính nghĩa. Bản lĩnh mới dám đối mặt và chiến thắng trước những cám dỗ mua chuộc, bản lĩnh để không khuất phục những thế lực đen tối.
Người làm báo Báo Lao Động không dám tự cho mình hoàn thiện các phẩm chất trí tuệ, bản lĩnh và trong sáng, nhưng đã đặt ra, đã hành động và tiếp tục theo đuổi các giá trị đó. Muốn đạt được thì phải phấn đấu, rèn luyện từng ngày.
Sự phát triển của xã hội là không ngừng, nhu cầu thông tin của bạn đọc ngày càng lớn, đòi hỏi chất lượng thông tin ngày càng cao. Trong thời đại internet, bạn đọc có quá nhiều kênh để so sánh, có nhiều chiều để nhận định, có đa dạng nguồn cung thông tin để kiểm chứng, có phong phú tư liệu để thẩm định, cho nên người làm báo càng phải nỗ lực hơn trong hoạt động nghề nghiệp. Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực là cách duy nhất để tồn tại trong lòng bạn đọc.
Người làm báo Báo Lao Động nhận thức được rằng, bạn đọc chính là sức sống của tờ báo, không có bạn đọc yêu mến và tin cậy, tờ báo đó coi như chết cho dù vẫn xuất bản hằng ngày.
Các thế hệ làm báo Báo Lao Động đi trước truyền lại tinh thần “không cho phép một dòng tin nguội lạnh”. Nguội lạnh ở đây không chỉ là luôn săn tìm những thông tin nóng hổi, mà cao hơn là đừng để nguội lạnh nhiệt huyết của người cầm bút.
Dù với mục đích gì thì cũng phải nói lên sự thật, như nguyên Tổng biên tập - nhà báo Xuân Cang từng nói: “Đơn giản là hai chữ Sự Thật! Nhìn thẳng vào sự thật, nhìn đúng sự thật là cả một trường học, bạn đọc cần chúng ta ở đó, và dạy chúng ta ở đó. Và cũng còn phải biết cách nói lên sự thật nữa. Nghệ thuật làm báo là ở chỗ này”.