SEA Games 32 đánh dấu việc lần đầu tiên Campuchia tổ chức Đại hội thể thao số 1 khu vực. Chi phí tổ chức sự kiện và ASEAN Para Games sau đó lên đến trên 118 triệu USD, chưa tính số tiền bỏ ra để xây dựng tổ hợp thể thao Morodok Techno.
Ngoài ra, những khoản khác như chi phí ăn, ở đi lại cho các đoàn vận động viên nước ngoài; tiền vé hay bản quyền truyền hình đều được miễn phí.
Chia sẻ trên tờ Thmey Thmey, các chuyên gia đánh giá sự kiện lịch sử này sẽ tác động tích cực đến kinh tế của Campuchia, đặc biệt là hồi sinh ngành du lịch và thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Tiến sĩ Ky Sereyvath, một nhà kinh tế tại Học viện Hoàng gia Campuchia, cho biết ngoài việc thể hiện danh tiếng tốt trên trường quốc tế thông qua việc tổ chức SEA Games, Campuchia còn tạo ra doanh thu từ quảng cáo của các công ty, thu nhập từ các hoạt động hàng ngày do các công dân trong nước và quốc tế chi trả.
“Khi du khách nước ngoài đến Campuchia, họ sẽ phải chi tiền cho việc đi lại, ăn ở và ăn uống. Tất cả số tiền này sẽ đến tay người dân Campuchia, tạo nên dòng chảy của nền kinh tế Campuchia”, ông Ky Sereyvath cho biết.
Thông qua việc tổ chức SEA Games và Para Games, Campuchia ước tính đón hơn 500.000 du khách quốc tế. Sự hiện diện của các du khách quốc tế tại SEA Games 32 cũng làm tăng doanh thu từ thuế và hoạt động sân bay, gia tăng nguồn thu từ các dịch vụ từ ngành vận tải Campuchia, bao gồm cả bán hàng và dịch vụ lưu trú. “Tất cả những điều này sẽ cải thiện hoạt động kinh tế quốc gia”, ông Ky Sereyvath cho biết.
Để Campuchia thu được nhiều lợi ích kinh tế hơn từ SEA Games, các chuyên gia kêu gọi các đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tăng khả năng sản xuất đồ lưu niệm liên quan đến SEA Games năm 2023.
Tiến sĩ Ky Sereyvath cho rằng việc sản xuất quà lưu niệm để bán tại sự kiện này nên được làm bằng gỗ hoặc bất kỳ vật liệu nào có sẵn tại địa phương và được chế biến bởi người Campuchia. Điều này sẽ thu hút nhiều du khách đến mua quà lưu niệm và nhớ đến Campuchia từ SEA Games 32 vào năm 2023.
Đồng thời, các nhà sản xuất và chế biến nên trưng bày các sản phẩm của họ, chẳng hạn như xoài sấy khô, hạt điều, bánh kẹo, trái cây và các loại thực phẩm khác, cũng như tất cả các sản phẩm của Campuchia tại mỗi địa điểm trong thời gian diễn ra SEA Games.
Theo Tiến sĩ Hong Vannak - chuyên gia kinh tế của Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia, sự tham gia của khu vực tư nhân như vậy sẽ khiến Campuchia được thế giới biết đến rộng rãi hơn.
Ông tin rằng Campuchia sẽ trở nên nổi bật và nổi tiếng hơn trên trường quốc tế sau SEA Games. Đồng thời, chủ nhà SEA Games sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của các nước phương Tây, trong đó có những nước đang có ý định hợp tác về nhiều mặt với Campuchia.
Ông nói: “Chúng ta sẽ thấy lượng khách du lịch tăng nhanh trong năm nay và nhiều hơn thế nữa trong tương lai. Đồng thời, Campuchia có thể sẽ nhận được nhiều khoản đầu tư mới hơn nhờ sự tin tưởng vào chính phủ từ các nhà đầu tư nước ngoài”.
Về việc trưng bày sản phẩm của Campuchia tại SEA Games, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Campuchia đã sẵn sàng. Ông Te Tang Po, Chủ tịch Liên minh Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Campuchia cho biết họ sẽ giới thiệu nhiều sản phẩm để du khách hiểu hơn về di sản quốc gia của Campuchia như khăn tay, các tác phẩm điêu khắc bằng gỗ, đá, gỗ vụn, bạc, vàng và kim loại. Ngoài ra, họ còn có triển lãm các sản phẩm nông nghiệp của người Khmer như: bánh kẹo, trái cây, rượu, chuối, cà phê…
Theo dự báo của Ngân hàng Quốc gia Campuchia, trong năm 2023 nền kinh tế của quốc gia này sẽ có mức tăng trưởng 6%. Chắc chắn với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng, SEA Games 32 hứa hẹn sẽ thành công rực rỡ, tạo nên cú hích cho kinh tế Campuchia.