Liên quan việc 47 dự án điện chậm tiến độ, dẫn tới nguy cơ thiếu điện cao, tại buổi họp báo "Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, các dự án điện chậm tiến độ có 19 dự án BOT, mới chỉ có 4 dự án trong đó đã đi vào hoạt động.
"Điều này gây khó khăn lớn trong việc cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, đối với những dự án điện chậm tiến độ do nhà nước đầu tư, vừa qua, Bộ Công Thương đã kiểm điểm một số cá nhân liên quan. "Trong giai đoạn tới, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, các đồng chí liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ".
Thứ trưởng cho rằng, nếu không có biện pháp khắc phục thì đây sẽ là khó khăn lớn thời gian tới. Trong số 47 dự án chậm tiến độ, có nhiều dự án chậm tiến độ rất lâu. "Cả xã hội cùng chung tay cố gắng, đảm bảo đủ điện phục vụ các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, phải thực hiện một cách nghiêm túc".
Trước đó, báo cáo cho thấy hàng loạt dự án điện chậm tiến độ, điều này đến nguy cơ thiếu điện rất cao trong thời gian tới.
Cụ thể, theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN được giao làm chủ đầu tư 8 dự án trọng điểm nguồn điện với tổng công suất 11.400 MW. Giai đoạn 2016-2020 có 3 dự án và giai đoạn 2021-2025 có 5 dự án.
“Đến nay, cả 8 dự án đều gặp khó khăn, vướng mắc và không thể hoàn thành theo tiến độ trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết.
Còn Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN được giao đầu tư 24 dự án (bao gồm cả dự án thủy điện tích năng Bác Ái) với tổng công suất là 15.215 MW, trong đó giai đoạn 2016-2020 phải hoàn thành 14 dự án với tổng công suất 7.185 MW.
Trong tổng số 24 dự án được giao này, EVN có 9 dự án đã phát điện, 6 dự án dự kiến đúng tiến độ và tới 9 dự án chậm tiến độ.
Đối với Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam – TKV, doanh nghiệp này thực hiện 4 dự án với tổng công suất 2.950 MW. Trong đó giai đoạn 2016-2020 có 2 dự án và giai đoạn 2021-2030 có 2 dự án. Hiện nay cả 4 dự án đều chậm tiến độ từ 2 năm trở lên.
Ngoài TKV, EVN, PVN, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết nhiều dự án điện được giao cho các chủ đầu tư khác thông qua hình thức BOT. Trong tổng số có 19 dự án BOT, mới chỉ có 4 dự án đã đi vào hoạt động, còn 15 dự án đang xây dựng và chuẩn bị đầu tư, các dự án đưa vào vận hành đều trong giai đoạn 2021- 2030.