Ngày 16.4, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết một thỏa thuận hòa bình với Nga có thể bao gồm hai văn kiện riêng biệt: Đảm bảo an ninh cho Kiev và mối quan hệ tương lai với Mátxcơva.
Phát biểu trước truyền thông Ukraina, Tổng thống Zelensky tuyên bố rằng Điện Kremlin muốn có một tài liệu toàn diện giải quyết tất cả các vấn đề. Tuy nhiên, vì các đảm bảo an ninh liên quan đến các quốc gia khác, nên thỏa thuận hòa bình "2 văn kiện" có thể là một giải pháp, ông nói.
“Một hiệp ước hòa bình với Nga có thể bao gồm hai văn kiện khác nhau. Một trong số đó liên quan đến các đảm bảo an ninh cho Ukraina, văn kiện còn lại giải quyết trực tiếp mối quan hệ của Ukraina với Liên bang Nga” - ông Zelensky nói.
Tổng thống Zelensky giải thích rằng văn kiện về đảm bảo an ninh có thể được ký bởi những quốc gia “sẵn sàng cho những đảm bảo an ninh này”, trong khi văn kiện còn lại có thể đề cập đến mối quan hệ trong tương lai giữa Ukraina và Nga.
Ông Zelensky tuyên bố, Anh, Mỹ, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraina, nhưng vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng từ bất kỳ nước nào trong số này. Danh sách những nước bảo lãnh tiềm năng trước đây cũng bao gồm Đức, Pháp, Ba Lan và Israel.
“Mátxcơva muốn có một thỏa thuận giải quyết tất cả các vấn đề. Tuy nhiên, không phải tất cả đều nhất trí. Đảm bảo an ninh cho Ukraina là một vấn đề, và các thỏa thuận với Nga là một vấn đề khác” - ông Zelensky nói.
Bất chấp những tiến bộ đạt được trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraina tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tuần trước nói rằng các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraina đã “trở lại bế tắc”.
Ông Putin giải thích rằng Ukraina từ chối thực hiện một trong những yêu cầu quan trọng của Nga là công nhận Crimea thuộc Nga và các nước cộng hòa Donbass là độc lập.
Phát biểu của Tổng thống Putin được đưa ra sau thông báo của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov rằng Kiev đã đệ trình các đề xuất mới bằng văn bản khác với những gì đã được đưa ra trong các cuộc đàm phán trực tiếp. Theo ông Lavrov, đề xuất mới không đề cập đến việc các đảm bảo an ninh mà Kiev muốn có được và không bao gồm Crimea.
Có được sự đảm bảo an ninh từ các cường quốc trên thế giới được Ukraina coi là điều kiện then chốt để đồng ý với tình trạng trung lập và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO.
Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào cuối tháng 2, sau khi cáo buộc Kiev không thực hiện các điều khoản của thỏa thuận Minsk, được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014 và cuối cùng là sự công nhận của Mátxcơva đối với các nước cộng hòa Donbass tự xưng là Donetsk và Lugansk. Thỏa thuận Minsk do Đức và Pháp làm trung gian được thiết kế để trao cho các vùng ly khai quy chế đặc biệt ở Ukraina.
Điện Kremlin kể từ đó đã yêu cầu Ukraina chính thức tuyên bố là một quốc gia trung lập và sẽ không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu. Kiev khẳng định cuộc tấn công của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ tuyên bố đang có kế hoạch chiếm lại hai nước cộng hòa ở Donbass bằng vũ lực.