V.League mùa giải 2023-2024 chuẩn bị khởi tranh, theo thông tin từ ban tổ chức là Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), tổng giá trị tiền thưởng tăng lên so với mùa giải 2023 - từ 9 tỉ đồng lên... 9,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong đó, đội vô địch vẫn giữ nguyên mức thưởng 5 tỉ đồng, chỉ có đội á quân (từ 2,5 tỉ đồng lên 3 tỉ đồng) và đội xếp hạng 3 (từ 1,25 tỉ đồng lên 1,5 tỉ đồng) là được tăng tiền thưởng.
Phải nói ngay rằng, tổng giá trị tiền thưởng tăng lên là một nỗ lực rất lớn của ban tổ chức trong hoạt động kinh tế. Dù vậy, nếu đánh giá trên khía cạnh của cả một giải đấu, cả một hành trình kéo dài với tất cả các đội bóng, khoản tiền thưởng này chỉ đủ cho họ hoạt động trong ngắn hạn. Mà không phải đội bóng nào cũng có thể chen chân vào cuộc đua vô địch hoặc lọt vào Top 3. Nên nhớ rằng, ngoài khoản tiền hơn 500 triệu đồng gọi là lệ phí đăng ký tham gia, các câu lạc bộ ở V.League cũng cần có ít nhất 30 đến 40 tỉ đồng để hoạt động trong mỗi mùa giải. Đương nhiên, số tiền đó chủ yếu hy vọng vào ngân sách của tỉnh hoặc sự chống lưng của các doanh nghiệp. Chuyện được chia bản quyền truyền hình (không đáng là bao) hay chuyện bán vé, bán đồ lưu niệm cũng vậy.
Vấn đề đặt ra ở đây không nhằm chê mức tiền thưởng mà hiện tại, cả VPF lẫn các câu lạc bộ cần hướng đến việc phát triển, khai thác tiềm năng kinh tế xứng tầm với giải đấu hàng đầu quốc gia. Muốn tạo ra nguồn thu từ các đài truyền hình, từ người hâm mộ, bóng đá - ngoài yếu tố thành tích, phải hướng đến khía canh cơ bản của nó là “tính giải trí”.
Không mơ được như giải Ngoại hạng Anh nhưng ít nhất, cần đặt câu hỏi về việc V.League đã thu hút bằng yếu tố giải trí hay chưa? Hoàn toàn chưa khi vẫn còn quá nhiều vấn đề. Thay đổi không dễ, thậm chí phải cần đến một cuộc cách mạng như bóng đá Anh từng làm vào đầu thập niên 90, nhưng chỉ có thế, bóng đá mới dần dần tự nuôi được mình và khi đó, tiền thưởng mới được coi là phần thu nhập bổ sung cho đội bóng và các cầu thủ.