Nữ bệnh nhân N.T.H (22 tuổi ở Hà Nội) được đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng tím toàn bộ phần cánh mũi, rãnh mũi và môi trên bên trái kèm theo mụn mủ, sưng nề do tiêm filler làm đầy rãnh mũi môi (rãnh cười). May mắn, bệnh nhân chỉ tắc động mạch bên mũi và môi trên, đến viện kịp thời tiêm thuốc giải nên chỉ một ngày sau, các mụn đã xẹp đi, hồi phục da.
Các bác sĩ cho biết, nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời sẽ bị hoại tử toàn bộ da ở môi, mũi, thậm chí dễ gặp phải biến chứng mất thị lực hoàn toàn do bị tiêm sai kỹ thuật.
Một trường hợp khác, bệnh nhân nam (16 tuổi ở Hải Dương) bị mụn tuổi dậy thì. Cận Tết, muốn có làn da đẹp, người bệnh tìm nhiều cách điều trị nhưng không khỏi. Thay vì đến các cơ sở uy tín điều trị, bệnh nhân đã mua thuốc trị mụn trên mạng. Trong một lần lướt Tiktok, Tuấn thấy một quảng cáo kem trị mụn trứng cá tức thì, với đầy đủ hình ảnh phản hồi, lại được bác sĩ quảng cáo nên mua ngay.
Sau 2 tuần sử dụng, mặt bệnh nhân xuất hiện mụn trở lại và nặng hơn ban đầu kèm mụn mủ, mụn bọc.
TS.BS Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương -cho biết, thời điểm cận Tết, nhu cầu làm đẹp tăng cao khiến tỉ lệ biến chứng cũng có xu hướng gia tăng theo. Các cơ sở làm đẹp không ngại quảng cáo với những lời lẽ “có cánh” và thực hiện nhiều thủ thuật không đúng với phạm vi hành nghề đã đăng ký với cơ quan chức năng.
Mặc dù các chuyên gia cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có nhiều người không sợ. Thậm chí, bệnh nhân còn giấu, không muốn chia sẻ cho bác sĩ biết là làm ở tình huống như nào, chỉ biết khóc khi hỏi nguyên nhân…
Tết nguyên đán cận kề, nhu cầu làm đẹp tăng nhanh, đặc biệt là nhiều chị em gấp rút tân trang nhan sắc kịp đón năm mới. Phổ biến nhất có thể kể đến là tiêm filler chất làm đầy. Phương pháp này ngày càng được đông đảo phải đẹp ưa chuộng. Trong khi đây là dịch vụ dễ thực hiện, vì chỉ cần tiêm nên chị em phần lớn lựa chọn làm tại các spa hoặc thậm chí ở cả tiệm làm tóc hoặc tiêm dạo tại nhà. Đây là lý do mà các vụ tai biến xảy ra nhiều và chỉ được phát hiện khi bệnh nhân bắt buộc phải nhập viện điều trị.
TS.BS Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm, khi mạng xã hội phát triển, các phiên livestream quảng cáo cơ sở thẩm mỹ đã đưa ra những hình ảnh bắt mắt. Tuy nhiên, không ít những lời quảng cáo đó đến từ những người không có kiến thức nghề y, không nắm được các chuyên môn y khoa. Đa phần các "chiêu trò" quảng cáo chỉ đánh vào các tiêu chí mà số đông khách hàng thích đó là ngon, bổ, rẻ. Đặc biệt, với những quảng cáo trên mạng như "hết toàn toàn nám sau 1 lần sử dụng; tiêm meso có mấy trăm nghìn đồng...", theo TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, thực tế các sản phẩm tốt cũng không thể có giá đó ngay từ nguyên liệu đầu vào. Do đó, khi sử dụng những sản phẩm trôi nổi sẽ khiến hỏng da.