Bỗng dưng BHYT “nghỉ” trả tiền
Có con đang điều trị ngoại trú bệnh Lupus ban đỏ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, chị Hồng (quận 6, TPHCM) đã phải bật khóc sau khi đọc thông báo của bệnh viện về việc từ ngày 10.4, BHYT sẽ không thanh toán thuốc Cellcept 250mg Cap (Mycophenolate mofetil) và Prograf (Tacrolimus). Thông báo được bệnh viện dán vào ngày 7.4, thế nhưng, vì con chị cứ mỗi 28 ngày mới phải vào phòng khám A5 của bệnh viện để khám và nhận thuốc nên giờ chị mới đọc thông báo: “Quá sốc. Mỗi ngày, bé phải uống 6 viên Cellcept 250mg Cap. Giá mỗi viên gần 28.000 đồng/viên. Mỗi lần khám, bác sĩ thường kê đủ 28 ngày thuốc. Nếu được BHYT chi trả 80% như trước đây, mỗi tháng tiền thuốc của bé chưa đến 1 triệu. Thế nhưng, lần lấy thuốc này, BHYT không thanh toán nữa, tôi phải chi hơn 4,6 triệu đồng”.
Nếu áp dụng đúng Thông tư 40 của Bộ Y tế, dựa trên hướng dẫn chỉ định của nhà sản xuất thì thuốc CellCept chỉ được BHYT thanh toán khi điều trị cho dự phòng thải ghép thận, dự phòng thải ghép tim, dự phòng thải ghép gan và điều trị thải ghép tạng khó điều trị. Thuốc Tacrolimus cũng chỉ dùng trong phòng ngừa đào thải cơ quan ghép ở bệnh nhân ghép thận hoặc gan dị sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Được biết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã gửi công văn đến Sở Y tế TPHCM và các cơ quan chức năng để giải quyết cho những bệnh nhi đang có phác đồ điều trị hai loại thuốc trên.
Bệnh nhân lĩnh đủ
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng thẳng thắn nêu ra sự vô lý của Thông tư 40 của Bộ Y tế: “Quy định phải dùng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất cũng đang làm khổ nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng. Bởi trong hướng dẫn của thuốc Gama globulin không có trị bệnh tay chân miệng. Trong khi đó, hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế thì phải dùng thuốc này để cứu sống bệnh nhân”. Theo BS Khanh, thực tế, tùy theo cân nặng của trẻ mà một bệnh nhi bị tay chân miệng có thể phải dùng từ 10-20g. Mỗi lọ 5g có giá từ 2,5-5 triệu đồng. Như vậy, vì không được BHYT chi trả nên mỗi bé có thể tốn chục triệu đồng cho loại thuốc này.
Một vị bác sĩ đang làm việc tại Đồng Nai vô cùng bức xúc với Thông tư 40 của Bộ Y tế khi mà nhiều trường hợp thuốc điều trị được sử dụng theo đúng phác đồ điều trị (của Bộ Y tế, sở y tế, bệnh viện), nhưng bệnh nhân không được Quỹ BHYT thanh toán. Nguyên nhân chỉ vì bệnh không có trong nội dung chỉ định sử dụng thuốc của nhà sản xuất.
Vị bác sĩ này, nêu ví dụ như các thuốc PPI (thuốc ức chế bơm proton) trong tờ hướng dẫn của nhà sản xuất không có chỉ định ngừa loét dạ dày. Nhưng thực tế, rất nhiều tình huống bệnh nhân phải dùng thuốc này để điều trị bệnh loét dạ dày. Đặc biệt là những bệnh nhân nặng có nguy cơ xuất huyết tiêu hóa do stress.
Việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất cũng “bó chặt” các bác sĩ trong việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Ví dụ thuốc kháng Cefepim nếu dùng điều trị trong một số bệnh nhân nặng, vi khuẩn kháng thuốc, phải dùng 6g/ngày, nhưng tờ hướng dẫn dùng 4g/ngày.
Theo phân tích của bác sĩ này, khi BHYT cứng nhắc trong thanh toán, thì người bệnh chịu thiệt.
Điểm đ, khoản 2, Điều 4, Thông tư 40/2014/TT-BYT ngày 17.11,2015 của Bộ Y tế (hướng dẫn danh mục tân dược thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT và công văn 7086/BYT-BH của Bộ Y tế về thanh toán thuốc BHYT) quy định: “Quỹ BHYT không thanh toán đối với trường hợp: Sử dụng thuốc không phù hợp với chỉ định đã đăng ký trong hồ sơ đăng ký thuốc đã được duyệt”. |