Cần thiết và đáng hoan nghênh, bởi với những nghịch lý tồn tại, VPF muốn cải tổ các giải chuyên nghiệp cũng khó khi gặp vật cản từ chính “chấp trên”…
Khi “công tác trọng tài cần đặc biệt quan tâm”
Sau nhiều sự cố và những hệ lụy phát sinh, ở phiên họp HĐQT mới đây, VPF đã có văn bản kiến nghị lên BCH VFF để chấn chỉnh, thay đổi với 2 “vấn nạn” liên quan đến công tác trọng tài và hoạt động của Ban kỷ luật.
Về trọng tài, phía đơn vị tổ chức các giải chuyên nghiệp nhấn mạnh 2 vấn đề: Thứ nhất, đó là sai sót mang tính hệ thống. Thứ hai, thực trạng khủng hoảng trọng tài, đào tạo lớp trẻ kế cận.
“Trong giai đoạn lượt đi và các vòng đấu gần đây, sai sót của trọng tài còn lặp đi lặp lại khá nhiều, bên cạnh các lỗi cơ bản về phối hợp còn có những lỗi ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh bóng đá Việt Nam và các giải chuyên nghiệp”.
Ở công văn này, VPF khẳng định số lượng trọng tài hiện nay rất ít, khi hạng Nhất có 27 trọng tài, 25 trợ lý còn V.League có 22 trọng tài, 27 trợ lý nhưng có 5 ông Vua sân cỏ không vượt qua kỳ kiểm tra giữa mùa nên chỉ còn 19 trọng tài, 25 trợ lý có thể làm nhiệm vụ tại V.League 2017.
Và năm 2018, số lượng còn ít hơn khi 5 trọng tài, trợ lý hết tuổi làm nhiệm vụ. Bởi “lực lượng mỏng, việc phân công dựa vào nhiều yếu tố nên số lượng trọng tài không đảm bảo nhu cầu sử dụng” và VPF “kính đề nghị BCH VFF đặc biệt quan tâm đến công tác trọng tài, đặc biệt là đào tạo phát triển lực lượng kế cận”.
Về hoạt động của Ban kỷ luật VFF mà minh chứng mới nhất là vụ Ban kỷ luật nói không, có những nhận định, quyết định vô lý trái ngược với đề xuất của BTC giải về các số sự cố ở vòng 23 V.League, VPF đề nghị BCH VFF chấn chỉnh, cải tổ: “Công tác phối hợp hoạt động chuyên môn của BTC với Ban Kỷ luật là tốt nhưng gần đây, một số quyết định kỷ luật không chính xác gây phản ứng mạnh mẽ từ dư luận và giới chuyên môn.
VPF đề nghị BCH VFF quan tâm hơn nữa đến hoạt động của Ban kỷ luật, đặc biệt giới thiệu nhân sự tham gia ở nhiệm kỳ mới. Ngoài các cá nhân có chuyên môn về luật, Ban kỷ luật cần có những người am hiểu sâu về bóng đá nói chung và bóng đá chuyên nghiệp, đảm bảo có được những quyết định kỷ luật chính xác, công tâm nhận được sự đồng thuận cao của các đội bóng và NHM…”.
Và thực tế “biết nói”…
Sau vòng 23 với hàng loạt sự cố ở gần như tất cả các sân từ tranh cãi, phản ứng trọng tài đến bạo lực sân cỏ, BTC V.League 2017 đã có báo cáo gửi VPF để xử lý.
Trong hồ sơ gửi Ban kỷ luật, có 2 vụ việc nổi cộm VPF yêu cầu xử nghiêm khắc để chấn chỉnh là tình huống tiền đạo Alaha của SLNA đánh cùi chỏ vào mặt trung vệ Huy Hoàng của Sanna Khánh Hòa BVN nhưng trọng tài không phạt và chiếc thẻ đỏ của Đỗ Merlo (SHB Đà Nẵng) khi đánh nguội rồi xô xát, ẩu đả với các cầu thủ Quảng Nam. Tuy nhiên, Ban kỷ luật VFF lại bỏ qua, không phạt với 2 tình huống phi thể thao rất phản cảm, gây bức xúc cho người xem lẫn giới chuyên môn.
Từ vụ việc này, rất nhiều người so sánh và liên tưởng đến “vụ Hoàng Vũ Samson” hồi đầu mùa rồi đặt câu hỏi về tính công bằng, minh bạch cũng như động cơ phía sau.
Trận Hà Nội - HAGL ở vòng 3, tiền đạo nhập tịch Samson có pha tiểu xảo đạp vào đùi đối thủ. Pha bóng rất rõ ràng, thế nhưng Ban kỷ luật không xử vì BTC không gửi hồ sơ còn Ban trọng tài khẳng định trọng tài đúng và đó không phải phạm lỗi, bạo lực. Bởi quá vô lý và có tính chất thách thức dư luận, cơ quan quản lý nhà nước phải lên tiếng yêu cầu xử lý triệt để.
Thế nhưng dù VFF, VPF yêu cầu xử nghiêm, Ban trọng tài vẫn khăng khăng khẳng định không sai dù sau đó Samson vẫn bị “phạt nguội”.
Vụ việc này, cả VFF lẫn VPF đều bất lực trước Ban trọng tài VFF trong khi Ban kỷ luật VFF trở thành trò đùa, như ... con rối khi không xử rồi sau đó lại xử nặng do được chỉ đạo.
“Thay Ban kỷ luật đi, cũ lắm rồi và phải làm mới”, trước vụ việc “không thấy, không nhìn” sau vòng 23 rồi VPF phải gửi công văn đề nghị BCH VFF can thiệp, bầu Đức lên tiếng. Cũng chính bầu Đức, ở giai đoạn 1 với những sự cố liên tiếp về trọng tài cũng lên tiếng yêu cầu “thay Ban trọng tài, đuổi ông Mùi” để chấn chỉnh V.League.
Gần như vòng nào cũng xuất hiện sự cố, quá nhiều phản ứng lẫn tai tiếng và các đội thi nhau kêu công tác trọng tài. Quyền chủ tịch CLB TPHCM 2 lần ý kiến, phản ứng về trọng tài và thậm chí còn đòi “thay Ban trọng tài” rồi sẵn sàng “tài trợ kinh phí cho BTC để thuê trọng tài ngoại”.
Trong khi đó, HLV Petrovic của FLC Thanh Hóa liên tục công kích trọng tài và đề cập đến cả khái niệm “mafia” cũng như “một thế lực chống lại Thanh Hóa”…
Khán giả chê trách, cầu thủ và HLV, lãnh đội phản ứng, các CLB đối đầu và bây giờ, đến lượt chính BTC V.League và VPF phải gửi văn bản kiến nghị lên BCH VFF để chấn chỉnh, thay đổi. Đúng là chỉ có ở bóng đá Việt Nam, khi muốn làm tốt cũng không được do gặp vật cản và cả “phá” từ chính cấp trên lẫn người nhà…