Động thái mới của Trung Quốc ở Biển Đông gây lo ngại

Thanh Hà |

Trung Quốc có động thái mới ở Biển Đông ngay sau Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 kết thúc. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ lo ngại về những sự cố nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.

Kế hoạch tập trận quanh Hoàng Sa

Nikkei đưa tin ngày 29.6,cơ quan quản lý an toàn hàng hải Trung Quốc đăng tải thông báo về kế hoạch tập trận quân sự quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông). Thông báo cho biết, cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc dự kiến kéo dài từ ngày 1.7-5.7. Thông báo cấm tất cả các phương tiện tàu thuyền đi lại trong khu vực này trong thời gian tập trận dự kiến.

Cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc được đánh giá là một lần nữa đẩy căng thẳng ở khu vực Biển Đông gia tăng. Cây viết Tsukasa Hadano của Nikkei nhận định, Trung Quốc đã triển khai tập trận quân sự gần quần đảo Hoàng Sa gần như mỗi năm để đẩy mạnh kiểm soát khu vực và khiến việc này trở nên không thể đảo ngược.

Theo Nikkei, hồi tháng 4, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố thành lập các khu hành chính mới ở Biển Đông gọi là “quận đảo” Tây Sa và Nam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Thêm vào đó, các tàu thuyền của Trung Quốc cũng có thêm nhiều động thái gây hấn khác khiến các quốc gia và vùng lãnh thổ ven Biển Đông tăng cường cảnh giác.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 tổ chức trực tuyến hôm 26.6 do Việt Nam chủ trì, các nhà lãnh đạo ASEAN đã bày tỏ lo ngại về những động thái của Trung Quốc. Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 do Việt Nam chủ trì nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và đảm bảo Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Gia tăng sức ép với Trung Quốc

Hai tàu sân bay Mỹ bắt đầu cuộc tập trận chung ở biển Philippines hôm 28.6 - hai ngày sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN “đưa ra một trong những tuyên bố mạnh mẽ nhất” - theo cách nói của tờ Nikkei - để phản đối yêu sách của Bắc Kinh với gần như toàn bộ Biển Đông dựa trên các căn cứ lịch sử.

Hôm 26.6, Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 do Việt Nam chủ trì nêu rõ, các tranh chấp, bất đồng phải được giải quyết trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Các nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan bắt đầu các cuộc tập trận nhằm củng cố “các cam kết phản ứng nhanh, linh hoạt và liên tục” của Mỹ trong thỏa thuận quốc phòng với các đồng minh và đối tác của nước này ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, Japan Times dẫn thông cáo của hải quân Mỹ. Cuộc tập trận của hai tàu sân bay Mỹ diễn ra đúng một tuần sau khi Nimitz và một tàu sân bay khác - USS Theodore Roosevelt triển khai các hoạt động diễn tập với nhau trong khu vực.

Japan Times nhận định, việc 3 tàu sân bay Mỹ hoạt động cùng lúc ở Tây Thái Bình Dương đã là điều hiếm thấy nhưng các cuộc tập trận tàu sân bay “kép” của Mỹ diễn ra trong khung thời gian chóng vánh như trên còn bất thường hơn.

“Chúng tôi tích cực tìm mọi cơ hội để phát huy và củng cố năng lực cũng như sự thành thạo trong triển khai hoạt động tham chiến trên tất cả các phương diện. Hải quân Mỹ vẫn sẵn sàng nhiệm vụ và triển khai trên toàn cầu. Hoạt động của các tàu sân bay kép thể hiện cam kết của chúng tôi với các đồng minh trong khu vực, thể hiện khả năng tác chiến quy mô lớn nhanh chóng của chúng tôi ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời sẵn sàng đối đầu với tất cả những bên thách thức các chuẩn mực quốc tế vốn để đảm bảo ổn định khu vực” - Chuẩn Đô đốc George Wikoff - chỉ huy cụm tác chiến tàu sân bay số 5 cho hay.

Japan Times nhận định, việc tập trung vào các đồng minh trong khu vực trong tuyên bố của Mỹ sẽ gia tăng sức ép với Trung Quốc với các yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 27.6 hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 về Biển Đông, cho rằng Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Trên Twitter, ông Mike Pompeo viết: “Mỹ hoan nghênh sự kiên định của các nhà lãnh đạo ASEAN về việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Chúng tôi sẽ sớm thảo luận thêm về chủ đề này”.

Thanh Hà
TIN LIÊN QUAN

Xây dựng biển Đông thành khu vực biển hợp tác và phát triển

Hải Anh |

Các nhà lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh, những va chạm không thể tránh khỏi nhưng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp thêm tình hình trước những diễn biến gần đây của khu vực.

ASEAN đề xuất sớm nối lại đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Hải Anh |

ASEAN cần sớm nối lại tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

Mỹ cắt giảm quân khỏi Đức vì mối đe doạ của Trung Quốc ở Biển Đông?

Ngọc Vân |

Mối đe dọa của Trung Quốc với Biển Đông, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á là một trong những lý do khiến Mỹ cắt giảm quân ở Châu Âu.

Vinafco lãi 2,8 tỉ, chưa bồi thường vụ rơi pin xuống biển

Lục Giang |

Vinafco đang phối hợp cùng các chủ hàng, công ty bảo hiểm và các cơ quan chức năng giải quyết sự cố vụ 37 container rơi xuống biển, trong đó có hơn 10 tấn pin.

Người dân Đà Nẵng căng mình tát nước tràn vào nhà do mưa lớn

LINH THI |

Tại phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng, hàng chục hộ dân vẫn phải căng mình tát nước tràn vào nhà.

Chìm tàu hàng, 8 thuyền viên đang trôi trên bè cứu sinh

Hoàng Bin |

Một tàu hàng bị chìm trên vùng biển Quảng Nam. Lực lượng chức năng đang khẩn trương ứng cứu 8 thuyền viên trôi trên bè cứu sinh.

Giới đầu cơ có thể đứng sau loạt lô đất đấu giá bỏ cọc

ANH HUY |

Giới chuyên gia cho rằng, người tham gia đấu giá đất chủ yếu là nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp, rất ít người địa phương tham gia.

Bắt 2 đối tượng mua bán trái phép hơn 2,5 tấn xyanua ở TPHCM

Minh Tâm |

TPHCM - Ngày 18.9, Công an quận Bình Thạnh đã bắt giữ 2 đối tượng mua bán trái phép chất độc xyanua với khối lượng lớn ra thị trường.