Các tổ chức tín dụng đen phát triển rất nhanh, công an phát hiện hơn 200 tổ chức tín dụng đen trên khắp cả nước với hơn 2.000 đối tượng tham gia. Chúng len lỏi vào các doanh nghiệp, người dân, khu lao động, nhà trọ công nhân. Bất cứ ai cũng có thể trở thành “con mồi”, khi đã dính vào móng vuốt tín dụng đen, coi như mắc vào bẫy, không lối thoát. Có người cùng quẫn tự vẫn.
Ví dụ, vợ chồng chị Linh (ngụ ở Bình Thuận) vay 10 triệu đồng nhưng với lãi suất 600%/năm, số nợ lên tới hơn 60 triệu đồng. Vì không trả đúng hạn 2 kỳ cuối, chồng chị Linh bị các đối tượng cho vay đâm chết.
Đòi nợ thuê cũng là loại tội phạm rất nguy hiểm. Các băng nhóm này đòi nợ cho các tổ chức tín dụng đen, cho các doanh nghiệp nợ nần nhau, cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Hoạt động đòi nợ thuê bất chấp pháp luật, dùng những thủ đoạn tàn bạo nhất để đòi nợ, kể cả hành hạ nạn nhân.
Bảo kê không thua gì đòi nợ thuê ở thủ đoạn tàn bạo, bất cứ ai không nộp tiền, lập tức bị hành hung. Vụ một băng nhóm hơn 10 tên côn đồ lao vào quán cà phê phá phách và tấn công nhân viên ở Bình Chánh - TPHCM là một vụ điển hình của hành vi tàn bạo, coi thường pháp luật của băng nhóm bảo kê.
Bộ Công an đã mở chuyên án triệt phá tín dụng đen, đã lôi được một số băng nhóm tội phạm ra ánh sáng, tuy nhiên cần phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn. Một xã hội lành mạnh dứt khoát không thể để tín dụng đen tồn tại.
Đối với các băng nhóm đòi nợ thuê, bảo kê, công an không thể không biết. Để cho tội phạm hoành hành, bóp cổ nặn họng người lương thiện, đến cả gánh hàng rong cũng không tha, thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
Các DN, cơ sở kinh doanh bị các băng nhóm tội phạm uy hiếp, cưỡng đoạt tài sản, thì không chỉ DN, người dân bị ảnh hưởng, mà ảnh hưởng sự phát triển chung của thành phố, của đất nước.
Đối với vụ côn đồ tấn công quán cà phê ở Bình Chánh, phải điều tra, xử lý theo pháp luật. Nhưng để người dân yên tâm làm ăn, được bảo vệ trong xã hội có pháp luật, thì chỉ còn cách triệt phá, đẩy lùi các loại tội phạm, từ tín dụng đen, đòi nợ thuê đến bảo kê.