90 năm trận lũ lụt Trung Quốc thảm khốc nhất thế kỷ 20

Song Minh |

Ngày 18.8.2021 đánh dấu 90 năm trận lũ lụt Trung Quốc lịch sử năm 1931, một trong những thảm họa chết chóc nhất của thế kỷ 20.

Theo trang Weather Network, đến nay vẫn chưa rõ dữ liệu thực về số người thiệt mạng trong trận lũ lụt năm 1931 ở Trung Quốc.

Ngày 18.8.1931, nước sông Dương Tử dâng cao đỉnh điểm, làm vỡ đê và góp phần gây ra trận đại hồng thuỷ khủng khiếp, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất thế kỷ 20.

Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1931, các khu vực miền Trung và miền Đông Trung Quốc đã bị ngập lụt, bao gồm các thành phố đông dân cư như Vũ Hán và Nam Kinh. Các nguồn tin chính thức của Trung Quốc công bố, tổng cộng có 145.000 người thiệt mạng vì lũ lụt. Song, nhiều nguồn tin độc lập thống kê, số trường hợp thiệt mạng trực tiếp và gián tiếp vì thảm họa cao hơn nhiều, khoảng từ 3,7 triệu đến 4 triệu người chết.

Lũ lụt năm 1931 ở Trung Quốc. Ảnh: Sina.cn
Lũ lụt năm 1931 ở Trung Quốc. Ảnh: Sina.cn

Trung Quốc phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt vào cuối những năm 1920 và đầu những năm 1930. Từ năm 1928 đến năm 1930, Trung Quốc hứng chịu đợt hạn hán kéo dài. Theo một số ghi chép, thời tiết bất thường ở miền Trung Trung Quốc bắt đầu vào mùa đông cuối năm 1930. Bão tuyết kỷ lục vào mùa đông, cùng băng tan vào mùa xuân và mưa xối xả làm tăng mực nước đáng kể.

Vào đầu năm 1931, băng tuyết bắt đầu tan, chảy xuống hạ lưu sông Dương Tử. Tháng 4.1931, lưu vực sông Dương Tử hứng chịu lượng mưa vượt xa mức trung bình. Người dân sống ở khu vực thấp đã rời bỏ nhà cửa. Các khu vực dọc theo sông Dương Tử đã báo cáo lượng mưa trên 600mm vào tháng 6.1931.

Giai đoạn tồi tệ nhất đã xảy ra từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1931. Riêng tháng 7, bốn trạm khí tượng dọc theo sông Dương Tử báo cáo lượng mưa trên 600mm trong tháng. Mực nước sông Dương Tử đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi dữ liệu, đạt tới đỉnh điểm vào ngày 18.8.1931.

Vào ngày 25.8.1931, một con đê dọc theo hồ Cao Bưu bị vỡ, gây lũ lụt trên diện tích khoảng 180.000 km2, xấp xỉ diện tích của New York, New Jersey và Connecticut cộng lại.

Trận lụt năm 1931 ở Trung Quốc được xem là thảm hoạ thiên nhiên tồi tệ nhất thế kỷ 20. Ảnh: Sina.cn
Trận lụt năm 1931 ở Trung Quốc được xem là thảm hoạ thiên nhiên tồi tệ nhất thế kỷ 20. Ảnh: Sina.cn

Lũ lụt đã phá hủy nhiều nhà ở và đất canh tác. Khoảng 15% lúa mì và lúa gạo đã bị phá hủy ở đồng bằng châu thổ sông Dương Tử. Lũ lụt đã tác động đến nền kinh tế khi giá các mặt hàng thiết yếu tăng vọt.

Căng thẳng về đất đai và kinh tế khiến nhiều khu vực lâm vào cảnh đói kém. Một số người đã ăn vỏ cây và cỏ dại, và những người khác đã bán con cái của họ để tồn tại. Dịch bệnh, bao gồm cả bệnh tả, bệnh sởi, sốt rét, lây lan khắp các cộng đồng tị nạn di dời.

Trận lụt ở Trung Quốc năm 1931 được biết đến là một trong những thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất thế giới.

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

Mưa lớn bất ngờ gây thiệt mạng giữa thủ đô Trung Quốc sau 9 năm

Song Minh |

Cơn mưa lớn bất ngờ ở phía tây Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 16.8 làm ít nhất hai người thiệt mạng.

Gian nan quản lý đập Tam Hiệp trong bối cảnh lũ lụt Trung Quốc

Ngọc Vân |

Quản lý đập Tam Hiệp cùng hàng nghìn con đập khác của Trung Quốc khó hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lũ lụt.

Trung Quốc đối mặt đỉnh lũ lụt "50 năm có một"

Ngọc Vân |

Tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc ban hành ứng phó khẩn cấp cấp độ 2, chuẩn bị đối phó lũ lụt "50 năm có một".

Ngắm mùa lúa chín ở Hà Giang vẹn nguyên sau bão lũ

Đan Thanh |

Không chịu ảnh hưởng nhiều sau bão số 3, ruộng bậc thang ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì đang vào mùa lúa chín đẹp, thu hút khách trở lại Hà Giang.

Điện Biên xuất hiện thêm cung trượt đe dọa nhiều hộ dân

NHÓM PV |

Nhiều vết nứt tạo thành cung trượt lớn đang đe dọa nguy cơ mất an toàn đối với nhiều hộ dân tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Ngầm tràn ngập sâu, Quảng Bình cảnh báo dân không di chuyển

CÔNG SÁNG |

Do ảnh hưởng bão số 4, từ 7 giờ sáng 20.9, địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn nhiều ngầm tràn nước ngập sâu, chảy xiết và chia cắt cục bộ.

Bão số 4 Soulik suy yếu vẫn có thể tàn phá Thái Lan

Khánh Minh |

Bão số 4 Soulik dù đã suy yếu thành áp thấp nhưng dự kiến sẽ mang theo mưa lớn đến Thái Lan.

Ảnh hưởng thi công âu thuyền, nhà dân bị ngập sâu trong nước

YẾN PHƯƠNG - TẠ QUANG |

Việc thi công công trình Âu thuyền Cái Khế đã khiến nhiều nhà dân tại TP Cần Thơ bị lún, nứt nghiêm trọng và ngập sâu trong nước.