Tổng thống tái đắc cử Pháp và nhiệm kỳ mới đầy thách thức

Khánh Minh |

Chiến thắng của Tổng thống Emmanuel Macron trong vòng hai bầu cử Pháp hôm 24.4 trước đối thủ cực hữu Marine Le Pen không nằm ngoài dự đoán. Tuy nhiên, đối với tổng thống tái đắc cử, 5 năm tới sẽ không phải là một nhiệm kỳ dễ dàng khi ông sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.

Với 47,7 triệu cử tri (63% dân số) đi bỏ phiếu bầu cử Tổng thống Pháp vòng hai, ông Emmanuel Macron của Đảng Tiến bước giành được 58,2% số phiếu, còn bà Marine Le Pen của Đảng Tập hợp quốc gia được 41,8%. Tuy giành chiến thắng, nhưng ông Macron thừa nhận rằng, nhiều người bỏ phiếu cho ông chỉ vì muốn ngăn tư tưởng cực hữu và không muốn bà Le Pen nắm quyền.

Thực tế là tổng thống 44 tuổi theo xu hướng trung dung, thân Châu Âu sẽ đối mặt với nhiệm kỳ đầy thách thức phía trước.

Cần đa số trong quốc hội

Một trong những thách thức đầu tiên và trước hết là ông Macron sẽ cần một chính phủ đa số mới khi cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức vào tháng 6 tới. Năm 2017, ông Macron đã giành được chiến thắng vang dội trước một phe đối lập mất tinh thần, đặc biệt là giữa cánh tả và cánh hữu truyền thống.

Tuy nhiên, năm 2022, ông phải đối mặt với một thách thức gay gắt, đặc biệt là từ phong trào cực tả cứng rắn "Nước Pháp bất khuất" của ông Jean-Luc Mélenchon, ứng viên tổng thống về thứ 3 trong vòng một.

Ông Mélenchon đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến lập pháp phía trước, thách thức tổng thống chỉ định ông làm thủ tướng. Cuộc bầu cử quốc hội sắp tới sẽ quyết định ai kiểm soát đa số ghế trong quốc hội - điều quan trọng để Tổng thống Pháp thực hiện các chương trình nghị sự của mình.

Nước Pháp chia rẽ

Ông Macron thắng cử một phần nhờ vào số phiếu "cho mượn" để ngăn cản bà Le Pen theo tư tưởng cực hữu nắm quyền. Bản thân ông Macron cũng đã thừa nhận điều này.

Nhiều người cánh tả, cho dù đã miễn cưỡng bỏ phiếu cho ông Macron hoặc không, có thể thậm chí còn bất bình hơn với chủ nhân Điện Elysee khi ông bước vào nhiệm kỳ thứ hai.

Vòng đầu tiên của cuộc bầu cử tổng thống đã xác nhận ba khối mới trong bối cảnh chính trị mới của Pháp: Những người theo chủ nghĩa trung dung thân Châu Âu của ông Macron, phong trào nổi dậy theo chủ nghĩa dân tộc của bà Le Pen và cánh tả cứng rắn của ông Mélenchon.

Phe "cánh tả" và "người theo chủ nghĩa dân tộc" có rất ít điểm chung ngoài sự đối nghịch với tổng thống. Sự phản đối của 2/3 cử tri sẽ không giúp chính phủ mới hoạt động dễ dàng.

“Pháp sẽ vẫn là một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc. Ông Macron có thể dựa vào hoặc có sự ủng hộ chỉ chưa đến 30% cử tri" - ông Douglas Webber, giáo sư danh dự tại trường kinh doanh INSEAD, nói với Euronews.

Tổng thống Macron đã nói rằng, ông dự định bắt đầu cải cách lương hưu từ mùa thu, nhằm mục đích nâng tuổi nghỉ hưu hợp pháp lên 65 - mặc dù trong chiến dịch tranh cử, ông cam kết sẽ linh hoạt.

Cải cách EU đầy tham vọng

Hội nhập Châu Âu sâu rộng hơn là một trong những ưu tiên chính của Tổng thống Macron kể từ khi ông đắc cử năm 2017. Tham vọng của tổng thống đắc cử về cải cách EU bao gồm quyền tự chủ về năng lượng và chiến lược, cải cách khu vực di chuyển tự do Schengen với việc bảo vệ tốt hơn các biên giới bên ngoài của EU và chính sách tị nạn chung.

Ông Macron cũng muốn các nước Châu Âu phát triển năng lực quốc phòng mạnh mẽ hơn và là động lực cụ thể để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ Châu Âu.

Để khởi động lại nền kinh tế, ông Macron đề xuất các biện pháp với khía cạnh kinh tế và xã hội: Thuế nhiên liệu trên toàn EU, các tiêu chuẩn của EU được thực thi trong các thỏa thuận thương mại cũng như chỉ thị về mức lương tối thiểu và bình đẳng giới.

Cân bằng về chiến sự Nga-Ukraina

Ông Macron đã ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga về cuộc chiến Ukraina, chính phủ của ông cho biết, sẽ xem xét lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Tuy nhiên, ông Macron luôn kiên định ủng hộ đối thoại với Mátxcơva. Tổng thống Macron cũng là nhà lãnh đạo Châu Âu có nhiều cuộc trao đổi nhất với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Hôm 22.4, ông cho biết, "không loại trừ" trao đổi với ông Putin một lần nữa để tìm giải pháp cho chiến sự Ukraina. 

Khánh Minh
TIN LIÊN QUAN

Bầu cử Pháp: Ông Macron thắng cử, ngăn chặn “địa chấn” cho EU

Ngọc Vân |

Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng hai ngày 24.4, ông Emmanuel Macron đánh bại đối thủ cực hữu Marine Le Pen, ngăn chặn “địa chấn chính trị” cho Châu Âu.

Bầu cử tổng thống Pháp: Chọn ông Macron hay bà Le Pen?

Song Minh |

Ngày 24.4, cử tri Pháp đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống Pháp vòng hai để quyết định liệu Tổng thống theo tư tưởng trung dung Emmanuel Macron có tiếp tục nắm quyền hay sẽ bị lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen thay thế.

Tổng thống Emmanuel Macron đổi màu quốc kỳ Pháp

Ngọc Vân |

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thay đổi một trong những màu trên quốc kỳ Pháp, sử dụng màu xanh hải quân đậm thay cho màu xanh sáng hơn trước đó.

Giá vàng hôm nay 20.9: Vàng nhẫn tăng sốc

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 20.9 tăng mạnh ở thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 sáng nay sắp bằng giá vàng miếng SJC.

Giám đốc công ty làm máy nhắn tin cho Hezbollah bị điều tra

Anh Vũ |

Công ty Gold Apollo, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đang bị điều tra liên quan đến vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah.

Ngắm mùa lúa chín ở Hà Giang vẹn nguyên sau bão lũ

Đan Thanh |

Không chịu ảnh hưởng nhiều sau bão số 3, ruộng bậc thang ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì đang vào mùa lúa chín đẹp, thu hút khách trở lại Hà Giang.

Điện Biên xuất hiện thêm cung trượt đe dọa nhiều hộ dân

NHÓM PV |

Nhiều vết nứt tạo thành cung trượt lớn đang đe dọa nguy cơ mất an toàn đối với nhiều hộ dân tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

VĐV bóng chuyền Nguyễn Thị Xuân và sự bền bỉ ở tuổi U40

NHÓM PV |

Góc nhìn thể thao số 181 có buổi trò chuyện với chủ công Nguyễn Thị Xuân về hành trình gắn bó với bóng chuyền cũng như dự định trong tương lai của tay đập 38 tuổi.