Một trong những kẻ săn mồi lớn nhất sống sót
Sói xám là một trong những loài săn mồi lớn nhất sống sót sau đợt tuyệt chủng vào cuối kỷ băng hà cuối cùng khoảng 11.700 năm trước.
Ngày nay, loài động vật hoang dã này vẫn sống ở trong những khu rừng taiga và đài nguyên, với tuần lộc và nai sừng tấm là nguồn thức ăn chính, phys.org thông tin.
Nghiên cứu mới do Bảo tàng Thiên nhiên Canada dẫn đầu chỉ ra, sói xám có thể đã sống sót bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống của chúng qua hàng nghìn năm, chuyển từ sự phụ thuộc chủ yếu vào ngựa ở thế Pleistocen (hay thế Cánh Tân), sang tuần lộc và nai sừng tấm ngày nay.
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cổ địa lý học, Cổ khí hậu học, Cổ sinh thái học.
Nhóm nghiên cứu do nhà cổ sinh vật học của bảo tàng, Tiến sĩ Danielle Fraser và sinh viên Zoe Landry dẫn đầu, đã phân tích bằng chứng được lưu giữ trong răng và các mảnh xương từ hộp sọ của cả sói cổ đại (50.000 đến 26.000 năm trước) và sói xám hiện đại.
Tất cả các mẫu vật được thu thập ở Yukon, vùng tây bắc Canada, khu vực từng hỗ trợ hệ sinh thái đồng cỏ voi ma mút Beringia.
“Chúng tôi có thể nghiên cứu sự thay đổi trong chế độ ăn uống bằng cách kiểm tra các kiểu mòn trên răng và dấu vết hóa học trong xương chó sói. Những điều này có thể cho chúng ta biết rất nhiều điều về cách con vật đã ăn và những gì con vật đã ăn trong suốt cuộc đời của nó, cho đến khoảng vài tuần trước khi nó chết" - Zoe Landry chia sẻ.
Landry đã hoàn thành công trình nghiên cứu khi còn là sinh viên Đại học Carleton dưới sự giám sát của Tiến sĩ Fraser.
Nhà nghiên cứu Landry và Fraser dựa trên các mô hình đã được thiết lập có thể xác định hành vi ăn uống của động vật bằng cách kiểm tra các mô hình mòn cực nhỏ trên răng của chúng.
Các vết xước cho thấy con sói sẽ ăn thịt, trong khi sự hiện diện của các vết rỗ là tín hiệu của việc nhai và gặm xương cho thấy con vật có khả năng ăn xác thối.
Phân tích chỉ ra, cả răng chó sói cổ đại và hiện đại đều có các vết xước. Điều này có nghĩa là những con sói tiếp tục tồn tại trong vai trò kẻ săn mồi tìm kiếm những con mồi.
Giá trị với bảo tồn động vật hoang dã
Chế độ ăn của những con sói cổ đại được đánh giá bằng cách xem xét tỉ lệ đồng vị cacbon và nitơ chiết xuất từ collagen trong xương.
Kết quả cho thấy loài ngựa đã tuyệt chủng trong thế Cánh Tân chiếm khoảng một nửa khẩu phần ăn của sói xám. Khoảng 15% trong khẩu phần ăn của sói xám cổ đại là tuần lộc và cừu Dall hoặc thậm chí có lẫn voi ma mút.
Tất cả những con mồi này đều vào thời điểm mà sói xám cổ đại tồn tại cùng thời với những kẻ săn mồi lớn khác như hổ răng kiếm, gấu mặt ngắn khổng lồ.
Cuối cùng những đối thủ cùng thời này đều tuyệt chủng tạo ra nhiều cơ hội hơn cho sói xám chuyển sang các con mồi mới.
“Đây thực sự là một câu chuyện về sự tồn tại và thích nghi của kỷ băng hà, và việc xây dựng một loài theo hướng hiện đại về mặt thích nghi sinh thái" - Tiến sĩ Grant Zazula chia sẻ.
Tiến sĩ Zazula là đồng tác giả nghiên cứu, nhà cổ sinh vật học của chính quyền Yukon, chuyên gia về các loài động vật kỷ băng hà cư trú tại Beringia.
Những phát hiện của các chuyên gia về loài sói xám có ý nghĩa cho việc bảo tồn ngày nay.
“Những con sói xám đã cho thấy sự linh hoạt trong thích ứng với thay đổi khí hậu và sự thay đổi môi trường sống từ hệ sinh thái đồng cỏ sang rừng lá kim. Và sự tồn tại của chúng gắn liền với sự tồn tại của những loài con mồi mà chúng có thể ăn được" - Tiến sĩ Fraser nói.
Do sự phụ thuộc của sói xám hiện đại vào tuần lộc, các tác giả giúp giải mã nguyên nhân sói xám thoát khỏi họa tuyệt chủng kỷ băng hà cho rằng, việc bảo tồn quần thể tuần lộc là yếu tố quan trọng trong duy trì một quần thể sói.