Hơn 100 công dân Việt Nam làm việc trái phép tại một cơ sở lừa đảo, đánh bạc trực tuyến đã bị các cơ quan chức năng Campuchia bắt giữ và trục xuất.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville đã phối hợp với các cơ quan chức năng phía Campuchia và trong nước tiến hành các thủ tục lãnh sự tiếp nhận số công dân này qua cửa khẩu quốc tế Prek Chak - Hà Tiên, tin từ Bộ Ngoại giao cho biết.
Gần như cùng thời điểm là 18 công dân Việt Nam bị Thái Lan bắt giữ do điều hành đường dây cá cược trực tuyến tại Bangkok.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để tìm hiểu thông tin và xác minh nhân thân, đề nghị các cơ quan chức năng sở tại bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.
Họ, những công dân nói trên, có điểm chung đều là nạn nhân của những vụ bị lôi kéo, lừa đảo ra nước ngoài làm việc với chiêu trò “việc nhẹ lương cao”. Và những vụ như thế này không phải cá biệt mà là nhiều không thể đếm hết, cũng như “phủ sóng” ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.
Có địa phương, ví như tỉnh Kiên Giang, trong năm 2022 và 2023 có đến hơn 1.000 người bị lừa bán sang Campuchia, trong đó nhiều người có hộ khẩu tại Kiên Giang được nước bạn Campuchia trao trả, theo số liệu của Công an Kiên Giang.
Phần lớn nạn nhân của những vụ lừa đảo kiểu như thế này không những tiền mất mà còn tật mang khi bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, game online, kinh doanh tiền kỹ thuật số… do người nước ngoài làm chủ. Các nạn nhân bị bóc lột, cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, nếu muốn được trả tự do phải nộp một khoản tiền chuộc.
Để giải quyết, trước mắt là hạn chế đến mức thấp nhất những vụ lừa đảo như thế này thì cần sự vào cuộc ngăn chặn, “triệt phá” quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng.
Thực tế, án kiểu này không phải khó không làm nổi bởi các đối tượng lừa đảo gần như “lộ thiên”. Thủ đoạn phổ biến là thông qua nhóm, trang fanpage trên mạng xã hội Facebook, Zalo, Wechat… đăng quảng cáo, tuyển dụng lao động, giới thiệu việc làm ở nước ngoài với công việc khá nhẹ, lương cao, chế độ đãi ngộ tốt mà không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp hay kinh nghiệm.
Một số đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài còn móc nối với đối tượng làm cò môi giới đến vùng sâu, vùng nông thôn, tiếp cận những người từ 16-30 tuổi có nhu cầu tìm việc làm, muốn xuất cảnh lao động. Thậm chí, các đối tượng còn cho nạn nhân ứng trước tiền và hứa hẹn “ngon ngọt” khiến nhiều người mắc bẫy.
Tuy vậy, điều quan trọng nhất vẫn là sự ý thức, tỉnh táo của người dân trước những lời mời chào và con số thu nhập bất thường. Như khuyến cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao Việt Nam là công dân Việt Nam cần tỉnh táo trước những lời mời chào ra nước ngoài làm việc theo kiểu việc nhẹ, lương cao và không yêu cầu phải bằng cấp, trình độ, không có hợp đồng ký kết, không thông qua doanh nghiệp hay các tổ chức phái cử lao động.
Bởi không chỉ ra nước ngoài mà ngay cả trong nước, “việc nhẹ lương cao” thì chỉ có thể là miếng phomát trên cái bẫy chuột!